Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bụi phổi atbet (amiăng) là gì? Những điều cần biết về bụi phổi atbet (amiăng)
Bệnh bụi phổi atbet (amiăng) là một thể bệnh xơ phổi kẽ, do tiếp xúc với bụi amiăng. Chẩn đoán được dựa trên tiền sử và chụp X-quang ngực hoặc CT ngực. Vậy triệu chứng, nguyên nhân bệnh bụi phổi atbet là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bụi phổi amiang là bệnh gây xơ hoá phổi, tổn thương màng phổi do thường xuyên tiếp xúc và hít phải sợi amiăng – là hợp chất được sử dụng nhiều trong các ngành vật liệu bởi có tính chịu nhiệt, acid, có khả năng chống cháy, cách âm, cách điện cao. Do đó, đây là bệnh nghề nghiệp, xuất hiện khoảng từ 5 – 20 năm sau khi tiếp xúc với hóa chất gây bệnh.
Triệu chứng
Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với amiăng trong thời gian dài thường không xuất hiện cho đến 10 đến 40 năm sau. Các triệu chứng có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bao gồm:
Nguyên nhân
- Do nghề nghiệp làm trong môi trường phải tiếp xúc với amiăng như khai thác mỏ, hoặc nghề sản xuất một số sản phẩm mà nguyên liệu là amiăng.
- Sự khai thác và công nghiệp amiăng có thể làm phân tán bụi amiăng đi khá xa, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, những người sống trong môi trường bị ô nhiễm có nguy cơ bị bệnh bụi phổi Atbet cao.
Đối tượng nguy cơ
Các công nhân làm việc trong những ngành nghề hoặc thao tác công việc sau có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp cao như:
- Sản xuất các loại vật liệu xây dựng trong đó có tấm lợp amiăng.
- Khai thác, khoan, đập, đào quặng đá có amiăng.
- Thực hiện các thao tác khô như tán, nghiền và sàng quặng đá có amiăng.
- Thực hiện các thao tác chải, kéo, dệt sợi amiăng.
- Thi công tháo dỡ những công trình có amiăng.
- Chế tạo xi-măng amiăng.
- Chế tạo các vật dụng bằng amiăng.
Chẩn đoán
Bệnh bụi phổi amiăng khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như nhiều loại bệnh hô hấp khác.
- Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh lý, nghề nghiệp và nguy cơ phơi nhiễm với amiăng. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe âm phổi bất thường khi hít vào.
Làm các xét nghiệm chẩn đoán để giúp xác định chẩn đoán bệnh
- Hình ảnh học
X-quang ngực. Bệnh bụi phổi amiăng có tổn thương tăng đậm độ quá mức trong phổi. Nếu bệnh ở mức độ nặng, cả hai phổi đều bị ảnh hưởng và có hình ảnh như tổ ong.
Chụp cắt lớp vi tính (CT). Cung cấp thông tin chi tiết hơn và giúp phát hiện bệnh bụi phổi amiăng trong giai đoạn đầu, ngay trước cả khi có tổn thương trên X-quang ngực.
- Đo chức năng hô hấp
Xác định xem phổi của bạn hoạt động tốt như thế nào. Test chức năng hô hấp đo lượng không khí mà phổi của bạn có thể giữ được và đo luồng khí ra vào phổi.
Trong quá trình đo chức năng hô hấp, bạn sẽ được yêu cầu thổi hết sức có thể vào một thiết bị đo không khí gọi là phế dung kế. Các xét nghiệm chức năng phổi hoàn chỉnh hơn có thể đo lượng oxy được chuyển vào máu của bạn.
- Quy trình chẩn đoán
Trong một số tình huống, bác sĩ có thể lấy dịch phế quản, dịch màng phổi hoặc mô để xét nghiệm tìm amiăng hoặc các tế bào bất thường. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Nội soi phế quản. Ống nội soi phế quản được đưa qua mũi hoặc miệng, xuống cổ họng và vào phổi của bạn. Đèn và camera nhỏ trên ống soi phế quản cho phép bác sĩ nhìn vào bên trong đường thở để tìm dấu hiệu bất thường hoặc để lấy mẫu dịch hoặc mẫu mô (sinh thiết) nếu cần.
- Chọc hút dịch màng phổi. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê và sau đó đưa kim xuyên qua thành ngực giữa xương sườn và phổi của bạn để lấy lượng dịch dư thừa để đem đi xét nghiệm và giúp bạn thở tốt hơn. Bác sĩ có thể đâm kim với siêu âm hướng dẫn.
Phòng ngừa bệnh
Một số phương pháp phòng bệnh bụi phổi atbet (amiăng) là:
- Thay thế nguyên liệu amiăng bằng nguyên liệu khác.
- Ngăn ngừa tạo thành bụi tại nơi sản xuất, sử dụng, khai thác.
- Thực hiện trong chu trình khép kín, không để phát tán bụi ra ngoài môi trường xung quanh.
- Thông hút gió thường xuyên, làm ẩm không khí, nền nhà
- Đeo mặt nạ hoặc khẩu trang khi lao động để chống bụi xâm nhập qua đường hô hấp.
- Mặc quần áo bảo hộ lao động, thay quần áo khi ra về
- Giám sát vệ sinh môi trường một cách chặt chẽ và thường xuyên
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện người có sức khỏe kém để chuyển đổi công việc, những người nghi ngờ bị bệnh phải cách ly xác định, điều trị hoặc chuyển việc.
Điều trị như thế nào?
Không có cách điều trị nào có thể đảo ngược tác động của amiăng đối với phế nang. Điều trị tập trung vào việc làm chậm tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.
Chăm sóc theo dõi thường xuyên, chẳng hạn như chụp X-quang ngực hoặc CT scan và kiểm tra chức năng phổi đều đặn tùy thuộc vào mức độ bệnh.
- Trị liệu
-
- Hỗ trợ oxy để giảm bớt khó thở.
- Tham gia chương trình phục hồi chức năng phổi. Chương trình cung cấp các bài tập như kỹ thuật thở và thư giãn, cách cải thiện thói quen hoạt động và giáo dục để cải thiện sức khỏe tổng quát.
- Phẫu thuật
Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, có thể cần phải ghép phổi.
- Thay đổi lối sống:
- Không hút thuốc lá. Bệnh bụi phổi amiăng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này. Cố gắng tránh khói thuốc. Hút thuốc cũng gây hại cho phổi và đường thở của bạn, làm giảm thêm dung tích phổi dự trữ.
- Tiêm ngừa. Tiêm vắc-xin cúm và phế cầu có thể giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi. Kịp thời điều trị nhiễm trùng đường hô hấp.
- Tránh tiếp xúc với amiăng. Tiếp xúc nhiều hơn với amiăng có thể làm tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bụi phổi atbet (amiăng).