Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau cổ họng là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Đau cổ họng là hiện tượng thường gặp khi có tổn thương ở phế quản, cổ họng hoặc các cơ quan vùng lân cận. Vậy đau cổ họng là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bị đau cổ họng là một trong những triệu chứng rất nhiều người gặp phải khi thay đổi thời tiết hay bị nhiễm trùng. Khi bị đau họng bạn sẽ cảm thấy đau, ngứa và khô ở vùng cổ họng. Đau họng tuy không quá nghiêm trọng nhưng sẽ khiến cho bạn cảm thấy khó chịu và triệu chứng này hoàn toàn có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Theo các chuyên gia, đau họng được chia thành nhiều nhóm khác nhau có thể kể đến như:
- Viêm lưỡi gà gây sưng đỏ lưỡi gà.
- Viêm thanh quản hai dây thanh âm.
- Viêm hầu họng ở khu vực dưới miệng.
Triệu chứng
Bệnh có thể dễ dàng nhận biết dựa vào những dấu hiệu cụ thể như sau:
- Nuốt khó khăn, có cảm giác đau rát cổ họng và cảm giác như đầu dưới của thực quản bị tắc nghẽn.
- Khi nói chuyện, nuốt nước bọt hay nuốt thức ăn đều thấy đau ở họng.
- Ngay sau khi nuốt vào có thể bị trào ngược thức ăn hoặc ợ nóng lên hầu họng, miệng, mũi.
- Mỗi khi có thức ăn bị tắc nghẽn ở hầu họng thì có cảm giác khó thở.
Nguyên nhân
Cổ họng là bộ phận liên quan đến hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Vì vậy có rất nhiều bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa có triệu chứng bệnh là đau rát họng. Sau đây là một số bệnh cụ thể có thể gây ra đau họng và những triệu chứng đi kèm.
Viêm họng/ viêm họng hạt
Viêm họng hay nhiễm trùng họng là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau cổ họng. Đối với viêm họng mạn tính, đau họng và các triệu chứng đi kèm sẽ nhẹ hơn, nhưng thường kéo dài dai dẳng.
Viêm họng/viêm họng hạt là nguyên nhân phổ biến gây đau cổ họng
Viêm amidan
Amidan là hai hạch bạch huyết nằm ở phía sau cổ họng. Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng ở amidan, xảy ra do sự xâm nhập và tác động của các loại virus, cũng có thể là biến chứng của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn.
Viêm nắp thanh quản
Một trong những dạng nhiễm trùng cổ họng phổ biến là viêm nắp thanh quản, thường sẽ dẫn đến nhiễm trùng vạt sau của cổ họng.
Viêm thực quản
Viêm thực quản là tình trạng ống dẫn thức ăn bị viêm đau, nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, lượng axit từ dạ dày trào ngược lên ống thức ăn và gây bệnh.
Khối u thực quản
Do sự tăng sinh bất thường của tế bào gây xuất hiện khối u ở thực quản. Người bệnh thường sẽ gặp khó khăn khi nuốt thức ăn và bị đau họng nhưng không xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt hay nổi hạch ở cổ.
Viêm tuyến nước bọt mang tai
Tình trạng vi khuẩn, virus dị ứng, nấm mốc gây viêm nhiễm tuyến nước bọt ở mang tai. Viêm tuyến nước bọt mang tai cũng có các triệu chứng khác như đau rát cổ họng, đặc biệt khi nhai, nuốt, sưng đau tuyến nước bọt.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là tình trạng các tế bào trong vòm họng hoạt động và phát triển bất thường, dẫn đến việc hình thành các khối u bên trong cổ họng hoặc dây thanh quản, và được xác định là loại bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Ung thư vòm họng xuất hiện kèm các triệu chứng như đau rát cổ họng, trong vòm họng xuất hiện khối u, sụt cân bất thường, ho có đờm, ngạt mũi, ù tai, khàn tiếng, nổi hạch.
Một số tác nhân khách quan cũng gây đau vùng cổ họng như:
- Khói thuốc lá
- Ô nhiễm không khí
- Uống đồ lạnh
- Dị ứng
- Không khí khô
Đối tượng nguy cơ
Những người làm công việc mà thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến cổ họng như ca sĩ, các huấn luyện viên và giáo viên thể dục,…
Chẩn đoán
Thông thường, tình trạng đau cổ họng chỉ diễn ra tầm 5 – 10 ngày, và các triệu chứng đều giảm nhẹ dần qua các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nên khi tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, người bệnh cần đến sự chăm sóc y tế và biện pháp điều trị hợp lý ở bệnh viện. Nên ngay khi gặp những dấu hiệu sau, người bệnh cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để khám xét:
- Nhiều mảng trắng hình thành ở khu vực phía sau cổ họng.
- Tình trạng đau rát cổ họng kéo dài hơn một tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Không xác định được nguyên nhân đau rát cổ họng.
- Khó thở, cổ họng bị sưng.
- Chảy nước dãi không kiểm soát.
- Khó khăn để mở miệng.
Phòng ngừa bệnh
Để hạn chế tình trạng bị đau cổ họng, bạn có thể áp dụng một số cách phòng ngừa như sau:
- Chích vắc xin ngừa bệnh cúm.
- Tiêm vắc xin phòng HPV (HPV là virus gây ung thư vòm họng).
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như là rượu, bia, thuốc lá,…
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng nước ấm, súc miệng bằng nước muối
- Giữ ấm cơ thể vào mùa đông
- Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng và ở những khu vực bụi bẩn
- Hạn chế uống đồ lạnh
- Dọn dẹp không gian sống sạch sẽ, nhất là khi thời tiết nồm ẩm tránh tình trạng ẩm mốc
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, đồ chiên nướng.
Điều trị như thế nào?
Uống nước ấm mỗi ngày
Sử dụng nước uống ấm sẽ giúp bảo vệ tình trạng cổ họng, tránh được những tổn thương vòm họng gây đau rát. Tránh sử dụng nước nóng để không gây ra tình trạng bỏng vòm họng và các cơ quan vùng miệng khác.
Dùng nước muối sinh lý để súc miệng
Nước muối sinh lý giúp kháng khuẩn, giảm đau rát, chống sưng và hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Thường xuyên vệ sinh bằng nước muối sinh lý sẽ giúp giữ sạch sẽ vùng khoang miệng và hạn chế sự nhiễm khuẩn.
Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích
Rượu, bia, thuốc lá,… đều là những sản phẩm có khả năng kích thích những mô mềm ở cổ họng, miệng và ống dẫn thức ăn. Điều này sẽ kích ứng tình trạng đau rát ở cổ họng, dễ nhiễm trùng và làm vùng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.
Sử dụng thuốc chống viêm
Để giảm bớt tình trạng sưng, viêm và đau rát ở cổ họng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm, chống phù nề.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về đau cổ họng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.