Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tai xương chũm là gì? Những điều cần biết về viêm tai xương chũm
Viêm xương chũm là bệnh nhiễm trùng ở chỗ lồi ra của xương sọ nằm sau tai gọi là mỏm chũm. Bệnh có thể phá hủy phần xương này, kéo theo mất khả năng nghe. Đây là bệnh tai mũi họng khá phổ biến và nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra tử vong. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về viêm tai xương chũm qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm tai xương chũm là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn trong các tế bào khí xương chũm gây ra. Cụ thể, phần xương chũm này thuộc thái dương hộp sọ với các tế bào khí có chức năng bảo vệ xương thái dương khi bị chấn thương. Đặc biệt, các tế bào khí này có nhiệm vụ bảo vệ các cấu trúc tinh vi của tai và điều chỉnh áp lực tai cho phù hợp với môi trường.
Khi tai giữa viêm nhiễm kéo dài không được điều trị triệt để, các ổ viêm có xu hướng lan vào hốc xương chũm trong tai, gây ứ đọng dịch, tác động tiêu cực đến các tế bào khí trong xương thái dương.
Triệu chứng
Những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm tai xương chũm:
- Trường hợp bị viêm cấp
Viêm tai xương chũm cấp thường xuất hiện khi bệnh nhân bị viêm tai diễn ra khoảng 3 tuần. Lúc này diễn biến của bệnh liên tục và nhanh, dễ nhận biết nhưng cũng thường nhầm lẫn với những bệnh lý về tai khác:
-
- Triệu chứng toàn thân: Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sốt cao từ 39-40 độ C. Thính lực bị suy giảm, đau tai, trường hợp nặng có thể mê sảng co giật.
- Triệu chứng cơ năng: Lỗ tai đau sâu và đau theo nhịp mạch đập, mức độ đau tăng dần và lan rộng sang phần xương chũm, thái dương. Tai có thể chảy mủ mùi hôi, chóng mặt.
- Triệu chứng thực thể: Khu vực vùng xương chũm sưng đau, phù nề, mủ chảy có màu vàng, xanh hoặc lẫn máu. Xung quanh tai có biểu hiện sưng phồng, phần vành tai bị đẩy ra phía trước, phần cổ sưng tấy.
- Trường hợp viêm mạn
Viêm tai xương chũm mạn tính là trường hợp tai đã chảy mủ kéo dài, thế nên biểu hiện của bệnh thường ở mức độ nặng, khó có thể điều trị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Biểu hiện:
-
- Triệu chứng cơ năng: Tai thường xuyên chảy mủ và có mùi rất khó chịu, thính lực suy giảm nặng. Vùng tai thường xuyên đau âm ỉ và lan rộng sang vùng nửa đầu, thậm chí thỉnh thoảng còn có những cơn đau mức độ dữ dội.
- Triệu chứng thực thể: Khi soi tai thấy lỗ màng tai nham nhở và có nhiều mảng trắng đặc trưng của Cholesteatoma. Tai thường xuyên đau nhức và khó chịu.
Nguyên nhân
Viêm tai xương chũm có thể là viêm cấp tính hoặc mãn tính.
- Bệnh có thể phát sinh từ việc nhiễm trùng trực tiếp bởi các loại vi khuẩn như Haemophilus Influenzae, Staphylococcus hoặc Streptococcus.
- Viêm tai xương chũm cấp tính là biến chứng từ viêm tai giữa nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh viêm tai giữa sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, bạch hầu và ho gà…. có nguy cơ mắc bệnh viêm tai xương chũm rất cao.
- Tình trạng viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương tích tụ khiến cho các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá hủy dần, các ổ mủ tập trung lại thành túi mủ, đôi khi xương bị chết từng khối và biến thành xương mục là nguyên nhân gây nên viêm tai xương chũm.
Đối tượng nguy cơ
- Viêm tai xương chũm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, phổ biến ở những trẻ từ 6-13 tháng tuổi.
- Trẻ em hay bị viêm tai giữa, viêm nhiễm tai mũi họng tái phát nhiều lần.
- Trẻ có thể trạng gầy yếu, suy dinh dưỡng.
- Những người có hệ miễn dịch yếu.
Chẩn đoán
Nếu bạn có các triệu chứng của viêm tai, bác sĩ sẽ khám tai và đầu để xác định nhiễm trùng có lan tràn sang xương chũm không.
Xương chũm nằm ở tai trong và không thể quan sát rõ tình trạng viêm. Bác sĩ có thể cần làm một số xét nghiệm để chẩn đoán như:
- Nội soi tai mũi họng: tình trạng viêm tai giữa.
- X-quang Schuller: vách thông bào dày không rõ, có chỗ thành những hốc rỗng do mất vách ngăn giữa các thông bào
- CT scan xương thái dương: hình ảnh đọng dịch và mất các thông bào.
- Chụp cộng hưởng từ nếu cần thiết
- Công thức máu: Bạch cầu/máu tăng do tình trạng nhiễm trùng, tăng tỉ lệ trung tính.
Phòng ngừa bệnh
Để có thể phòng ngừa bệnh, đặc biệt là trẻ em, tốt nhất chính là nâng cao đề kháng tự nhiên và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần:
- Chủ động phòng ngừa các bệnh lý về tai bằng cách:
-
- Không nên tùy tiện dùng các vật dụng sắc nhọn lấy ráy tai
- Giữ cho tai khô thoáng, không được để tai đọng nước, ẩm…
- Không nên đeo tai nghe với âm lượng quá lớn, tránh xa những va chạm có thể gây ra chấn động tai.
- Chủ động phòng các bệnh lý về tai mũi họng như thường xuyên vệ sinh răng miệng, đeo khẩu trang khi làm việc, di chuyển trong môi trường khói bụi, ô nhiễm
- Nên chủ động thăm khám và điều trị nếu như có bất cứ vấn đề gì liên quan đến tai mũi họng. Với trẻ nhỏ, nếu như nhận thấy những biểu hiện lạ nên nhanh chóng đưa đi thăm khám bác sĩ.
Điều trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng viêm tai xương chũm để quyết định chữa bệnh viêm tai xương chũm bằng phương pháp nội khoa hay ngoại khoa.
- Điều trị nội khoa
Liệu pháp kháng sinh là trọng tâm của điều trị nội khoa. Những bệnh nhân không có biến chứng, không có tiền sử bệnh lý đáng kể có thể điều trị bằng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch. Người viêm xương chũm cấp tính không biến chứng được coi là bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý đáng kể.
Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh đối với các trường hợp viêm xương chũm không phức tạp, không có biến chứng.
- Phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, các loại thủ thuật chọc màng nhĩ kết hợp đặt ống thông khí màng nhĩ và cắt xương chũm có thể được chỉ định.
-
- Thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ: Trường hợp xương chũm tụ dịch nhiều gây, hủy các bè xương chũm, sốt cao hoặc có các dấu hiệu thần kinh nhưng không có biến chứng có thể áp dụng thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ kết hợp với điều trị bằng kháng sinh IV, steroid liều cao IV.
- Phẫu thuật xương chũm: Nếu tình trạng viêm tai xương chũm không cải thiện trong 48 giờ nhập viện, phẫu thuật cắt xương chũm được chỉ định kết hợp với dùng kháng sinh. Kháng sinh IV Vancomycin được lựa chọn cho những bệnh nhân không bị viêm tai giữa mạn tính để chống lại các tác nhân gây bệnh phổ biến nhất như Streptococcus pneumoniae, liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn pyogenes và vi khuẩn Haemophilus influenzae.
Bác sĩ lưu ý, ở những bệnh nhân có tiền sử viêm tai giữa mạn tính, cần điều trị bằng kháng sinh Vancomycin (một loại kháng sinh liều cao) để ngăn chặn biến chứng do khuẩn Streptococcus pyogenes và Staphylococcus aureus gây ra. Đây là hai loại vi khuẩn có thể gây biến chứng ở 50% bệnh nhân viêm tai xương chũm. Người bệnh cũng cần theo dõi sức khỏe liên tục vì tình trạng sức khỏe có thể xấu đi nhanh chóng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.