[Phần 3] Triệu chứng bệnh cường giáp và những điều cần biết
Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hormone tuyến giáp trong cơ thể, bệnh không có dấu hiệu rõ ràng và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Hãy tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh cường giáp ngay sau đây.
Bệnh cường giáp và nguyên nhân gây bệnh
Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hormone tuyến giáp trong cơ thể. Sự dư thừa nồng độ của hormone giáp làm tăng chuyển hóa (cách sử dụng năng lượng) và tăng nguy cơ bị những bệnh khác như bệnh tim, loãng xương và những vấn đề gặp trong khi đang mang thai.
Cường giáp không được điều trị sẽ gây ra biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng như rối loạn nhịp tim, suy tim, cơn bão giáp. Phụ nữ mang thai bị cường giáp có thể dẫn tới tiền sản giật, trẻ bị cường giáp, tim bẩm sinh, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh.
Bệnh cường giáp gây ra những biến chứng nguy hiểm cho mẹ lẫn bé
Nguyên nhân phổ biến gây bệnh cường giáp:
- Bệnh Basedow (bệnh Graves), chiếm hơn 70% nguyên nhân gây bệnh cường giáp;
- Cường giáp do thuốc: Iod; Amiodarone (Cordarone); Dopamin, glucocorticoid, furosemide…
- Nguyên nhân khác chiếm tỷ lệ thấp hơn như: U độc tuyến giáp, bướu giáp độc đa nhân, và tuyến giáp bán cấp.
Những đối tượng tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp, cụ thể:
- Di truyền, tiền sử gia đình có ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em mắc bệnh cường giáp;
- Người thiếu hụt vitamin B12 hoặc mắc các bệnh lý tiểu đường loại 1, rối loạn nội tiết tố, sử dụng quá nhiều hoặc quá ít iot, người cao tuổi và phụ nữ.
Triệu chứng, dấu hiệu cường giáp thường gặp
Bệnh nhân cường giáp có thể gặp những triệu chứng gần tương tự các bệnh lý khác, do đó rất khó nhận biết.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh cường giáp, cụ thể:
- Sụt cân hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân;
- Tim đập nhanh, đập mạnh, đập không đều;
- Run tay, biểu hiện thấy rõ nhất ở bàn tay và các đầu ngón tay;
- Sợ nóng, dễ đổ mồ hôi;
- Rụng tóc;
- Lo âu, mất ngủ;
- Lồi mắt;
- Phụ nữ có dấu hiệu rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chu kỳ kinh của bạn đôi khi thưa ra và ít hơn so với bình thường.
Yếu cơ, run tay là dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp
Ngoài ra, bạn còn có khả năng gặp các dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý Graves như bướu giáp to lan tỏa hay bệnh lý mắt. Bệnh Graves nguyên nhân phổ biến và chiếm tỷ lệ cao gây bệnh cường giáp.
Biến chứng nguy hiểm từ bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp không gây triệu chứng rõ rệt, do đó nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cơ thể.
1. Tim mạch
Biến chứng trên tim mạch của cường giáp bao gồm rối loạn nhịp (dưới nhiều dạng, trong đó dạng nặng nhất là rung nhĩ), tăng huyết áp và suy tim. Rung nhĩ làm tăng khả năng xuất hiện huyết khối trong mạch máu. Nếu huyết khối di chuyển lên não thì gây đột quỵ. Suy tim thường là hậu quả sau một thời gian dài tim hoạt động quá sức dưới ảnh hưởng của cường giáp.
2. Bệnh lý mắt
Lồi mắt là dấu hiệu điển hình của biến chứng này. Ngoài ra, người bệnh còn có thể thấy song thị (nhìn một vật thành hai), nhìn mờ, khô mắt, đỏ hay sưng mắt, cảm giác cộm xốn, nhạy cảm ánh sáng và không nhắm kín mắt. Bệnh có thể tiến triển nặng thành loét giác mạc và ảnh hưởng thần kinh thị giác. Ở giai đoạn muộn này, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn khá cao.
3. Loãng xương
Nếu không điều trị lâu ngày, xương dần mất calcium và khoáng chất, dẫn đến loãng xương. Xương lúc này trở nên giòn và dễ gãy.
4. Bệnh lý da
Da người bệnh trở nên sưng, đỏ và dần sần sùi (giống vỏ cam). Triệu chứng này có thể được phát hiện ở cẳng chân hay mu bàn chân.
5. Cơn bão giáp
Bão giáp là một biến chứng của cường giáp, cấp tính và đe dọa tính mạng. Đây được xem như mức độ nặng hơn của cường giáp, khi hormone giáp tăng cao gấp nhiều lần. Hậu quả là tất cả các cơ quan trong cơ thể đều chịu ảnh hưởng do nồng độ hormone giáp cao. Trong đó, hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa là những nơi biểu hiện triệu chứng điển hình.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp được điều trị bằng thuốc kháng hormone giáp hoặc liệu pháp phóng xạ hay phẫu thuật tuyến giáp. Cường giáp không có triệu chứng rõ ràng và khó phát hiện bệnh, tuy nhiên bạn có thể chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả bằng cách sau:
- Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa một số bệnh bao gồm bệnh cường giáp;
- Bổ sung đầy đủ i ốt và các dưỡng chất cần thiết từ rau xanh và hoa quả cho cơ thể trong chế độ ăn uống hàng ngày;
- Xây dựng và duy trì chế độ sống lành mạnh, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, không hút thuốc lá.
Một lối sống lành mạnh giúp giảm thiểu khả năng bị bệnh cường giáp
Các giải pháp trên sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tốt hơn, từ đó phòng ngừa được các bệnh thường gặp nói chung và bệnh cường giáp nói riêng.
Để phòng ngừa bệnh cường giáp hiệu quả, bạn hãy theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng, thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc bệnh tuyến giáp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh gây các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và bảo vệ cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày.
Tham gia chương trình “KIỂM TRA và TƯ VẤN SỨC KHOẺ” miễn phí tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity để nâng cao kiến thức, nhận thức và giải pháp để bảo vệ và phòng ngừa bệnh an toàn, hiệu quả. Cập nhật thông tin tại đây.
Nguồn: Tổng hợp
Bạn có thể xem thêm: