Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chóng mặt là gì? Những điều cần biết về chóng mặt
Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, khiến bạn cảm thấy chính mình hoặc môi trường xung quanh quay cuồng, lật nhào, xoay tròn khiến bạn không thể giữ thăng bằng và té ngã. Cơ chế sinh bệnh của chóng mặt rất phức tạp và việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây chóng mặt.
Chóng mặt khiến người mắc choáng váng, mọi vật quay vòng
Tổng quan chung
Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Triệu chứng này thường được mô tả là cảm giác choáng váng, thấy mọi vật xung quanh quay vòng, hoặc chính bản thân người bệnh quay vòng, đồng thời kèm theo tình trạng mất thăng bằng. Tình trạng này còn được mô tả chung là chóng mặt hoa mắt.
Hiện tượng hay bị chóng mặt hoa mắt thường được điều trị hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng vấn đề là triệu chứng này có thể tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng chóng mặt không nghiêm trọng và thường sẽ hết nếu nguyên nhân được chữa khỏi.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng chóng mặt đi kèm theo các biểu hiện khác, chẳng hạn như chóng mặt buồn nôn, đau đầu chóng mặt hay chóng mặt hoa mắt, và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày, bạn có thể cần sử dụng thuốc.
Triệu chứng
Chóng mặt tạo ra ảo giác mọi vật xung quanh đang xoay vòng, chuyển động. Cơn chóng mặt thường xuất hiện khi bạn đột ngột thay đổi vị trí của đầu. Khi đó người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
- Mất thăng bằng
- Quay cuồng, nghiêng ngả
- Bị kéo về một hướng
- Choáng váng, đau đầu
- Buồn nôn, nôn ói
- Đổ mồ hôi, ù tai
- Ngoài ra, đi kèm cơn chóng mặt, thì người bệnh sẽ có cảm giác
- Đầu óc rối loạn, không thể suy nghĩ
- Tinh thần suy giảm, hoặc không ổn định
- Tầm nhìn mờ, hoa mắt
Nguyên nhân
Chóng mặt là hậu quả từ các bệnh lý của tai trong, dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây số VIII) và trong não. Tai trong là bộ phận có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến não, thông qua dây thần kinh tiền đình ốc tai, về chuyển động của đầu và cơ thể so với trọng lực để giúp bạn giữ thăng bằng.
Một số nguyên nhân chóng mặt phổ biến, bao gồm:
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign paroxysmal positional vertigo – BPPV)
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: nguyên nhân của BPPV là do các hạt sỏi tai bị bong ra và di chuyển tự do trong các ống bán khuyên của tai trong, thường có liên quan với chấn thương đầu. BPPV cũng có thể xảy ra mà không rõ lý do và có thể liên quan đến tuổi tác.
Bệnh Meniere (bệnh ứ nước nội dịch vô căn)
Đây là một rối loạn xảy ra ở tai trong, được cho là do sự tích tụ nội dịch và thay đổi áp lực trong tai. Bệnh Meniere có thể gây ra các cơn chóng mặt cùng với ù tai và giảm thính lực.
Viêm dây thần kinh tiền đình / Viêm mê đạo tai
Đây là một bệnh lý của tai trong và thường liên quan đến viêm nhiễm (chủ yếu là virus). Tình trạng viêm nhiễm ở tai trong , là nơi chứa mê đạo tai và phần đầu của dây thần kinh tiền đình ốc tai, dẫn đến tổn thương các bộ phận này từ đó gây ra chóng mặt, mất thăng bằng.
Các nguyên nhân khác
Một người đột ngột bị chóng mặt hoặc thỉnh thoảng cảm thấy hoa mắt xây xẩm có thể là do bị chấn thương đầu, cổ, các vấn đề về não như đột quỵ, khối u, hoặc do tác dụng phụ của thuốc, bệnh đau đầu Migraine.
Đối tượng nguy cơ
Chóng mặt rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ chóng mặt, chẳng hạn như:
- Người lớn tuổi và trung niên
- Người trẻ tuổi lao động trí óc
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh.
Chóng mặt thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em hoặc bạn đã từng bị chóng mặt trước đây.
Chẩn đoán
Chóng mặt là một triệu chứng liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân u não, đột quỵ… Do đó, để chẩn đoán bệnh một cách chuẩn xác, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định nguyên nhân bệnh như:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số vấn đề liên quan đến cơn chóng mặt mà bạn đang đối mặt như:
- Quá trình khởi phát và diễn biến trong bao lâu.
- Tiền sử sức khoẻ của bản thân và gia đình.
- Điều kiện sinh hoạt, lao động, học tập, nghỉ ngơi, các thói quen sinh hoạt…
- Nhịp độ tiến triển: một cơn, tái phát.
- Những biểu hiện kèm theo khi bị chóng mặt.
- Tính chất của cảm giác xoay, mất thăng bằng.
- Chụp CT, chụp MRI não: Trong trường hợp nghi ngờ đột quỵ, u não, chấn thương não, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp cận lâm sàng bằng cách sử dụng thiết bị hình ảnh chụp CT scan, chụp MRI.
- Nội soi tai mũi họng và đo chức năng thính giác: Để xác định có bệnh lý tai – mũi – họng nào ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình hay không.
- Thăm khám thần kinh toàn diện dùng hình ảnh học: Để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý đe dọa tính mạng, đặc biệt là đột quỵ.
- Xét nghiệm kiểm tra thính lực và khả năng thăng bằng:
- Kiểm tra cử động của mắt.
- Kiểm tra cử động của đầu.
- Thay đổi tư thế.
- Kiểm tra xoay ghế.
Phòng ngừa bệnh
Cách tốt nhất để ngăn ngừa chóng mặt là tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt. Ví dụ, nếu bạn bị chóng mặt khi bị mất nước, bạn có thể ngăn ngừa chóng mặt bằng cách uống đủ nước. Nếu việc dùng thuốc huyết áp khiến bạn chóng mặt, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi loại thuốc hoặc liều dùng thuốc.
Mặc dù bạn không thể dự đoán hoặc ngăn chặn tất cả những nguyên nhân gây chóng mặt, chẳng hạn như rối loạn thần kinh nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa một số yếu tố nguy cơ dẫn đến chóng mặt. Dưới đây là một số cách để phòng ngừa tình trạng chóng mặt hiệu quả:
- Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra và phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch, huyết áp, tai mũi họng,… có thể gây chóng mặt.
- Hạn chế căng thẳng, stress. Thực hiện các bài tập thư giãn hoặc các biện pháp thư giãn để giảm áp lực cho não bộ.
- Bổ sung đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể hoạt động.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc. Tránh thức quá khuya.
- Không lạm dụng rượu bia, caffeine. Hạn chế việc sử dụng thuốc lá.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Chú ý khi dùng các loại thuốc đang sử dụng để tránh phản ứng phụ của thuốc gây chóng mặt.
Điều trị như thế nào?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị chóng mặt phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chóng mặt. Trong nhiều trường hợp, chứng chóng mặt sẽ tự động biến mất mà không cần điều trị. Điều này là do bộ não của bạn có thể thích nghi một phần với sự thay đổi của tai trong và dựa vào các cơ chế khác để duy trì sự cân bằng.
Đối với một số người, việc điều trị chóng mặt là cần thiết và các phương pháp điều trị bao gồm:
Phục hồi chức năng tiền đình
Đây là một phương pháp vật lý trị liệu nhằm giúp củng cố hệ thống tiền đình. Chức năng của hệ tiền đình là gửi tín hiệu đến não về chuyển động của đầu và cơ thể so với trọng lực. Phục hồi chức năng tiền đình có thể được khuyến nghị nếu bạn bị chóng mặt tái phát. Biện pháp này giúp rèn luyện các giác quan khác của bạn để bù đắp cho hệ thống tiền đình, nhằm làm giảm chứng chóng mặt.
Thủ thuật chuyển dời sỏi tai về vị trí cũ
Viện Hàn lâm Thần kinh học Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều hướng dẫn thực hiện các thủ thuật chuyển dời sỏi tai về vị trí cũ, để điều trị cho bệnh nhân bị BPPV. Các thủ thuật này nhằm di chuyển hạt sỏi tai từ ống bán khuyên vào lại khoang tai trong để được cơ thể hấp thụ. Trong khi làm thủ thuật, bạn có thể sẽ bị chóng mặt nhiều hơn do hạt sỏi tai di chuyển. Bác sĩ sẽ thực hiện và hướng dẫn cho bệnh nhân phối hợp để tiến hành thủ thuật một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Thuốc
Trong vài trường hợp, một số loại thuốc có thể được chỉ định để giảm các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi. Nếu chứng chóng mặt là do nhiễm trùng hoặc viêm, thuốc kháng sinh hoặc steroid có tác dụng làm giảm sưng và chữa nhiễm trùng. Đối với bệnh Meniere, thuốc lợi tiểu đôi lúc cũng được kê toa để làm giảm áp lực của tai trong do tích tụ nội dịch.
Phẫu thuật
Có những nguyên nhân gây chóng mặt cần phải phẫu thuật mới điều trị dứt điểm được, chẳng hạn như khối u hoặc chấn thương não hay cổ. Bác sĩ sẽ tập trung điều trị những nguyên nhân đó để kiểm soát chứng chóng mặt.
Thực tế, chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau mà bạn đang mắc phải. Tình trạng này có thể điều trị hiệu quả dựa vào nguyên nhân nhưng thường dễ tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, chóng mặt thường không nghiêm trọng, sẽ biến mất nếu tìm ra căn nguyên và chữa khỏi đúng cách.