Bệnh quai bị có lây không? Những điều cần biết về bệnh quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị (Mumps virus), thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra. Virus thường lây lan qua ho, hắt hơi hay các tiếp xúc khác với nước bọt từ người bị nhiễm virus sang người khác.
Theo thống kê, đây là bệnh phân bố rộng trên toàn cầu, tỷ lệ mắc quai bị thường cao ở những khu vực đông dân cư, nơi có khí hậu thường xuyên mát hoặc lạnh, khu vực có đời sống chưa được cao,…
Tại Việt Nam, quai bị là bệnh phổ biến, phân bố khắp cả nước. Bệnh thường gặp các mùa trong năm, thường bùng phát thành từng cụm dịch vừa và nhỏ. Tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 10-40 trường hợp trên 100.000 dân, bệnh thường tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm quai bị thường rất thấp, không vượt quá 1/100.000 dân, tuy nhiên không ít trường hợp có biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não hoặc viêm nhiều tuyến.
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus
Dấu hiệu của bệnh quai bị
Tùy vào tình trạng bệnh, một số người gần như không có triệu chứng, tuy nhiên các dấu hiệu bệnh quai bị thường gặp bao gồm:
- Sốt, đau mỏi người, đau cơ
- Mệt mỏi và chán ăn
- Buồn nôn, nôn
- Sưng đau tuyến nước bọt, má, cổ hoặc hàm
- Một số bệnh nhân có sưng các hạch khác hư tinh hoàn…
Trong các trường hợp hiếm hơn, bệnh quai bị có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người lớn mắc bệnh tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn so với trẻ em, đáng tiếc hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này.
Sau khi nhiễm virus từ 7-14 ngày, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, sốt, ớn lạnh, cảm giác đau họng và đau bên góc hàm. Sau đó khoảng 3 ngày, tuyến mang tai của bệnh nhân sẽ dần sưng to và giảm dần trong khoảng 1 tuần. Người bệnh có thể sưng 1 hoặc 2 bên mang tai và việc sưng có thể không cùng lúc, tuyến thứ 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng.
Vùng sưng của quai bị thường rất đặc trưng, vết sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; trong một số trường hợp đặc biệt có thể lan đến ngực gây phù trước xương ức. Người bệnh sẽ có cảm giác đau ở vùng bị sưng nhưng da ở vùng sưng không nóng và sung huyết.
Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó khăn khi nói chuyện và ăn uống. Tuy nhiên có 25% bệnh nhân có nhiễm virus mà không có dấu hiệu rõ rệt vô tình trở thành nguồn lây truyền bệnh cho những người xung quanh.
Sưng đau tuyến nước bọt, góc hàm là triệu chứng điển hình của quai bị
Bệnh quai bị có lây không?
Con người là ổ chứa và nguồn truyền nhiễm duy nhất của bệnh quai bị. Bệnh lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người lành hít phải các bụi nước chứa virus từ người bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus bám vào niêm mạc mũi, miệng, di chuyển đến nội tạng thông qua đường máu, rồi gây bệnh. Người bệnh trong giai đoạn khởi phát có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong một số trường hợp, người mang virus quai bị không có triệu chứng rõ ràng (hay còn gọi là quai bị thể tiềm ẩn) vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho những người xung quanh.
- Thời gian ủ bệnh: thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần, trung bình 18 ngày.
- Thời kỳ lây truyền: virus quai bị có trong nước bọt của người bệnh trước khi khởi phát từ 3 đến 5 ngày và sau khởi phát từ 7 đến 10 ngày, khoản thời gian này chính là giai đoạn lây truyền của bệnh. Trong đó, một tuần xung quanh ngày khởi phát là thời gian lây truyền bệnh mạnh mẽ nhất. Ngoài trú ngụ trong nước bọt, virus quai bị còn có trong nước tiểu người bệnh trong vòng 2 tuần.
Quai bị lây qua đường hô hấp
Biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị
Quai bị mặc dù là bệnh lành tính nhưng lại có nhiều biến chứng nặng nề với sức khỏe. Đặc biệt bệnh chưa có thuốc đặc trị, vì vậy phòng bệnh được xem là phương án tối ưu nhất để bảo vệ sức khoẻ.
Người dân cần được nâng cao ý thức về phòng bệnh quai bị cũng như biết tác hại của bệnh gây nên, đặc biệt những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Nâng cao tầm quan trọng của vắc xin, các biện pháp vệ sinh cá nhân, môi trường, các nhận biết dấu hiệu bệnh để báo với các cơ quan y tế để phát hiện sớm tránh bùng phát thành cụm dịch.
Biện pháp dự phòng chủ động có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị là sử dụng vaccine. Vaccine quai bị có thể được sử dụng sớm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, hiện nay tại Việt Nam thường dùng là vaccine kết hợp sởi – quai bị – rubella. Các vaccine được nghiên cứu an toàn và có hiệu lực cao, bảo vệ đạt đến trê 95% và miễn dịch có thời hạn lâu bền.
- Hạn chế tiếp xúc, không sử dụng chung đồ dùng với người bị quai bị.
- Tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc theo chỉ định của bác sĩ.
- Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ tư vấn về thời gian được phép mang thai sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị.
Bên cạnh đó để phòng quai bị cần lưu ý một số biện pháp như:
- Tuyên truyền mở rộng về việc nâng cao ý thức vệ sinh môi trường sống, vệ sinh khu vực nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu vực ký túc xá, khu vực đông dân cư… với tiêu chí mở thông thoáng khí ở môi trường ở, khu vực ở và làm việc cần nhiều ánh sáng, sạch sẽ và hạn chế bụi bẩn;
- Có thói quen rửa thay thường xuyên với xà phòng;
- Khu vực nhà ở, công ty, trường học… sạch sẽ, chú trọng vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm;
- Khi có người nhiễm bệnh cần được cách ly và điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, khử khuẩn khu vực có người nhiễm bệnh;
- Khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị, đặc biệt những trường hợp nghi ngờ có biến chứng không được chần chừ mà đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. (3)
Tiêm phòng là cách ngăn ngừa bệnh hiệu quả
Kết luận
Tóm lại, bệnh quai bị là một bệnh nhiễm trùng phổ biến đặc biệt ở trẻ em. Dấu hiệu điển hình bao gồm sốt cao, sưng tuyến nước bọt. Bệnh quai bị lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đầy đủ cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh quai bị, đặc biệt với trẻ nhỏ. Bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa đơn giản, chúng ta có thể ngăn chặn bệnh quai bị lây lan, bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.