Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Hơn 10 triệu người Việt Nam đang mắc các bệnh tim mạch, trong đó thiếu máu cục bộ ở tim là một trong những bệnh lý phổ biến nhất. Đây là tình trạng tim không nhận đủ oxy, thường do hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về yếu tố nguy cơ, cách phát hiện và chẩn đoán, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?
Bệnh tim thiếu máu cục bộ hay còn gọi là bệnh động mạch vành, được phân thành 2 loại: Hội chứng động mạch vành cấp (HCMVC) và Hội chứng động mạch vành mạn (HCMVM)
Hội chứng động mạch vành mạn (HCMVM) (Chronic coronary syndrome – CCS) là thuật ngữ được đưa ra tại Hội Nghị Tim Mạch Châu Âu (ESC) 2019, thay cho tên gọi trước đây là đau thắt ngực ổn định, bệnh động mạch vành ổn định, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc suy vành.
Hội chứng động mạch vành mạn là bệnh lý liên quan đến sự ổn định tương đối của mảng xơ vữa động mạch vành, khi không có sự nứt vỡ đột ngột hoặc sau giai đoạn cấp hoặc sau khi đã được can thiệp/phẫu thuật. Khi mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng động mạch vành một cách đáng kể (thường là hẹp trên 70% đường kính lòng mạch) thì có thể gây ra triệu chứng, điển hình nhất là đau thắt ngực/khó thở khi người bệnh gắng sức và đỡ khi nghỉ.
Hội chứng động mạch vành cấp (HCMVC): trong quá trình phát triển của mảng xơ vữa, một số trường hợp có thể xuất hiện những biến cố cấp tính do sự nứt vỡ mảng xơ vữa, dẫn tới hình thành huyết khối gây hẹp hoặc tắc lòng mạch một cách nhanh chóng được gọi là hội chứng động mạch vành cấp. HCMVC bao gồm: (1) Nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên trên điện tim đồ; (2) Hội chứng mạch vành cấp không có ST chênh lên. HCMVC là biến cố nặng, cấp cứu của bệnh lý động mạch vành, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tim mạch và các biến chứng nặng về sau.
Bài viết được trình bày ở đây đề cập đến những đặc điểm trong Hội chứng động mạch vành mạn (HCMVM).
Nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ (hay bệnh động mạch vành)
Nguyên nhân thiếu máu cục bộ là do sự lắng đọng cholesterol trong máu gây tổn thương lớp lót trên thành mạch khiến vùng cơ tim này bị viêm mãn tính. Khi lớp lót trên thành mạch bị viêm khiến cho một lượng lớn tiểu cầu và các tế bào miễn dịch được huy động về đây để làm lành cho vết thương.
Qua thời gian, các tế bào này sẽ kết dính với canxi và cholesterol tạo nên mảng xơ vữa trên thành mạch và sau đó có thể bong ra và làm tổn thương động mạch. các mảng bong vỡ tạo thành các cục máu đông gây cản trở dòng máu, thậm chí, nó có thể khiến cho toàn bộ mạch vành bị tắc nghẽn gây ra nhồi máu cơ tim. Mặt khác, các mảng xơ vữa sẽ làm mạch vành co bóp thất thường và khi đó động mạch càng bị thu hẹp hơn.
Yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành
– Tuổi tác: càng lớn tuổi càng tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch.
– Giới và tình trạng mãn kinh: Bệnh động mạch vành thường phổ biến và khởi phát sớm hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành ở nữ tăng nhanh sau tuổi mãn kinh và ngang bằng với nam giới sau 65 tuổi, do vai trò của hormone sinh dục.
– Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng khi gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh trước 55 tuổi; hoặc mẹ hay chị em gái bạn có bệnh này trước 65 tuổi được xem là yếu tố nguy cơ.
– Yếu tố chủng tộc: Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành theo tuổi ở nhóm người gốc Nam Á cao hơn 50% so với nhóm người da trắng bản địa ở các nước phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn ở nhóm người da đen, bệnh động mạch vành xu hướng gia tăng mạnh ở một số quần thể Đông Á.
– Thừa cân – béo phì: người có chỉ số BMI > 23 sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch chuyển hóa, trong đó có bệnh mạch vành.
– Lối sống ít vận động: tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng, rối loạn mỡ máu), tăng nguy cơ bị bệnh.
– Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp, nhiều muối và chất bột, đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
– Rượu, bia: Người nghiện rượu có liên quan với tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
– Stress tâm lý: Gia tăng căng thẳng trong công việc, ít hỗ trợ xã hội, cuộc sống cô đơn, trầm cảm mức sẽ gây tổn hại cho động mạch,tăng quá trình viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh.
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá tăng nguy cơ bệnh động mạch vành xấp xỉ 50% với tỷ lệ tử vong cao hơn 60% (lên đến 85% ở nhóm người nghiện thuốc lá). Hút thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành lên khoảng 25%.
Một số bệnh như suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường , rối loạn lipid máu gia đình,… cũng làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Làm cách nào để phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh tim thiếu máu cục bộ?
Để phát hiện và chẩn đoán thiếu máu cục bộ ở tim cần thực hiện nhiều quy trình thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Chiến lược tiếp cận chẩn đoán người bệnh đau thắt ngực hoặc có triệu chứng tương tự (tức nặng ngực, khó chịu ở ngực, khó thở…) có nghi ngờ bệnh ĐMV gồm 6 bước như hình.
Người bệnh theo dõi nếu nghi ngờ thiếu máu cục bộ và xuất hiện các triệu chứng thiếu máu cục bộ đặc trưng như cơn đau thắt ngực, khó thở,…thì cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.