Nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dai dẳng và tiến triển bệnh nặng dần theo thời gian nếu như không được can thiệp kịp thời, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, chủ động nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất quan trọng, kiểm soát càng sớm càng ít có nguy cơ bị tổn thương phổi nghiêm trọng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease: COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Đây là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) và/hoặc phế nang (khí phế thũng) gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển.
Nguyên nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Một số nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là do tiếp xúc lâu dài với chất kích thích trong không khí:
- Khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động): chiếm ¾ trường hợp mắc bệnh COPD. Khói thuốc chứa hơn 7000 hóa chất có hại cho sức khỏe, các hóa chất này làm suy yếu khả năng chống lại nhiễm trùng của phổi, gây hẹp đường dẫn khí, viêm phế quản và phá hủy các túi khí.
- Ô nhiễm không khí trong nhà: nấu ăn và sưởi ấm bằng khói sinh học trong môi trường thông khí kém, các sản phẩm và hóa chất tẩy rửa, bụi, nấm mốc…
- Ô nhiễm không khí môi trường bên ngoài: khí độc công nghiệp, khí thải ô nhiễm,…đặc biệt là hạt PM 2.5 và NO2 (nitơ dioxide) làm tăng nguy cơ mắc COPD.
- Phơi nhiễm nghề nghiệp: Nghề nghiệp tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại, thường gặp là bụi than, silic, cadmium, bụi bông, bụi gỗ, khói hàn, hóa chất,…
- Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin(AATD) khiến phổi dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh, chiếm 1% các trường hợp bệnh COPD và chỉ có thể chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu. Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin là tình trạng di truyền chưa có biện pháp phòng ngừa.
Ngoài ra những người có tiền sử mắc bệnh hoặc đang bị các bệnh lý hen suyễn, bệnh giãn phế quản, bệnh lao,…hoặc mắc chứng suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ bị COPD.
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác cho đến khi xuất hiện các tổn thương phổi và thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, đặc biệt nếu tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc. Tổn thương trong COPD ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính <2 mm và nhu mô phổi.
Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính triệu chứng ban đầu có thể là:
- Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất
- Thở khò khè
- Tức ngực
- Ho có đờm kéo dài
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên
- Thiếu năng lượng
- Giảm cân ngoài ý muốn (trong giai đoạn sau)
- Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân
- Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh
Khi xuất hiện các dấu hiệu ở giai đoạn ban đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho, khạc đờm là bệnh bình thường. Từ đó, không có các can thiệp kịp thời, dẫn đến tiếp tục tiến triển nặng lên đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Ban đầu, tình trạng khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau cơn khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn, và đến giai đoạn cuối cùng người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi trên giường.
Cách chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Việc được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường dựa trên người có độ tuổi trên 40, có tiền sử hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào) hoặc tiếp xúc khói bụi kéo dài. Kết quả chẩn đoán được xác định khi thấy bệnh nhân có rối loạn không khí tắc nghẽn cố định.
Đo chức năng hô hấp (hô hấp ký) là xét nghiệm cho phép kiểm tra và phát hiện mức độ nặng của COPD. Xét nghiệm này cho biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và trong phổi. Đây là thăm dò khá đơn giản và hầu như không gây đau đớn, khó chịu hay gây tai biến cho bệnh nhân.
Hô hấp ký (Spirometry) là xét nghiệm cần thiết để:
- Chẩn đoán xác định COPD và phân biệt bệnh với các bệnh phổi khác như hen phế quản
- Xác định mức độ nghiêm trọng của tắc nghẽn luồng không khí trong COPD
- Giúp thiết lập mục tiêu điều trị thích hợp
- Theo dõi đáp ứng điều trị
- Giúp dự đoán kết quả và dự đoán lâu dài
Đo chức năng hô hấp
Kết luận
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiểu rõ nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiệu quả là yếu tố quan trọng giúp quản lý bệnh tốt hơn. Từ việc tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như thuốc lá và ô nhiễm môi trường, đến việc tuân thủ các phác đồ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh, tất cả đều đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải các triệu chứng của COPD, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.