Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau đầu là gì? Những điều cần biết về đau đầu
Đau đầu là triệu chứng bệnh rất thường gặp trong đời sống hàng ngày, biểu hiện bằng những cơn đau nhức ở phần đầu do nhiều căn bệnh khác nhau gây ra. Những cơn đau đầu bất thường có thể là dấu hiệu của rối loạn nào đó trong cơ thể. Vậy nguyên nhân vì sao bị đau đầu?
Tổng quan chung
Đau đầu hay còn được gọi là nhức đầu là tình trạng cơn đau thường xuất hiện ở vùng đầu và mặt, cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu, ở một vị trí nhất định hoặc cũng có thể lan tỏa khắp đầu. Triệu chứng ở mỗi bệnh nhân thường không giống nhau, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói liên tục, âm ỉ hoặc dữ dội ở đầu. Hiện nay, đau đầu có thể được điều trị bằng thuốc, kiểm soát căng thẳng và phản hồi sinh học.
Triệu chứng
Cơn đau đầu có biểu hiện như thế nào tùy thuộc vào loại đau đầu người bệnh gặp phải. Hiện nay có đến hơn 150 loại đau nhức đầu khác nhau. Triệu chứng của một số loại đau đầu phổ biến như sau:
Đau đầu căng cơ
- Người bệnh bị nhức đầu từ nhẹ đến vừa, cảm giác đầu bị bó, kẹp như có một dải băng quấn căng quanh đầu.
- Tình trạng đau căng đầu xảy ra ở cả hai bên đầu và thường xuất hiện trong thời gian ngắn.
Đau nửa đầu
- Người bệnh bị đau đầu từ vừa đến nặng. Cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu, cảm giác dồn dập, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn khi cơn đau xảy ra.
- Người bị đau nửa đầu thường nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng và mùi
- Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và lặp lại thường xuyên.
Đau từng cụm
- Cơn đau nhức nhối bắt đầu ở khu vực phía trong, phía sau hoặc xung quanh một mắt, kéo dài từ 15 phút – 3 giờ.
- Có thể đi kèm với các triệu chứng sưng mắt, chảy nước mắt, sụp mí, nghẹt mũi, chảy nước mũi ở bên phần đầu bị ảnh hưởng.
- Việc xác định người bệnh đang gặp phải chứng đau đầu nào là rất quan trọng để có phương án điều trị và ngăn ngừa hiệu quả.
Nguyên nhân
Đau đầu do các bệnh thần kinh
- Chấn thương sọ não.
- Bệnh màng não – mạch máu não.
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ.
- Bệnh đau nửa đầu (Migraine).
- Rối loạn chức năng.
Đau đầu do bệnh toàn thân
- Nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính.
- Nhiễm độc.
- Say nóng, say nắng.
Do bệnh nội khoa
- Bệnh tim mạch.
- Bệnh tiêu hoá.
- Bệnh thận món tính.
- Thiếu máu.
- Rối loạn nội tiết.
Do các bệnh chuyên khoa khác: Mắt, Tai – mũi – họng.
- Căn nguyên tại phần mềm ngoài sọ và hộp sọ
- Viêm xương sọ, bệnh xương Paget.
- Di căn ung thư vào xương sọ.
- Biến dạng cột sống cổ.
- Đau dây thần kinh chẩm lớn do thoái hoá khớp đốt sống cổ.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
- Viêm động mạch thái dương còn gọi là bệnh Horton.
Đối tượng nguy cơ
Đau đầu cực kỳ phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, những đối tượng hay gặp nhất là:
- Phụ nữ: Nhìn chung, tỷ lệ xuất hiện cơn đau đầu ở nữ giới thường cao hơn nam giới, đặc biệt là chứng đau nửa đầu. Đau nửa đầu có thể xuất hiện do sự thay đổi hormone sinh dục nữ. Cơn đau nhức dễ xảy ra vào thời điểm hành kinh và mãn kinh.
- Người thường xuyên sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích
- Người hay bị căng thẳng, người hay lo lắng
- Người thường xuyên làm việc với máy tính không nghỉ: nhân viên văn phòng, nhân viên thiết kế đồ họa vi tính, IT…
- Người có bố, mẹ, anh chị em ruột bị mắc chứng đau nửa đầu.
Chẩn đoán
Để có phương pháp điều trị phù hợp, đầu tiên phải xác định được nguyên nhân. Hiện nay, các bác sĩ thường chẩn đoán đau đầu theo hai phương pháp sau:
Chẩn đoán lâm sàng
Để bắt đầu chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số vấn đề về tình hình hiện tại như: Cơn đau nhức xuất hiện ở vị trí nào, cường độ, thời gian mỗi lần là bao lâu, bị trong bao lâu, triệu chứng kèm theo… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về các yếu tố có thể kích hoạt cơn đau đầu như: Có thường xuyên sử dụng rượu bia, uống bao nhiêu cà phê một ngày, tính chất công việc, sự kiện gây căng thẳng, thói quen ngủ, trong gia đình bạn có ai bị tình trạng tương tự không,…
Ngoài việc mô tả đầy đủ, chi tiết các triệu chứng lâm sàng, người bệnh cũng cần cung cấp cho bác sĩ tiền sử và cách điều trị bệnh trước đó, các loại thuốc đã và đang sử dụng (nếu có).
Sau khi đánh giá phần bệnh sử, bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra toàn diện về thể chất và thần kinh để xác định nguyên nhân. Nội dung thăm khám có thể bao gồm:
- Khám toàn thân: Đo huyết áp; khám toàn bộ các cơ quan nội tạng, đặc biệt là tim mạch; tìm kiếm các dấu hiệu nguy hiểm và triệu chứng của một căn bệnh nào đó.
- Khám thần kinh: Các xét nghiệm thần kinh tập trung vào việc loại trừ các bệnh lý thần kinh như: U não, xuất huyết não, động kinh, đa xơ cứng và các bệnh mạch máu não khác…
- Khám chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, nha khoa,…
Chẩn đoán cận lâm sàng
Sau khi bước thăm khám lâm sàng, để có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Chụp X-quang xoang, hộp sọ và chụp cột sống cổ
- Chọc dò tủy sống
- Điện não đồ
- Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ vùng đầu cổ
Phòng ngừa bệnh
- Hạn chế hoặc tránh đến những nơi có tiếng ồn to, ánh sáng chói như xem phim chiếu rạp, nhìn ánh sáng chói lọi của mặt trời và các yếu tố kích thích giác quan vì các yếu này là tác nhân gây đau nửa đầu (đối với trường hợp đau nửa đầu).
- Giảm trạng thái căng thẳng tinh thần, thư giãn trước và sau những giờ làm việc mệt mỏi, kéo dài.
- Đối với nhân viên văn phòng cần thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc và mỗi giờ thư giãn 30 giây. Chú ý cần thư giãn cằm, cổ, vai và các cơ lưng trên.
- Tập thể dục hằng ngày để giúp giảm căng thẳng: nên tập thể dục 20 – 30 phút mỗi ngày và tập các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập yoga .
- Ngủ đủ giấc: Các nhà khoa học đã chứng minh ngủ 7-8 giờ mỗi ngày có thể tránh được tình trạng mệt mỏi, đau đầu, stress và giúp công việc trong ngày đạt hiệu quả tốt hơn.
- Hạn chế dùng rượu bia, các thức uống có chất kích thích như cafein,… vì việc dùng nhiều đồ uống này thường làm tăng chứng nhức đầu ở bệnh nhân. khi muốn bỏ các thức uống này, đặc biệt là thức uống có cafein cần giảm từ từ để tránh chứng nhức đầu xảy ra.
- Một số thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu do đó không được tự ý dùng thuốc chữa bệnh.
- Bổ sung đủ nước, thường 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để thanh lọc và cân bằng cơ thể, đặc biệt khi thời tiết nóng nực, nhiệt độ cao và khô vì thiếu nước khiến cơ thể cảm thấy choáng váng, mệt mỏi và đau đầu.
- Bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin E như vừng đen giúp cân bằng estrogen và từ đó làm giảm các cơn đau đầu, nhất là phụ nữ vào thời kỳ kinh nguyệt.
Điều trị như thế nào?
Nghỉ ngơi là phương pháp điều trị chung cho tất cả các trường hợp đau đầu. Sau đó, tùy nguyên nhân và mức độ đau đầu của mỗi người, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn áp dụng kết hợp các phương pháp điều trị thay thế thích hợp.
Sử dụng thuốc
- Thuốc giảm đau không kê đơn như thuốc chống viêm không steroid.
- Thuốc giảm đau kê đơn.
- Thuốc đặc trị các tình trạng cụ thể, chẳng hạn chứng đau nửa đầu, đau đầu từng cụm…
Khuyến cáo: Dùng thuốc giảm đau để trị bệnh đau đầu trong thời gian dài rất dễ dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, buộc phải tăng liều lượng cho những lần dùng sau. Do vậy, để tránh lạm dụng thuốc, điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp nghiêm trọng, một người có thể cần thời gian nằm viện ngắn để kiểm soát việc dùng thuốc một cách an toàn.
Phương pháp điều trị thay thế
Một số hình thức điều trị đau đầu thay thế có thể được bác sĩ ứng dụng để nâng cao hiệu quả chữa trị cũng như giảm liều lượng và thời gian sử dụng thuốc giảm đau, điển hình như:
- Châm cứu: Bằng việc đưa những cây kim nhỏ qua da tại các điểm cụ thể trên cơ thể với độ sâu khác nhau sẽ giúp cân bằng năng lượng, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ cải thiện mức độ đau đầu.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy): Giải pháp trị liệu thần kinh, giải tỏa căng thẳng.
- Thiền: Người bị bệnh đau đầu tập thiền sẽ nâng cao chất lượng giấc ngủ, giảm mệt mỏi, giúp xoa dịu cảm giác đau đầu.
- Bổ sung dưỡng chất khác: Magie, vitamin D, vitamin B12, Coenzyme Q10…
- Cùng với đó, khi bị đau đầu, người bệnh nên sử dụng sản phẩm chăm sóc sức khỏe não bộ từ thiên nhiên.
Riêng đối với những trường hợp bị đau đầu do một bệnh lý toàn thân nào đó, bắt buộc phải có phác đồ điều trị riêng. Chỉ khi cải thiện được những căn bệnh này thì cơn đau đầu mới được kiểm soát.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.