Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau xương khớp là gì? Những điều cần biết về đau xương khớp
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp ngày càng gia tăng, đồng thời các bệnh xương khớp cũng đang dần trẻ hóa về độ tuổi. Vì thế, việc tìm hiểu về các bệnh xương khớp thường gặp là rất cần thiết.
Tổng quan chung
Đau nhức xương khớp là cảm giác khó chịu phát sinh từ bất kì khớp xương nào trên cơ thể, nhất là những khớp xương chịu áp lực lớn như khớp vai, khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp háng… Nếu như “viêm khớp” gây đau kèm theo hiện tượng nóng, đỏ và sưng thì “đau khớp” có thể chỉ đau mà không sưng viêm hoặc có thể vừa đau vừa viêm – Các bạn cần phân biệt rõ 2 khái niệm này.
Trước đây, tình trạng này thường chỉ xảy ra với người trung niên (từ 40 tuổi trở lên), thế nhưng hiện nay có rất nhiều người trẻ gặp phải vấn đề này. Đau khớp được chia thành 2 loại cấp tính và mạn tính:
- Đau nhức xương khớp cấp tính: Đau nhức xương khớp cấp tính là do các khớp xương bị virus, vi khuẩn xâm nhập và gây hại. Khi bị nhức khớp cấp tính sẽ kèm theo hiện tượng sưng đỏ ở ở các khớp, điển hình là khớp ngón tay, khớp gối, khớp khuỷu tay…
- Đau nhức xương khớp mạn tính: Đau nhức xương khớp mạn tính xảy ra bởi sụn bị thoái hóa (sụn bị mòn mỏng và xù xì) khiến các đầu xương cọ sát vào nhau khi vận động gây ta cảm giác đau nhức. Khi bị đau nhức mạn tính, nếu không chữa trị kịp thời sẽ biến chứng thành viêm khớp, thoái hóa khớp… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Triệu chứng
Đau nhức xương khớp là cảm giác đau nhức, khó chịu phát sinh từ bất kỳ khớp xương nào trên cơ thể. Ngoài những cơn đau, người bệnh còn có thể thấy khớp sưng tấy, nóng, đỏ khiến cho việc cử động, đi lại, làm việc trở nên khó khăn.
Đau nhức xương khớp có thể chỉ ảnh hưởng đến một khớp hoặc nhiều khớp cùng một lúc. Vị trí đau và mức độ cơn đau sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà người bệnh gặp phải.
Các khớp thường bị đau nhức là những khớp động và bán động có phạm vi chuyển động rộng và tần suất cử động liên tục như: khớp vai, khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay, khớp ngón tay và ngón chân, cột sống.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các khớp xương bị đau nhức, được chia thành 2 nhóm như sau:
Nguyên nhân cơ học
- Do chấn thương: Chấn thương do tai nạn, va chạm, té ngã… khiến các khớp, dây chằng và phần mềm xung quanh tổn thương và gây ra các cơn đau mỏi xương khớp.
- Vận động quá mức, lao động nặng nhọc : Khuân vác nặng, vận động sai tư thế khiến các khớp xương chịu nhiều áp lực, lâu ngày dẫn đến các cơn đau nhức. Ngoài ra, lười vận động, không thường xuyên đi lại sẽ khiến các khớp xương không còn linh hoạt và dẻo dai. Đặc biệt, quá trình tuần hoàn máu đến khớp xương cũng sẽ không ổn định, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp và xuất hiện các cơn đau nhức.
- Chế độ ăn uống không khoa học, lối sống không lành mạnh: Ăn uống thiếu chất, thiếu canxi, omega 3… uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích cũng là những nguyên nhân gây đau nhức ở xương khớp.
Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài các tác nhân cơ học, tình trạng này có thể xảy ra do các bệnh lý như:
- Bệnh thoái hóa khớp.
- Bệnh gout.
- Loãng xương.
- Viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp dạng thấp).
- Viêm bao hoạt dịch.
- Lao xương.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Viêm gân xương bánh chè.
- Đau thần kinh tọa…
Một số nguyên nhân khác gây ra các cơn đau mỏi xương khớp:
- Do sự lão hóa tự nhiên: Xương có mật độ cao nhất ở độ tuổi 25 – 35. Sau đó, khối lượng và mật độ xương sẽ suy giảm dần theo tuổi tác, kéo theo sự lão hóa xương, sụn và khớp; từ đó gây ra các cơn đau nhức toàn thân.
- Sự thay đổi thời tiết: Thời tiết trở lạnh, giao mùa là thời điểm dễ xuất hiện các cơn đau nhức ở xương khớp. Bởi khi thời tiết trở lạnh, các gân cơ sẽ bị co rút lại, khiến các khớp khô cứng và khó cử động hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh còn khiến cho các đầu mút dây thần kinh trở nên nhạy cảm hơn, vì vậy người bệnh rất dễ cảm nhận các cơn đau mỏi ở xương khớp.
Đối tượng nguy cơ
Các cơn đau nhức ở xương khớp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này:
- Người cao tuổi.
- Người thừa cân, béo phì.
- Bị chấn thương khớp, dị dạng xương.
- Có người thân mắc bệnh về xương khớp (di truyền).
- Người mắc các bệnh chuyển hoá.
- Làm việc nặng nhọc, gây áp lực lớn đến xương khớp.
Chẩn đoán
Thông thường, quy trình đi khám đau nhức xương khớp sẽ bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, tiền sử và hỏi kỹ về các triệu chứng.
- Để xác định tình trạng đau nhức xương khớp do nguyên nhân gì bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng như: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT-Scan xương, xét nghiệm máu…
- Sau khi hiểu về tình trạng người bệnh đang gặp phải các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị bệnh cụ thể.
- Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp như là: nghỉ ngơi, ăn uống, vận động hay thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu (châm cứu, chườm nóng, nhiệt trị liệu…), điều trị dùng thuốc hoặc là phẫu thuật hoặc phối hợp các phương pháp trên.
Phòng ngừa bệnh
Để không tạo điều kiện cho các bệnh nguy hiểm về xương khớp phát triển, mỗi người dù già hay trẻ cũng nên có ý thức về việc phòng bệnh, bởi phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
- Luyện tập thể dục, hoạt động chân tay liên tục giúp cơ bắp và xương khỏe mạnh hơn: Đi bơi, đạp xe đạp, đi bộ, dưỡng sinh…
- Tập tư thế tốt nhất cho các khớp xương chính là đứng thẳng, tránh nằm lâu, leo cầu thang, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngồi làm việc phải giữ thẳng lưng, không ngồi xổm…
- Bên cạnh đó, bạn hãy hạn chế luyện tập cường độ mạnh, tránh tăng cân nhiều với tốc độ nhanh và luôn biết tận dụng vitamin D trong nắng sớm.
- Có chế độ ăn, uống bổ sung canxi và vitamin D phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Khi đến khám, bác sĩ sẽ dựa vào từng nguyên nhân và mức độ bệnh sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh riêng biệt. Đó là cách giảm đau nhức xương khớp nhanh nhất và hiệu quả nhất.
- Thuốc: người bệnh được dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ, tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng.
- Vật lý trị liệu phục hồi chức năng
- Sử dụng thuốc đông y và các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, châm cứu, cấy chỉ, giác hơi, hỏa long cứu, xoa bóp bấm huyệt…
- Hóa trị, xạ trị trong các bệnh lý ung thư Phẫu thuật
- Giảm đau tại nhà
Tuy nhiên, những phương pháp trên cần phải được bác sĩ tư vấn, khám để đưa ra lời khuyên và kê toa hợp lý, tránh để lại hậu quả không mong muốn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.