Viêm phổi có nguy hiểm không? Cẩm nang phòng ngừa và điều trị hiệu quả
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp. Mặc dù bệnh đã được nghiên cứu lâu, có những tiến bộ trong phương pháp chẩn đoán và điều trị, cùng với sự ra đời của nhiều kháng sinh mới, nhưng cho đến nay, viêm phổi vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp.
Viêm phổi có nguy hiểm không?
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi (Pneumonia) là bệnh nhiễm trùng nhu mô phổi (bao gồm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết và tiêu phế quản tận) kèm theo tăng tiết dịch trong phế nang gây ra đông đặc nhu mô phổi.
Viêm phổi thường nặng hơn ở đối tượng trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch, HIV/AIDS, …)
Các yếu tố làm tăng nguy cơ và nghiêm trọng hóa viêm phổi
Cấu trúc của đường hô hấp bao gồm hệ thống cơ học – tiết dịch nhầy – đại thực bào phế nang có tính bảo vệ chúng ta tránh khỏi các tác nhân gây bệnh. Nhưng khi hệ thống này bị tổn thương thì nguy cơ viêm phổi rất dễ xảy ra.
- Các nguyên nhân gây viêm phổi chính bao gồm: Virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn (Phế cầu, H. influenzae, M. catarrhalis, Legionella, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae, P. aeruginosa, Enterobacteriaceae, MRSA, …)
- Ngoài ra, viêm phổi còn có thể xảy ra do hít phải các tác nhân vật lý, hóa học, các dị nguyên gây dị ứng.
Viêm phổi hay xảy ra khi gặp các điều kiện thuận lợi như:
- Thời tiết lạnh, nhiễm lạnh đột ngột
- Môi trường sống ô nhiễm
- Sau khi bị cúm, sởi, viêm xoang, …
- Cơ thể suy yếu: còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, người già.
- Ứ đọng phổi do nằm lâu: hôn mê, tai biến mạch máu não, …
- Biến dạng lồng ngực: gù, vẹo cột sống, …
- Tắc nghẽn đường hô hấp
Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh nhiễm trùng mắc phải tại bệnh viện. Bệnh nhân có thể nhập viện vì các lý do khác nhau ví dụ như hôn mê nghiện rượu, chấn thương sọ não, tai biến, … dẫn tới giảm phản xạ ho và rối loạn phản xạ đóng nắp thanh môn, bệnh nhân phải đặt nội khí quản hoặc thở máy. Điều trị viêm phổi bệnh viện thường rất khó khăn do kháng sinh kém hiệu quả, đặc biệt các đối tượng có sử dụng corticoides, dùng các kháng sinh phổ rộng trước đó.
Nhận biết nguy cơ và biện pháp phòng ngừa viêm phổi
Cách nhận biết nguy cơ và biện pháp phòng ngừa viêm phổi
Việc nhận biết được nguy cơ và cách phòng ngừa viêm phổi là điều rất cần thiết, đặc biệt ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao gốm: Trẻ em, người già, người có các bệnh mãn tính như bệnh thận, bệnh gan, COPD, đái tháo đường, người bị suy hô hấp, người mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch.
Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi như:
- Giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột
- Giữ gìn nơi ở thông thoáng, tránh môi trường khói bụi, ô nhiễm
- Không hút thuốc lá, cai rượu
- Chế độ ăn uống dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng
- Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm ngừa phế cầu, lao
- Điều trị tích cực và triệt để các ổ nhiễm trùng ở tai – mũi – họng như: Viêm amidan, viêm xoang, viên V.A, viêm tai giữa, …
Việc chẩn đoán chính xác yếu tố gây bệnh và điều trị kịp thời là mục tiêu tiên quyết đối với bệnh viêm phổi. Song song đó là ý thức phòng ngừa viêm phổi, nhận biết nguy cơ và thay đổi lối sống là hết sức cần thiết để có lá phổi khỏe mạnh và một cuộc sống chất lượng hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.