[Phần 1] Tuyến giáp là gì? Các bệnh lý phổ biến liên quan
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể mỗi người. Hãy cùng tìm hiểu một số điều cần thiết về bệnh tuyến giáp để chủ động phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe mỗi ngày.
Tuyến giáp là gì? Chức năng tuyến giáp đối với cơ thể
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, nằm ở cổ trước khí quản, bên dưới sụn giáp, là cơ quan có hình cánh bướm, tuy nhỏ nhưng lại đảm nhận trách nhiệm vô cùng to lớn. Hormone T3, T4 được sản xuất từ tuyến giáp là chìa khóa đảm bảo hoạt động của các tế bào trong cơ thể diễn ra bình thường.
Tuyến giáp nằm ở cổ trước khí quản, tuy nhỏ nhưng lại đảm nhận trách nhiệm vô cùng to lớn
Tuyến giáp giữ chức năng điều hành việc trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể luôn ổn định, không quá nhanh hay quá chậm. Điều khiển tuyến giáp chính là tuyến yên (một tuyến nằm trong não bộ). Tuyến yên sản sinh ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone này sẽ thông báo cho tuyến giáp để tiết hormone khi cần.
Sự tăng hay giảm hormone giáp đều gây ra ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ quan trong cơ thể: tim mạch, tiêu hóa, cơ, hệ thần kinh, sinh nhiệt, da, não,…
Các bệnh lý liên quan tuyến giáp thường gặp
Bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến ở mọi đối tượng, cả trẻ nhỏ lẫn người già, nam lẫn nữ với các biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó nhận biết. Trong đó suy giáp và cường giáp là các bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp nhất.
Suy giáp là gì?
Suy giáp là tình trạng xảy ra khi tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Suy giáp không được điều trị sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: suy tim, biến cố mạch vành. Phụ nữ mang thai bị suy giáp sẽ dẫn đến tình trạng sảy thai, sinh non, thậm chí trẻ sinh ra có thể bị chậm phát triển trí tuệ.
Trong giai đoạn đầu, những biểu hiện của bệnh không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan và chỉ thực sự bắt đầu điều trị khi tình trạng suy giáp đã tiến triển và hệ quả là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh hoặc biến chứng nặng.
Cường giáp là gì?
Cường giáp là biểu hiện của nhiễm độc giáp, là hội chứng gây ra do tình trạng sản sinh quá mức hormone tuyến giáp. Cường giáp không được điều trị sẽ gây ra biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng như rối loạn nhịp tim, suy tim, cơn bão giáp. Phụ nữ mang thai bị cường giáp có thể dẫn tới tiền sản giật, trẻ bị cường giáp, tim bẩm sinh, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh
Suy giáp và cường giáp là các rối loạn nghiêm trọng và cần được điều trị bởi chuyên gia y tế. Tuy nhiên, do biểu hiện lâm sàng đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, các bệnh lý tuyến giáp thường chưa được tầm soát rộng rãi dẫn tới phát hiện chậm trễ. Vì vậy, việc nhận diện các triệu chứng bất thường của tuyến giáp là rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc tầm soát sớm rối loạn chức năng tuyến giáp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tuyến giáp thường gặp
Các dấu hiệu bệnh thường khó nhận biết, tuy nhiên tuyến giáp có sự bất thường nếu bạn nhận thấy một trong các triệu chứng cảnh báo sau đây.
- Bướu cổ/ sưng cổ;
- Tóc khô và suy yếu hoặc rụng tóc;
- Da khô hoặc da ẩm ướt, hay ra mồ hôi;
- Tăng cân liên tục hoặc sụt cân;
- Dễ cảm thấy lạnh hoặc nóng;
- Buồn ngủ hoặc khó ngủ;
- Lồi mắt;
- Run tay;
- Rối loạn kinh nguyệt;
- Táo bón;
- Mệt mỏi, lo âu, trầm cảm hoặc dễ bị kích động.
Chú ý đến tình trạng sức khỏe và không nên bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào xảy ra với cơ thể, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường hãy đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt để phát hiện sớm và điều trị đúng cách nếu mắc bệnh tuyến giáp.
Đối tượng phổ biến dễ mắc bệnh về tuyến giáp
Theo các nghiên cứu và thống kê cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tuyến giáp là do sự thay đổi nội tiết, trong đó quá trình dậy thì, kinh nguyệt, mang thai và sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh khiến cơ thể nữ giới thay đổi nội tiết rất lớn. Do đó, phụ nữ là đối tượng dễ mắc bệnh lý về tuyến giáp.
Theo các nghiên cứu và thống kê cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp cao hơn so với nam giới
Những đối tượng thường gặp bệnh tuyến giáp, cụ thể:
- Nữ giới, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh sản;
- Mới vừa mang thai và sinh con;
- Tuổi cao;
- Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp;
- Đồng mắc bệnh tự miễn khác;
- Sau điều trị iod phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt tuyến giáp;
- Sống ở vùng dịch tễ thiếu iod;
- Sử dụng một số thuốc nội khoa có thể có tác dụng ngoại ý trên tuyến giáp.
Ngoài ra, tình trạng căng thẳng, lo âu, mệt mỏi hay mất ngủ thường xuyên khiến cho sức đề kháng phụ nữ suy giảm và dễ mắc bệnh hơn so với nam giới.
Tầm quan trọng của việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh tuyến giáp
Nhóm bệnh về tuyến giáp có nguy cơ mắc phải ngày càng cao ở mọi đối tượng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, bệnh tuyến giáp có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe và tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng do bệnh lý liên quan tuyến giáp gây ra, bạn hãy thường xuyên nâng cao kiến thức về bệnh tuyến giáp, chủ động kiểm tra sức khỏe và tầm soát bệnh định kỳ.
Bệnh tuyến giáp có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, kịp thời
Một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời bệnh tuyến giáp như: bướu giáp, bệnh tim mạch, tăng cân béo phì, bệnh về mắt, vô sinh, ung thư tuyến giáp,…
Bệnh lý tuyến giáp thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn sớm, vì vậy giải pháp tối ưu để ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh tuyến giáp là hãy đến bệnh viện để được xét nghiệm, khám sàng lọc bằng máy móc, trang thiết bị hiện đại mang đến hiệu quả cao, đảm bảo an toàn sức khỏe.
Tham gia chương trình “KIỂM TRA và TƯ VẤN SỨC KHOẺ” miễn phí tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity để nâng cao kiến thức, nhận thức và giải pháp để bảo vệ và phòng ngừa bệnh an toàn, hiệu quả. Cập nhật thông tin tại đây.
Nguồn: Tổng hợp