Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease: COPD) là một bệnh lý hô hấp khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường. COPD là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và có thể dự phòng, điều trị triệu chứng.
Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc hiểu rõ nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh, cùng với các biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng, có thể giúp kiểm soát bệnh tình và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh COPD
Một số nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là do tiếp xúc lâu dài với chất kích thích trong không khí:
- Khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động): chiếm ¾ trường hợp mắc bệnh COPD. Khói thuốc chứa hơn 7000 hóa chất có hại cho sức khỏe, các hóa chất này làm suy yếu khả năng chống lại nhiễm trùng của phổi, gây hẹp đường dẫn khí, viêm phế quản và phá hủy các túi khí.
- Ô nhiễm không khí trong nhà: nấu ăn và sưởi ấm bằng khối sinh học trong môi trường thông khí kém, các sản phẩm và hóa chất tẩy rửa, bụi, nấm mốc…
- Ô nhiễm không khí môi trường bên ngoài: khí độc công nghiệp, khí thải ô nhiễm,…đặc biệt là hạt PM 2.5 và NO2 (nitơ dioxide) làm tăng nguy cơ mắc COPD.
- Phơi nhiễm nghề nghiệp: Nghề nghiệp tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại, thường gặp là bụi than, silic, cadmium, bụi bông, bụi gỗ, khói hàn, hóa chất,…
- Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin(AATD) khiến phổi dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh, chiếm 1% các trường hợp bệnh COPD và chỉ có thể chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu. Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin là tình trạng di truyền chưa có biện pháp phòng ngừa.
Ngoài ra những người có tiền sử mắc bệnh hoặc đang bị các bệnh lý hen suyễn, bệnh giãn phế quản, bệnh lao,… hay bị mắc chứng suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ bị COPD.
Dấu hiệu nhận biết bệnh COPD
Mặc dù COPD có thể dự phòng và điều trị, song người bệnh khó cách ly hoàn toàn khỏi các yếu tố nguy cơ trên. Vì vậy bệnh nhân có thể đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sau:
- Ho dai dẳng: đợt ho kéo dài liên tục vài tháng, lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Cảm thấy khó thở, đặc biệt trong các hoạt động thể chất (tập thể dục, leo cầu thang, mặc quần áo,…)
- Mệt mỏi khi thời tiết thay đổi, nhất là vào tiết đông xuân hoặc thay đổi thời tiết đột ngột dễ gây đợt cấp (người bệnh khó thở hoặc khò khè nhiều hơn bình thường và ngày càng nặng, dùng thuốc cắt cơn cũng không hiệu quả)
- Ho có đờm kéo dài: bình thường có nhiều đờm trắng hoặc trắng trong, nhưng khi tình trạng tiến triển nặng hơn thì đờm thay đổi tính chất đờm ngả màu vàng nhạt, vàng đục, vàng sậm hoặc xanh,… thậm chí có lẫn máu trong đờm.
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên (cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi,…)
Đặc biệt là khi bạn có thêm các triệu chứng cho thấy COPD tiến triển như: đau tức ngực, tăng cảm giác hồi hộp, lo lắng; màu môi, màu móng tay, móng chân chuyển xanh, xám hoặc tím tái; đau đầu, đặc biệt là vào buổi sáng; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh; sưng mắt cá chân và sưng bàn chân; mất ngủ; giảm cân; nhịp tim nhanh, tăng huyết áp.
Khi có những dấu hiệu trên, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để thăm khám sức khỏe của chính mình.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Có thể phòng và điều trị ổn định.
- Hạn Chế Tiếp Xúc Với Khói Thuốc và Ô Nhiễm Không Khí: Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc là biện pháp hàng đầu trong việc phòng ngừa COPD. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu phơi nhiễm với ô nhiễm không khí và hóa chất độc hại trong môi trường sống và làm việc. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu phơi nhiễm với ô nhiễm không khí và hóa chất độc hại trong môi trường sống và làm việc.
- Vắc Xin Phòng Bệnh: Tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu khuẩn có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhân COPD.
- Rèn Luyện Sức Khỏe: Thực hành các bài tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn có thể cải thiện sức khỏe hô hấp và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Chế Độ Ăn Uống Lành Mạnh: Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau xanh và thực phẩm chứa omega-3, có thể hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng hô hấp.
- Kiểm Tra Sức Khỏe Định Kỳ: Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về hô hấp và bệnh COPD, từ đó có hướng điều trị kịp thời và phù hợp.
- Giáo Dục Sức Khỏe Cộng Đồng: Nâng cao nhận thức về hậu quả của việc hút thuốc và ô nhiễm không khí đối với sức khỏe hô hấp, qua đó khuyến khích mọi người hành động tích cực bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Kết luận
Phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là chìa khóa để duy trì sức khỏe hô hấp và chất lượng cuộc sống. Việc tránh xa các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và các chất kích thích độc hại là bước đầu tiên quan trọng. Bên cạnh đó, thực hiện lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống cân đối, và thường xuyên luyện tập thể dục cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh. Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có triệu chứng bất thường để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bằng cách chăm sóc sức khỏe chủ động, bạn có thể ngăn ngừa COPD và bảo vệ hệ hô hấp của mình một cách hiệu quả
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.