Bé ho có đờm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
Bé bị ho có đờm là tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường mắc phải bởi vì trong giai đoạn này hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, khiến cơ thể khó chống chọi lại các tác nhân gây bệnh. Vậy làm sao để giải quyết triệt để tình trạng này? Cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết về tình trạng trẻ ho khò khè có đờm qua bài viết sau.
Nguyên nhân phổ biến làm bé ho có đờm
Ho có đờm là phản xạ tự nhiên của cơ thể trẻ để tống các chất dịch trong đường thở ra ngoài, giúp đường thở thông thoáng hơn. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ho có đờm ở trẻ:
- Thay đổi thời tiết: Thời điểm giao mùa thường là nguyên nhân khiến trẻ em dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp làm cho bé ho có đờm lâu ngày không khỏi.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Khi cơ thể bé bị vi khuẩn, virus xâm nhập, nhất là đường hô hấp, cơ thể sẽ tiết ra các chất dịch nhầy (đờm) để bảo vệ cơ thể.
- Ô nhiễm môi trường: Những trẻ sống trong môi trường có không khí không trong lành, nhiều khói bụi sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp gây nên tình trạng ho có đờm.
- Hệ miễn dịch còn non yếu: Ở trẻ em, nhất là những trẻ sơ sinh, do sức đề kháng yếu sẽ làm trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và đường hô hấp.
- Khói thuốc lá: Khói thuốc lá là tác nhân khiến cho niêm mạc đường hô hấp của trẻ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường, trẻ dễ bị ho có đờm, ho kéo dài.
Các biểu hiện khi trẻ bị ho có đờm
Thông qua những triệu chứng dưới đây bố mẹ sẽ dễ dàng nhận biết tình trạng trẻ ho có đờm:
- Tình trạng ho kéo dài không khỏi.
- Ho nhiều kèm theo tím tái, khó thở hoặc thở rít.
- Ho kèm theo sốt, nôn trớ.
- Ho kèm chất nhầy.
Trong trường hợp trẻ ho có đờm kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, bỏ bú, sốt cao, tím tái… bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản, viêm phổi,…
Bé bị ho có đờm thường đi kèm với triệu chứng khò khè và thường nôn trớ sữa
Cách khắc phục tình trạng bé ho có đờm đơn giản tại nhà
Để khắc phục tình trạng bé ho có đờm một cách an toàn và hiệu quả, bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau đây.
Bé ho khò khè có đờm nên uống nhiều nước
Theo các chuyên gia, khi bé bị ho có đờm mẹ hãy bổ sung cho bé nhiều chất lỏng, giúp trẻ tránh được tình trạng khô họng, từ đó tránh được tình trạng viêm họng và thông thoáng đường thở.
Nước ấm sẽ làm loãng các dịch nhầy có trong cổ họng của trẻ tốt hơn đồng thời sẽ tạo cảm giác dễ chịu, làm dịu triệu chứng ho vì nếu tình trạng ho kéo dài sẽ làm trẻ mệt và kiệt sức.
Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi bị ho có đờm, hãy cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn để tăng cường lượng nước. Đối với trẻ trên 6 tháng, ngoài sữa mẹ cũng có thể cho bé ăn cháo, súp, canh, trái cây…
Tăng cường bổ sung lượng nước cho trẻ để làm loãng đờm
Bé bị ho có đờm phải làm sao? Vỗ lưng cho trẻ
Khi trẻ sơ sinh ho có đờm kèm theo triệu chứng khò khè, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp vỗ lưng để giúp long đờm trong phế quản. Để thực hiện vỗ lưng đúng cách, hãy làm theo các bước sau:
- Khum và gập bàn tay ở phần cổ tay.
- Chụm năm ngón tay lại sát nhau, ngón cái ép chặt vào ngón trỏ.
- Vỗ nhẹ vào lưng trẻ từ trái sang phải, mỗi bên vỗ từ 3 đến 5 phút.
Lưu ý: Chỉ vỗ nhẹ vào khu vực phổi của trẻ, tránh vỗ vào vùng dạ dày, xương sống và không thực hiện ngay sau khi bé vừa ăn no để tránh tình trạng nôn trớ.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý
Cách vệ sinh này có tác dụng đẩy dịch nhầy ra khỏi cổ họng và mũi, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Cách vệ sinh mũi cho bé một cách an toàn và hiệu quả như sau:
- Đầu tiên bố mẹ cần sử dụng các dụng cụ chuyên dụng như bình bóp rửa mũi hoặc ống tiêm rồi cho nước muối sinh lý 0,9% vào.
- Đặt đầu bé nghiêng 45 độ rồi đưa vòi của bình hoặc ống tiêm lên một bên mũi của trẻ, từ từ bơm nước muối vào mũi.
- Sau đó dùng khăn mềm sạch lau sạch phần nước mũi và nước dãi cho bé.
Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh thông thoáng đường mũi cho trẻ sơ sinh
Bé ho có đờm phải làm sao? Kê gối cao đầu
Theo các chuyên gia, trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên nằm ngủ với bất kỳ chiếc gối nào. Do đó, kê gối cao đầu là phương pháp cải thiện tình trạng cho bé ho có đờm trên 18 tháng tuổi. Mẹ nên đặt một chiếc khăn cuộn dưới nệm, sau đó cho đầu bé nằm ở phía được kê lên cao.
Tắm nước ấm
Việc tắm nước ấm cho con có tác dụng làm loãng chất nhầy trong cổ họng và thông thoáng đường thở của trẻ. Nước ấm sẽ giúp làm dịu đường hô hấp, từ đó giúp phá vỡ liên kết của đờm, giúp đờm được loại bỏ dễ dàng hơn.
Mẹ cần chú ý nhiệt độ nước khi tắm cho bé phải ấm
Bé ho có đờm uống thuốc gì?
Nếu đã áp dụng các phương pháp giảm ho tự nhiên mà tình trạng bé ho có đờm vẫn không cải thiện, mẹ có thể cho bé sử dụng một số loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Những loại thuốc này không chỉ hiệu quả mà còn có độ an toàn cao.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ, mẹ vẫn cần tham khảo ý kiến các bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Bài viết trên đã cung cấp hướng dẫn cho các bậc phụ huynh về cách xử lý an toàn và hiệu quả khi bé ho có đờm. Trong giai đoạn này, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ phía bố mẹ là quan trọng để giúp quá trình phục hồi của bé diễn ra nhanh chóng hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giảvui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.