Đối tượng nào dễ mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối?
Xơ gan là tổn thương gan mạn tính không hồi phục, gây ra do nhiều nguyên nhân, đặc trưng trên mô bệnh học bởi sự xơ hóa lan tỏa, đảo lộn cấu trúc tế bào gan, hình thành các nốt (Nodule) có cấu trúc bất thường. Hãy cùng tìm hiểu về đối tượng dễ mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối qua bài viết này.
Các triệu chứng xơ gan giai đoạn cuối
Xơ gan giai đoạn cuối, xơ gan mất bù là giai đoạn chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng. Khi đó, hầu hết các tế bào gan khỏe mạnh đã bị thay thế bằng tế bào gan xơ hóa và sẹo khiến gan không còn khả năng lọc máu và đào thải các chất độc, dẫn đến các chất này tích tụ và gây hại cho gan và cơ thể.
Xơ gan giai đoạn 4 đã có những biểu hiện rõ rệt hơn, người bệnh có thể tự dễ dàng phát hiện ra bệnh thông qua một số triệu chứng dưới đây:
- Xuất huyết tiêu hóa: Khi chức năng gan bị suy giảm sẽ khiến huyết áp tĩnh mạch ở gan tăng lên, làm cho các tĩnh mạch thực quản bị chèn ép gây phình và giãn mạnh. Thời gian kéo dài sẽ khiến tĩnh mạch thực quản bị vỡ ra gây ra xuất huyết tiêu hóa.
- Cổ trướng: Dịch cổ trướng bị tích tụ lại ở khoang màng bụng, gây áp lực lên vùng bụng khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đau đớn và gây ảnh hưởng tới quá trình hô hấp. Người bệnh sẽ thấy bụng bị sưng phù, trướng lên, có cảm giác căng tức, khó chịu.
- Vàng da: Đây là tình trạng phổ biến ở những người xơ gan độ 4. Vàng da xuất phát từ mắt, móng tay sau đó lan ra toàn bộ cơ thể.
- Phù nề: Ở giai đoạn 4, người bị xơ gan sẽ bị sưng phù chân, tay. Nguyên nhân của hiện tượng này được giải thích là do chức năng gan bị suy giảm dẫn tới tình trạng tích nước trong cơ thể gây ra phù. Bệnh nhân có thể nhận biết bằng cách ấn vào da thấy xuất hiện điểm lõm, một lúc sau vết lõm mới mất đi.
- Não gan: Gan bị tổn thương, chức năng gan suy giảm, và không còn khả năng loại bỏ amoniac ra khỏi cơ thể. Khi lượng amoniac tích tụ lại, tăng cao trong máu sẽ khiến cơ thể, trong đó có não bị nhiễm độc gây ra tình trạng não gan với một số triệu chứng như: mệt mỏi, lơ mơ, không tỉnh táo, co giật, ngất xỉu,…
Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Sụt cân, không kiểm soát khiến cơ thể.
- Mệt mỏi, uể oải, hoa mắt chóng mặt, cơ thể xanh xao…
- Người bệnh có khả năng bị sốt nhẹ, hoặc tiêu chảy do gan bị mất khả năng thải độc. Vì vậy độc tố có thể tấn công vào đường tiêu hóa gây nên rối loạn tiêu hóa.
Nguy cơ chính dẫn đến bệnh xơ gan giai đoạn cuối
Nguyên nhân chính gây bệnh xơ gan giai đoạn cuối chính là xơ gan không được phát hiện, điều trị kịp thời dẫn đến tình trạng ngày càng nặng, chuyển sang giai đoạn cuối là xơ gan mất bù. Những nguyên nhân điển hình như:
- Phổ biến là do lạm dụng rượu bia.
- Viêm gan do virus B, C
- Tác dụng phụ của thuốc
- Gan nhiễm mỡ
- Bệnh di truyền (như thừa chất sắt và xơ nang),
- Xơ gan mật nguyên phát (gây nên tắc nghẽn ống dẫn mật)…
Những người bệnh đang mắc các loại bệnh kể trên có nguy cơ cao bị xơ gan. Vì vậy, nên đi tầm soát định kỳ để phát hiện sớm xơ gan nếu có.
Đối tượng dễ mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối
Bất cứ ai cũng đều có thể bị xơ gan. Tuy nhiên, các đối tượng sau có khả năng mắc bệnh cao hơn:
- Nghiện rượu
- Bị viêm gan siêu vi
- Mắc bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Tiêm chích ma túy, sử dụng chung bơm kim tiêm
- Có tiền sử mắc các bệnh về gan
- Quan hệ tình dục không an toàn.
Nên làm gì khi mắc bệnh xơ gan giai đoạn cuối?
Bệnh nhân mắc xơ gan giai đoạn này cần có chế độ dinh dưỡng riêng theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để việc điều trị có thể đạt kết quả tốt hơn như:
- Cần cân bằng chế độ dinh dưỡng như: các chất béo, chất đạm, chất xơ,…
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, thực phẩm chứa nhiều bột ngọt và thực phẩm chế biến sẵn.
- Không ăn quá mặn, mỗi ngày trung bình lượng muối cần được hấp thụ khoảng 2,5g
- Cần để cơ thể hấp thu đủ nước mỗi ngày, tuy nhiên cũng không nên uống quá nhiều nước. Mỗi người trung bình mỗi người cần uống đủ 1,5-2 lít.
- Cần tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, điều này cũng sẽ giúp quá trình điều trị được cải thiện tốt hơn.
Không chỉ thế, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ để được theo dõi, tư vấn và thăm khám, điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Đặc biệt, bệnh nhân tuyệt đối không được ngưng sử dụng hoặc sử dụng những loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là những loại thuốc gây độc cho gan.
Xơ gan giai đoạn 4 là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm, hơn nữa nếu không can thiệp sớm từ y học thì tỷ lệ sống của người bệnh là rất thấp. Vì thế người bệnh cần phải sống lạc quan, vui vẻ, không được nản chí với việc điều trị kéo dài, để đạt được kết quả như mong muốn người bệnh cần kiên trì rất nhiều.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.