Những ai dễ mắc bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp, còn được gọi là tuyến giáp hoạt động quá mức, là tình trạng tuyến giáp của bạn sản xuất và giải phóng lượng hormone tuyến giáp cao. Tình trạng này có thể làm cho quá trình trao đổi chất của bạn tăng tốc. Các triệu chứng của bệnh cường giáp bao gồm nhịp tim nhanh, sụt cân, tăng cảm giác thèm ăn và lo lắng. Bệnh cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ, thuốc chẹn beta và phẫu thuật. Để có thể phòng ngừa tốt căn bệnh này, Pharmacity cung cấp đến bạn đọc một số thông tin liên quan như bên dưới.
Cường giáp là gì?
Cường giáp (tên tiếng anh là Hyperthyroidism) hay còn gọi là cường chức năng tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến sản xuất nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể.
Các hormone tuyến giáp có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và chức năng của cơ thể như ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, cân nặng, tiêu hóa và tâm trạng. Do đó, nếu tình trạng cường giáp không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến tim, xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và cả khả năng sinh sản. Vì vậy, bệnh cường giáp cần được phát hiện và điều trị sớm.
Những ai dễ mắc bệnh cường giáp
Đối tượng dễ mắc bệnh cường giáp hoặc có nguy cơ cao:
- Phụ nữ
- Người trên 60 tuổi
- Phụ nữ đã mang thai hoặc vừa sinh con trong 6 tháng
- Đã từng phẫu thuật tuyến giáp
- Đang bị một bệnh lý tuyến giáp, ví dụ như bướu cổ
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
- Bệnh thiếu máu ác tính (tình trạng cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh do thiếu vitamin B12)
- Bị bệnh đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2
- Suy tuyến thượng thận nguyên phát
- Chế độ ăn có quá nhiều thực phẩm chứa nhiều iod
- Sử dụng thuốc hoặc chất bổ sung chứa iod
Ngăn ngừa tiến triển bệnh cường giáp như thế nào?
Vì ở giai đoạn đầu bệnh cường giáp không gây ra các triệu chứng rõ ràng hoặc người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Để ngăn ngừa cường giáp, người bệnh cần có thói quen thăm khám và tầm soát sức khỏe thường xuyên bên cạnh đó thực hiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý bằng các biện pháp như:
- Luyện tập thể dục thường xuyên: Việc tập luyện thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh cũng như tăng cường hệ miễn dịch chủ động của cơ thể. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh do kháng thể nhận diện và tiêu diệt nhầm tế bào tuyến giáp cũng được hạn chế.
- Bổ sung đủ i-ốt: Việc thừa hoặc thiếu i-ốt có thể gây ra các vấn đề về bệnh lý tuyến giáp vì vậy chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần được cung cấp đầy đủ lượng i-ốt cần thiết. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết về vấn đề này. Đặc biệt phụ nữ mang thai, người cao tuổi là đối tượng cần lưu ý về việc bổ sung đủ lượng i-ốt hàng ngày để tránh những vấn đề sức khỏe cho thai nhi, sản phụ cũng như người cao tuổi.
- Dinh dưỡng hợp lý:
- Trong phòng ngừa và hạn chế tiến triển bệnh cường giáp, các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa luôn là lựa chọn mà các chuyên gia khuyến cáo sử dụng. Các thực phẩm giàu oxy hóa có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như trái cây, đặc biệt các loại quả mọng như việt quất, dâu tây…các loại ray xanh như cải xoăn, súp lơ…
- Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể thao và ngủ đủ giấc, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán các đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích để phòng ngừa không chỉ bệnh lý tuyến giáp mà các bệnh lý sức khỏe nói chung.
- Tầm soát các bệnh lý tuyến giáp nên được thực hiện hàng năm đặc biệt ở đối tượng là nữ giới trên 20 tuổi. Việc tầm soát sớm có thể phát hiện bệnh và điều trị ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng, người bệnh ít bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Ngoài ra, khi phát hiện những triệu chứng cường giáp như mắt lồi, cổ to, đau họng, thân nhiệt cao, suy giảm thị lực…, người bệnh cần sớm đi khám tại chuyên khoa nội tiết của các trung tâm y tế, bệnh viện lớn trên cả nước.
Kết luận
Cường giáp là một bệnh lý nội tiết phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ và người cao tuổi. Việc hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của cường giáp là cực kỳ quan trọng để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu các biến chứng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để ngăn ngừa và kiểm soát cường giáp, bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn, và thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như nhịp tim nhanh, sụt cân không rõ lý do, hay cảm giác lo lắng quá mức, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.