Mẹ bầu ăn sữa chua được không? Nên ăn vào thời điểm nào?
Sữa chua với hương vị thơm ngon và kết cấu mịn màng, không chỉ là món tráng miệng quen thuộc mà còn là nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào. Đặc biệt, trong thời kỳ mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao, sữa chua lại càng trở thành một lựa chọn được ưu tiên. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu vẫn còn băn khoăn liệu bầu ăn sữa chua được không và thời điểm nào nên sử dụng, cùng Pharmacity tìm hiểu nhé!
Giá trị dinh dưỡng sữa chua
Sữa chua được biết đến là một thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng hiểu thực sự hiểu rõ về những dưỡng chất có trong đó. Cụ thể, thành phần dinh dưỡng có trong 100g sữa chua nguyên chất, không đường bao gồm:
Thành phần | Lượng (trong 100g) |
Năng lượng | 61 kcal |
Nước | 88% |
Protein | 3,5g |
Carbohydrate | 4,7g |
Đường | 4,7g |
Chất xơ | 0g |
Chất béo | 3,3g |
Mẹ bầu ăn sữa chua được không?
Câu hỏi bà bầu ăn sữa chua được không chắc hẳn là thắc mắc của nhiều mẹ trong quá trình mang thai, câu trả lời là CÓ. Bởi lẽ, chúng là nguồn dinh dưỡng dồi dào, mang lại nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể như sau:
- Nguồn cung cấp canxi dồi dào: Canxi là khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển xương và răng của cả mẹ và bé. Sữa chua là nguồn cung cấp canxi tự nhiên, giúp mẹ bầu giảm nguy cơ loãng xương và đảm bảo bé phát triển khỏe mạnh.
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Trong thành phần sữa chua có nhiều lợi khuẩn, nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, giảm tình trạng táo bón thường gặp ở bà bầu.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Sữa chua giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ mẹ bầu và bé khỏi các tác nhân gây bệnh.
- Cung cấp vitamin và khoáng chất: Ngoài canxi, sữa chua còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác như vitamin B12, kali,…
Để đảm bảo an toàn và cung cấp đầy đủ dưỡng chất, mẹ bầu nên ưu tiên sữa chua ít đường, sản xuất từ 100% sữa đã được tiệt trùng. Sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa chưa qua xử lý có thể khiến mẹ bầu gặp phải các triệu chứng khó chịu như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt, nhức đầu và đau nhức cơ thể,…
Ngoài ra, nếu nghiêm trọng hơn, các sản phẩm này có thể chứa vi khuẩn gây bệnh như: Listeria, thương hàn, lao, bạch hầu, sốt Q và brucella. Trong đó, vi khuẩn Listeria đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, có thể gây sảy thai, sinh non hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Quá trình thanh trùng hoặc tiệt trùng sữa sẽ tiêu diệt hiệu quả các vi khuẩn này, bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mẹ bầu nên ăn sữa chua vào những thời điểm nào?
Bầu 3 tháng đầu ăn sữa chua được không là câu hỏi phổ biến của các mẹ bầu, theo đó mẹ hoàn toàn có thể ăn và thậm chí rất tốt cho sức khỏe trong thời điểm này. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, nên bổ sung khoảng 200g sữa chua không đường vào khẩu phần ăn hàng ngày. Để tăng cường hấp thu canxi và các dưỡng chất khác, mẹ nên dùng sữa chua vào 3 thời điểm cụ thể như sau:
- Trong bữa ăn sáng: Bắt đầu ngày mới với một ly sữa chua cùng ngũ cốc và trái cây tươi là một lựa chọn hoàn hảo. Sữa chua sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, giảm tình trạng táo bón thường gặp ở bà bầu. Ngoài ra, nhờ các lợi khuẩn có trong sữa chua, giúp cơ thể mẹ bầu khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
- Sau bữa ăn trưa: Sau bữa trưa, nồng độ canxi trong cơ thể thường ở mức thấp, việc ăn sữa chua lúc này sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, rất cần thiết cho sự phát triển xương của bé. Các lợi khuẩn trong sữa chua sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
- Trước khi đi ngủ: Uống một ly sữa chua là lựa chọn hoàn hảo cho bà bầu, không chỉ giàu canxi – dưỡng chất thiết yếu cho giấc ngủ sâu và ngon, sữa chua còn chứa lượng protein dồi dào, đặc biệt là casein. Casein được biết đến với khả năng làm giảm cảm giác đói kéo dài, giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc và tỉnh táo vào sáng hôm sau.
Một số món ăn được chế biến từ sữa chua an toàn cho mẹ bầu
Sau khi trả lời được câu hỏi bầu ăn sữa chua được không, thì việc biết cách chế biến các món ăn từ sữa chua cũng rất cần thiết. Nhằm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cũng như tốt cho sức khỏe của mẹ bầu, cụ thể:
Sinh tố sữa chua
Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những buổi sáng bận rộn. Với công thức đơn giản và nguyên liệu đa dạng, bạn có thể sáng tạo những ly sinh tố thơm ngon, bổ dưỡng.
- Nguyên liệu: 1 hộp sữa chua không đường (để đông mềm), trái cây tươi (dâu tây, chuối, xoài, bơ…), rau xanh (cải xoăn, bina…), hạt chia, hạt lanh, bột ngũ cốc, mật ong (tùy khẩu vị)
- Cách làm: Cho những nguyên liệu đã chuẩn bị vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn, thêm sữa hoặc nước lọc để điều chỉnh độ đặc lỏng, thêm đá nếu muốn uống lạnh.
Ngũ cốc sữa chua
Kết hợp sữa chua với ngũ cốc là cách đơn giản để có một bữa sáng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Nguyên liệu: 1 hộp sữa chua không đường, ngũ cốc, trái cây tươi, hạt
- Cách làm: Cho sữa chua ra bát, thêm ngũ cốc, trái cây và hạt lên trên. Rưới thêm mật ong hoặc siro nếu thích.
Sữa chua thập cẩm
Là món ăn vặt hấp dẫn, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, bạn có thể kết hợp sữa chua với nhiều loại trái cây, hạt và topping khác nhau.
- Nguyên liệu: 1 hộp sữa chua không đường, trái cây tươi cắt hạt lựu, hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân, topping (thạch, kẹo dẻo, granola).
- Cách làm: Cho sữa chua ra bát, xếp các loại trái cây, hạt và topping lên trên.
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi bầu ăn sữa chua được không cũng như thời điểm ăn thích hợp cho mẹ bầu. Mặc dù sữa chua mang lại nhiều lợi ích, nhưng mỗi bà bầu có những đặc điểm cơ thể khác nhau. Do đó, trước khi bổ sung sữa chua vào chế độ ăn thì mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.