Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau đầu mạn tính là gì? Những điều cần biết về đau đầu mạn tính
Đau đầu mạn tính là những cơn đau đầu tái đi tái lại nhiều lần, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đau đầu mạn tính chưa có phương pháp điều trị, người bệnh chỉ có thể giảm thiểu tối đa các triệu chứng của bệnh.
Tổng quan chung
Đau đầu mạn tính là loại đau đầu kéo dài trên 15 ngày/tháng hoặc liên tục trong ít nhất ba tháng không liên quan đến các tình trạng khác. Loại đau đầu này còn có tên gọi khác là đau đầu kinh niên, đau đầu kéo dài. Đây là căn bệnh gây nhiều khó chịu nhất vì cảm giác đau dai dẳng và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt của người bệnh.
Dựa vào thời gian diễn cơn đau, có thể chia đau đầu kinh niên thành 2 dạng: dài hạn (trên 4 tiếng) và ngắn hạn (dưới 4 tiếng).
Dựa vào vị trí và nguyên nhân gây đau đầu, các nhà nghiên cứu chia đau đầu kinh niên thành 4 dạng:
- Đau nửa đầu mạn tính
- Đau nửa đầu liên tục
- Cơn đau liên tục
- Đau đầu – căng thẳng mạn tính.
Triệu chứng đau đầu mạn tính
Thuật ngữ đau đầu kéo dài khá rộng và bao gồm nhiều loại đau đầu khác nhau. Dưới đây là 4 dạng đau đầu kéo dài cơ bản nhất và những triệu chứng đặc trưng của từng loại:
Đau nửa đầu Migraine (Chronic Migraine)
Loại đau đầu này thường xuyên xảy ra ở những người có tiền sử đau nửa đầu từng đợt. Đau nửa đầu có xu hướng:
- Ảnh hưởng đến một bên hoặc cả hai bên đầu.
- Có cảm giác rung, tê và nhói ở đầu.
- Gây đau từ vừa đến nặng (thường tăng nặng khi di chuyển, vận động).
- Buồn nôn, ói mửa hoặc cả hai.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Đau đầu do căng thẳng (Chronic Tension – Type Headache)
Đau đầu dạng căng thẳng khá phổ biến (chỉ xếp sau đau đầu Migraine) với các triệu chứng đặc trưng là:
- Cơn đau ảnh hưởng đến cả hai bên đầu.
- Mức độ đau từ nhẹ đến trung bình.
- Gây ra cảm giác đau như bị ấn hoặc thắt chặt.
- Có cảm giác căng cứng và đau ở cả mặt, gáy.
- Khó ngủ và đôi khi cảm thấy có tiếng gõ trong não.
Đau đầu dai dẳng hằng ngày thể mới (New Daily Persistent Headache)
Những cơn đau đầu dai dẳng hằng ngày thể mới xảy ra đột ngột, phổ biến ở những người không có tiền sử đau đầu. Triệu chứng đau đầu mạn tính dạng này thường kéo dài liên tục trong vòng 3 ngày kể từ khi cơn đau đầu đầu tiên xuất hiện:
- Thường ảnh hưởng đến cả hai bên đầu.
- Gây ra cảm giác đau như đè nén, bó chặt.
- Mức độ đau từ nhẹ đến trung bình.
- Buồn nôn hoặc ói mửa mức độ nhẹ.
- Cảm giác sợ tiếng ồn và ánh sáng.
Đau nửa đầu liên tục (Hemicrania Continua)
Trường hợp này chủ yếu xảy ra với những người có tiền sử đau nửa đầu. Và các triệu chứng đau nửa đầu liên tục bao gồm:
- Cơn đau chỉ ảnh hưởng đến một bên đầu.
- Mức độ đau từ vừa đến dữ dội.
- Phản ứng với thuốc kháng viêm không steroid (Indomethacin).
- Chảy nước mắt hoặc đỏ mắt ở bên đầu bị ảnh hưởng.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Sụp mí hoặc thu hẹp đồng tử.
- Cảm giác bồn chồn.
Nhìn vào triệu chứng của từng dạng đau đầu mạn tính, rõ ràng có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, ở góc độ người bệnh sẽ rất khó để phân biệt rõ ràng các kiểu đau đầu kinh niên này. Hầu hết các trường hợp đau đầu mạn tính đều không cần đến sự chăm sóc y tế thường xuyên. Nhưng nếu cơn đau đầu thường xuyên xuất hiện với những biểu hiện sau đây, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức:
- Đột ngột và dữ dội ngay khi mới bắt đầu.
- Kèm theo hiện tượng như sốt, cứng cổ, lú lẫn, co giật, tê mặt hoặc khó nói…
- Cơn đau đầu xảy ra sau một chấn thương đầu.
- Trở nên tồi tệ hơn mặc dù đã nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau.
Đau đầu mạn tính không đe dọa tính mạng con người nhưng khiến cho cơ thể của “khổ chủ” luôn trong trạng thái mệt mỏi, trí óc căng thẳng, công việc và học tập sa sút. Vậy nên, việc tìm kiếm giải pháp quản lý cơn đau và giảm số lần tái phát là điều vô cùng quan trọng để bạn có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân dẫn đến đau đầu mạn tính có thể bao gồm:
- Đau đầu do dùng thuốc trong thời gian dài: Đau đầu do lạm dụng thuốc là loại đau đầu mạn tính hàng ngày thường gặp nhất, chiếm 90% trong tổng số các trường hợp nhức đầu mạn tính. Khoảng 25 – 64% số ca đến khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế về đau đầu là đau đầu mạn tính do lạm dụng thuốc. Một nghiên cứu ước tính rằng 1% dân số trưởng thành và 0,5% dân số thanh thiếu niên bị đau đầu do lạm dụng thuốc.
- Đau đầu do các bệnh lý tiềm ẩn khác: Bệnh kéo dài là do người bệnh mắc một hay nhiều bệnh lý khác như mất ngủ, thiếu máu não, viêm màng não, thậm chí đột quỵ, u não, u màng não…
- Migraine chuyển dạng hay đau nửa đầu chuyển dạng: Đây là trường hợp các cơn đau nửa đầu bắt đầu tăng tần suất và có thể thay đổi đặc điểm. Cơn đau đầu có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn nhưng chúng có thể bắt đầu xảy ra gần như hàng ngày. Tuy nhiên, các cơn đau nửa đầu nghiêm trọng, gây suy nhược vẫn có thể xảy ra.
- Các nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân kể trên, đau đầu mạn tính cũng có thể là do đau đầu vì căng thẳng, bệnh Hemicrania continua, hạ huyết áp vô căn…
U não là một nguyên nhân gây đau đầu mạn tính
Đối tượng nguy cơ
Đau đầu mạn tính xảy ra ở những người có tiền sử mắc hội chứng đau đầu nguyên phát. Những người bị đau đầu thường xuyên hơn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bao gồm:
- Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị bệnh đau đầu mạn tính cao hơn nam giới. Ví dụ, phụ nữ sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin… có nguy cơ mắc nhức đầu mạn tính tăng 13,6 lần. Phụ nữ sử dụng triptans (một loại thuốc giảm đau thường được dùng để điều trị chứng đau nửa đầu) có nguy cơ bị bệnh đau đầu mạn tính tăng gấp 2,9 lần so với nam giới sử dụng loại thuốc này.
- Tình trạng đau đầu hay nhức đầu mạn tính xảy ra thường xuyên hơn cả ở những người từ 40 – 50 tuổi.
- Sự chuyển đổi từ chứng đau nửa đầu từng đợt sang chứng đau nửa đầu mạn tính có liên quan đến tình trạng huyết áp động mạch thấp. Tuy nhiên, chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể giữa 2 vấn đề sức khỏe này.
- Rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm nặng và rối loạn lo âu là yếu tố nguy cơ kích hoạt cơn đau đầu mạn tính hàng ngày.
- Mất ngủ.
- Béo phì.
- Lạm dụng quá nhiều caffeine.
Chẩn đoán
Khi người bệnh đến thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe lâm sàng cũng như hỏi người bệnh một số câu hỏi như:
- Đặc điểm nhân khẩu học của người bệnh: tuổi, giới tính, nghề nghiệp…
- Cơn đau đầu bắt đầu khi nào?
- Cơn đau đầu diễn ra ở vị trí nào?
- Cường độ của cơn đau như thế nào?
- Những đặc điểm của cơn đau là gì?
- Cơn đau kéo dài bao lâu?
- Cơn đau xuất hiện vào thời điểm nào trong ngày?
- Cơn đau đã phát triển như thế nào kể từ khi bắt đầu?
- Tần suất xuất hiện là bao nhiêu?
- Các tình huống kích hoạt cơn đau là gì?
- Cơn đau có liên quan đến giấc ngủ không?
- Bạn dùng thuốc gì để cải thiện tình trạng đau đầu? Tần suất sử dụng thuốc này là bao nhiêu?
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định xét nghiệm công thức máu, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay CT não hoặc sinh thiết… Có thể cần phải chọc dò tủy sống nếu nghi ngờ nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc tăng áp lực nội sọ vô căn.
Phòng ngừa bệnh
Để giúp giảm đau đầu kinh niên hàng ngày, trước hết, người bệnh phải tự chăm sóc bản thân như:
- Tránh xa các tác nhân gây đau đầu
- Tránh lạm dụng thuốc: Khi người bệnh uống thuốc đau đầu, bao gồm cả thuốc không kê đơn, hơn hai lần một tuần có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất đau đầu.
- Ngủ đủ giấc: Theo các chuyên gia người trưởng thành trung bình cần ngủ đủ từ 7 – 8 giờ mỗi đêm. Thời điểm đi ngủ và thức dậy giữa mỗi ngày là giống nhau. Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ hãy nói chuyện với bác sĩ để có biện pháp điều trị.
- Đừng bỏ bữa: Để giảm thiểu những cơn đau đầu, người bệnh nên ăn uống đầy đủ, ăn các bữa ăn lành mạnh vào cùng một khoảng thời gian hàng ngày. Đồng thời, nên tránh thực phẩm, đồ uống không lành mạnh như những thực phẩm có chứa caffeine có thể gây ra đau đầu. Nếu người bệnh bị béo phì hãy giảm cân.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể dục nhịp điệu thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và giảm căng thẳng như đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp. Để tránh chấn thương, khi tập luyện hãy bắt đầu từ từ.
- Giảm căng thẳng: Stress là một tác nhân phổ biến của đau đầu mạn tính. Vì vậy, để giảm stress trong cuộc sống, người bệnh hãy làm việc, sinh hoạt có tổ chức, đơn giản hóa lịch trình, lạc quan lên. Hãy thử các phương pháp giảm căng thẳng hiệu quả như yoga, thái cực quyền hoặc thiền định.
- Giảm lượng caffeine: Trong khi một số loại thuốc đau đầu bao gồm caffeine vì nó có thể có lợi trong việc giảm đau đầu, nó cũng có thể làm nặng thêm cơn đau đầu. Vì vậy, hãy cố gắng giảm thiểu hoặc loại bỏ cafein khỏi chế độ ăn uống.
Điều trị như thế nào?
Trong việc điều trị đau đầu kéo dài, không có phương pháp duy nhất và cũng không có phương pháp hiệu quả nhất. Để quản lý cơn đau đầu và giảm tần số tái phát cần hiệu quả cần kết hợp hài hòa nhiều hướng chữa trị và chăm sóc sức khỏe não bộ khác nhau:
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị đau nửa đầu nói chung là những cái tên quen thuộc:
- Thuốc chống trầm cảm giúp kiểm soát sự lo lắng hoặc căng thẳng.
- Thuốc chẹn beta có tác dụng ức chế hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Thuốc chống động kinh.
Lưu ý: Dùng thuốc đau đầu (bao gồm cả thuốc không kê đơn) hơn 2 lần một tuần có thể làm tăng mức độ và tần suất đau đầu của bạn. Bạn không nên lạm dụng và phải tham khảo ý kiến bác sĩ về cách “cai thuốc giảm đau” để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.
Liệu pháp không dùng thuốc
Bên cạnh việc dùng các loại thuốc kể trên, bác sĩ khuyến khích người bị đau đầu thường xuyên áp dụng một số liệu pháp không dùng thuốc như:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Đây là một loại trị liệu tâm lý giúp bạn nhận thức rõ những ảnh hưởng của cơn đau đầu và cùng chuyên gia thảo luận cách đối phó phù hợp.
- Phản hồi sinh học: Chuyên gia trị liệu sẽ sử dụng các thiết bị theo dõi để giúp bạn hiểu và học cách kiểm soát các chức năng của cơ thể như huyết áp, nhịp tim và căng cơ.
- Kích thích dây thần kinh chẩm (Occipital nerve stimulation): Bác sĩ sẽ gắn một thiết bị chuyên dụng nhỏ ở đáy hộp sọ của bạn. Thiết bị này sẽ gửi các xung điện đến dây thần kinh chẩm giúp giảm nhẹ cơn đau nhức đầu.
- Châm cứu: Mặc dù chưa có cơ sở khoa học chứng minh châm cứu có thể cải thiện chứng đau đầu mạn tính, thế nhưng liệu pháp cổ truyền này phần nào giảm nhẹ cơn đau giúp bạn cảm thấy thư thái hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện các bài massage đầu đơn giản tại nhà. Những động tác massage nhẹ nhàng sẽ phần nào xoa dịu cơn đau, thư giãn đầu óc và giảm căng cơ.
Đau đầu mạn tính thường gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và chưa có phương pháp điều trị. Do đó khi mắc bệnh đau đầu mạn tính cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và có giải pháp ngăn ngừa các cơn đau phù hợp và hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.