Lời khuyên dành cho người bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất ở người lớn, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do suy mạch vành khá cao. Sự hiểu biết cần thiết về bệnh sẽ giúp cho việc phát hiện bệnh được sớm, phòng bệnh và điều trị có hiệu quả hơn.
Những điều cần biết về bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là gì ?
Bệnh mạch vành hay suy mạch vành là tình trạng các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa, khiến lưu lượng máu đến tim giảm đi.
Bệnh có 2 thể là hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn:
- Hội chứng động mạch vành cấp là tình trạng bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp, xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối.
- Ngược lại, bệnh mạch vành mạn thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ. Triệu chứng của bệnh xuất hiện và tăng dần khi diễn tiến của hẹp mạch vành nặng lên theo thời gian.
Nguyên nhân gây ra các bệnh lý về mạch vành
Bệnh mạch vành xảy ra do sự lắng đọng cholesterol trong máu gây tổn thương lớp lót trên thành mạch khiến vùng này bị viêm mãn tính. Khi bị viêm, cơ thể sẽ tự sản sinh phản ứng viêm khiến cho một lượng lớn tiểu cầu và các tế bào miễn dịch được huy động về đây để làm liền cho vết thương.
Theo thời gian, các tế bào này sẽ kết dính với canxi và cholesterol tạo nên mảng xơ vữa ở trên thành mạch. Các mảng này có thể bong lên hoặc dày hơn rồi lại làm tổn thương động mạch. Không những thế, khi các mảng ấy nứt vỡ chúng còn tăng dần về kích thước và tạo thành các cục máu đông gây cản trở dòng máu. Đến lúc đạt kích thước đủ lớn, nó khiến cho toàn bộ mạch vành bị tắc nghẽn và kết quả chính là cơn nhồi máu cơ tim.
Đối tượng nào có nguy cơ cao với bệnh mạch vành
- Người cao tuổi bị cao huyết áp và tăng cholesterol máu.
- Người vận động ít.
- Người hút thuốc lá nhiều.
- Người sinh trong gia đình có tiền sử đối với bệnh mạch vành.
- Người béo phì hoặc bị tiểu đường tuýp 2.
Triệu chứng bệnh mạch vành
Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu nhận biết sớm nhất và là triệu chứng điển hình của bệnh động mạch vành. Đau có thể thoáng qua, gây khó thở nhưng có khi bó chặt, thắt nghẹt, đè ép trong lồng ngực. Đau có thể sau xương ức, tim, giữa ngực hoặc lan lên vai, cổ, cánh tay bên trái.Tình trạng này xảy ra khi gắng sức, đi bộ leo dốc, căng thẳng, stress. Thời gian cơn đau xuất hiện thường rất ngắn, 10 – 30 giây hoặc vài phút. Đặc biệt cơn đau giảm khi ngồi nghỉ hoặc dùng thuốc . Một số trường hợp, cơn đau kéo dài trên 15 phút, không có dấu hiệu thuyên giảm ngay cả khi dùng thuốc thì có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.
Một số triệu chứng bệnh tim mạch vành khác:
- Người bệnh thấy hồi hộp, hụt hơi.
- Thường xuyên chóng mặt, hoảng hốt.
- Mệt ở ngực, xuất hiện cơn đau ngực kèm theo buồn nôn.
Những lưu ý cho người bệnh mạch vành
Các biện pháp phòng ngừa bệnh mạch vành:
- Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc từ người khác
- Ngừng uống rượu
- Ăn uống khoa học: Tránh thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, đồng thời thực hiện chế độ ăn ít muối và đường với những thực phẩm có lợi cho tim như ngũ cốc thô, rau xanh, trái cây, đậu và các loại hạt.
- Tập thể dục thường xuyên: đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, nên trao đổi với bác sĩ về hình thức và cường độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
- Cải thiện các bệnh lý đi kèm: Người bệnh cần được xét nghiệm thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến bệnh tim.
- mạch như tiểu đường, béo phì, thừa cân, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp
- Xây dựng lối sống tích cực,tránh căng thẳng quá mức, làm việc điều độ và quản lý thời gian hiệu quả.
Người bệnh cần làm gì khi mắc bệnh động mạch vành
- Cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, tránh tự ý điều trị.
- Tái khám và điều chỉnh thuốc định kỳ theo hướng dẫn.
- Khi xuất hiện các triệu chứng bên trên và tăng lên cần tái khám ngay.
- Điều trị các bệnh lý kết hợp, đảm bảo các thông số mục tiêu theo hướng dẫn.
- Tiếp tục duy trì chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện dưới hướng dẫn của bác sĩ.
Trong việc quản lý bệnh mạch vành, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Người bệnh cần tuân thủ các chỉ đạo của bác sĩ, đặc biệt là về chế độ ăn uống khoa học, tập luyện thường xuyên và bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu. Bên cạnh đó, việc theo dõi sát sao các triệu chứng và tái khám định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và điều chỉnh điều trị kịp thời. Quan trọng hơn nữa, việc xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh mạch vành, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai biến và tăng cường sức khỏe toàn diện.