Tầm quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe tổng thể
Vitamin và khoáng chất là vi chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, chúng có nhiệm vụ tham gia vào nhiều hoạt động như cấu tạo tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng cũng như tất cả các hoạt động sống của cơ thể. Đây là những hoạt chất tham gia trực tiếp vào rất nhiều hoạt động chuyển hóa nhưng hầu hết không được tạo ra bên trong cơ thể mà cần được bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác nhau ở bên ngoài. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ về tầm quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe chúng ta.
Vitamin, khoáng chất là gì?
Vitamin là những hợp chất hữu cơ cần thiết, chiếm một lượng nhỏ trong cơ thể nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cũng như các hoạt động sống của cơ thể.
Vitamin là một trong những thành phần thiết yếu cấu tạo nên tế bào, tham gia vào quá trình trao đổi, chuyển hóa chất dinh dưỡng để duy trì sự sống của các tế bào. Vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch và tham gia điều hòa hoạt động của não bộ và tim. Chúng còn được xem như là một chất xúc tác, giúp đồng hóa và biến đổi thức ăn, tạo ra năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.
Ngoài ra, vitamin còn có khả năng bảo vệ tế bào khỏi những tấn công từ các tác nhân nhiễm trùng nhờ đặc tính chống oxy hóa, khử độc và phục hồi các cấu trúc bị tổn thương. Song song đó chúng còn tham gia hỗ trợ điều trị các bệnh lý và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Chất khoáng hay khoáng chất là những yếu tố vô cơ có trong đất và nước, được các loại thực vật hấp thụ hoặc động vật tiêu thụ và tồn tại bên trong các loại thực phẩm động, thực vật.
Chất khoáng tham gia hình thành nên cấu trúc tế bào, ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể, cân bằng chất lỏng, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của hệ cơ xương và giúp hệ thần kinh thực hiện tốt chức năng của mình.
Và tương tự như vitamin, cơ thể không tự tổng hợp được khoáng chất mà cần phải được cung cấp qua đường ăn uống.
Các loại vitamin và khoáng chất
Các loại vitamin:
- Vitamin A: Rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là có vai trò quan trọng với chức năng của mắt. Ngoài ra, vitamin A còn hỗ trợ sinh sản phát triển bình thường, giúp xương chắc khỏe, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể.
- Vitamin D: rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của hệ cơ xương, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến xương khớp như còi xương, chậm mọc răng, cong vẹo cột sống, bệnh tim, một số bệnh ung thư và bệnh đa xơ cứng…
- Vitamin E : Liên quan đến các bệnh lý về da và tế bào máu. Vitamin E là chất chống oxy hóa góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn quá trình lão hóa da, duy tri làn da khỏe.
- Vitamin K: đóng vai trò quan trọng, liên quan mật thiết đến sự đông máu của cơ thể. Thiếu vitamin K rất dễ dẫn đến hiện tượng máu khó đông, các vết thương sẽ rất khó cầm máu. Ngoài ra, còn có vai trò ngăn ngừa loãng xương, phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.
- Vitamin B: Có vai trò quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh, kích thích ăn uống,giúp da tóc bóng mượt. Trong quá trình chuyển hóa thức ăn trong cơ thể, vitamin B có khả năng chuyển hóa lượng enzym và protein tạo ra năng lượng để hoạt động.
- Vitamin C : cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa các mô ở tất cả các bộ phận của cơ thể; tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa; giúp tạo ra collagen, chất kết dính các vết thương lại với nhau, hỗ trợ thành mạch máu và tạo nền cho răng và xương.
Một số khoáng chất điển hình như:
- Magie: Đóng vai trò quan trọng với hệ tiêu hóa, kiểm soát lượng đường máu, cân bằng huyết áp, giúp cơ thể tạo tế bào xương mới và hạn chế tình trạng loãng xương nhờ thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể.
- Sắt: là một khoáng chất quan trọng tham gia vào các chức năng khác nhau của cơ thể, bao gồm vận chuyển oxy trong máu, cung cấp năng lượng cho các tế bào. Nó cũng rất quan trọng để giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta hoạt động hiệu quả để chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, thiếu sắt sẽ làm lượng máu trong cơ thể sụt giảm, dẫn đến các hiện tượng như cơ thể mỏi mệt, yếu ớt, rụng tóc nhiều và đau đầu chóng mặt.
- Selen: là thành phần cấu tạo của men glutathione peroxidase – chất ảnh hưởng đến mọi hoạt động của hệ miễn dịch. Do đó, selen ngoài công dụng chống oxy hóa rất tốt ra thì còn hạn chế khả năng nhiễm trùng, ngăn chặn hiệu quả các kháng nguyên gây hại xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virus.
- Kẽm là yếu tố kích hoạt sự hoạt động của hầu hết các enzyme trong cơ thể đồng thời góp phần hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ khứu giác, vị giác và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp ADN.
- Kali:là loại khoáng chất rất cần thiết cho sự dẫn truyền xung thần kinh, điều hòa cân bằng nước và điện giải cơ thể,. Khi nồng độ Kali bị rối loạn có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Canxi: là một loại khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong cơ thể người. Trong cơ thể 99% lượng canxi tồn tại trong xương, răng, móng và 1% trong máu. Canxi kết hợp với photpho là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, làm cho xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, canxi còn cần cho quá trình hoạt động của thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hoá của tế bào và quá trình đông máu.
- Photpho: Hình thành,duy trì hệ xương và răng vững chắc và giúp giải phóng năng lượng từ thức ăn.
- Iod: Rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người, lod là vì chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Đồng: Giúp cơ thể tạo hemoglobin là một thành phần của các enzyme cơ thể, giúp cơ thể sản sinh năng lượng cho tế bào.
- Crom: Duy trì sự chuyển hóa hợp lý carbohydrate và lipid, chúng có thể giúp làm giảm đái tháo đường tuyp 2.
- Flour: Có vai trò quan trọng trong hình thành hàm răng chắc khỏe và giúp giảm nguy cơ sâu răng.
Làm thế nào để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất
Các loại thực phẩm
- Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi các thức ăn trong ngày. Lưu ý, cần kết hợp với tỷ lệ cân đối giữa nhóm thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới, để bổ sung vitamin cho người lớn thì người trưởng thành nên ăn rau củ quả từ 400-600g/ngày.
- Những nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất :
- Canxi: trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như: bơ, phô mai, sữa chua,…
- Magie: rau bina, đậu đen, đậu Hà Lan, hạnh nhân
- Sắt: rau bina, các loại đậu, thịt đỏ, gan, cá, bông cải xanh,…
- Vitamin A: trứng, sữa, cà rốt, khoai lang, dưa đỏ,…
- Vitamin C: cam, dâu tây, cà chua, kiwi, bông cải xanh, ớt chuông,…
- Vitamin B: sữa, thịt bò, rau xanh, các loại hạt,…
- Vitamin E: bơ, quả hạch, ngũ cốc, các loại rau màu xanh đậm
Thực phẩm bổ sung
- Các vi chất dinh dưỡng là những chất quan trọng với cơ thể, là một trong những “chìa khóa vàng” giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, chính phương thức chế biến, thói quen ăn uống, sinh hoạt hay chất lượng thực phẩm lại gây ảnh hưởng đến hàm lượng vitamin được nạp vào cơ thể và nhu cầu bổ sung vitamin cho người lớn, từ đó có thể gây thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
- Để khắc phục tình trạng này, việc bổ sung vitamin cho người lớn thông qua các thực phẩm bổ sung đang rất được quan tâm. Khi nhịp sống dần hối hả, bữa ăn không còn được đảm bảo tính khoa học, đủ đầy dinh dưỡng thì các sản phẩm bổ sung vitamin cho người lớn đã trở thành sự lựa chọn tối ưu của nhiều người.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.