Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đẻ non là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Đẻ non (sinh non) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh và tỉ lệ sinh non ngày càng tăng trong những năm gần đây do kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển và tỷ lệ đa thai ngày càng tăng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Đẻ non là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Một thai kỳ khỏe mạnh trung bình kéo dài khoảng 40 tuần. Khi trẻ được sinh ra ở thời điểm từ 22 tuần đến trước 37 tuần được gọi là đẻ non (sinh non). So với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn. Các nguy cơ ngắn hạn, gặp phải ngay sau sinh như suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, vàng da, nhẹ cân, khó nuôi.
Bên cạnh đó, trẻ non tháng cũng tăng khả năng mắc các khuyết tật về phát triển, khiếm thị và khiếm thính trong tương lai. Trẻ sinh non có tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ cho trẻ càng cao, đặc biệt ở tuổi thai dưới 28 tuần.
Chuyển dạ sinh non được định nghĩa là khi có cơn co thắt tử cung đều đặn dẫn đến xóa mở cổ tử cung xảy ra trước khi thai nhi được 37 tuần.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2014, sinh non được phân loại dựa trên tuổi thai:
- Sinh cực non: thai dưới 28 tuần.
- Sinh rất non: thai từ 28 tuần – 31 tuần 6 ngày.
- Sinh non trung bình: thai từ 32 tuần – 33 tuần 6 ngày.
- Sinh non muộn: thai từ 34 tuần – 36 tuần 6 ngày.
Triệu chứng
Dấu hiệu sinh non ở thai phụ: Khi thấy những dấu hiệu này, phụ nữ mang thai cần đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời:
- Thay đổi dịch tiết âm đạo (rỉ dịch lỏng, nhầy hơn hoặc có máu);
- Tiết dịch âm đạo nhiều lên;
- Tăng áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng;
- Đau vùng thắt lưng liên tục, âm ỉ;
- Chuột rút nhẹ ở bụng;
- Đau quặn bụng dưới giống đau bụng kinh, hoặc đau kèm với những cơn co thắt tử cung liên tục;
- Màng ối bị vỡ (thấy nước ối xuất hiện và tuôn ra ngoài, đôi khi chỉ là một giọt chất lỏng);
Những trẻ sinh non sẽ rất nhỏ (có lẽ vừa vặn trong lòng bàn tay) và trông rất yếu:
- Da không phát triển đầy đủ, bị bóng, khô hoặc bong tróc. Em bé có thể không có bất kỳ chất béo nào dưới da để giữ ấm.
- Mắt: mí mắt của trẻ sinh có thể không mở ra được trong giai đoạn đầu. Sau 30 tuần, trẻ mới có thể nhìn được xung quanh.
- Phát triển chưa hoàn thiện: em bé có thể không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nhịp thở hoặc nhịp tim. Chúng có thể co giật, trở nên cứng hoặc khập khiễng hoặc không thể tỉnh táo.
- Tóc: trẻ có ít tóc trên đầu, nhưng có nhiều lông mềm mại trên cơ thể mềm mại
- Bộ phận sinh dục có thể nhỏ và kém phát triển
Nguyên nhân
Hiện nay, y khoa đã ghi nhận rất nhiều yếu tố liên quan đến tình trạng sinh non. Trong số đó, những nguyên nhân và cơ chế gây sinh non rõ ràng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ. Có nhiều cách để phân loại các nguyên nhân sinh non tùy theo mục đích nghiên cứu hoặc áp dụng thực tế:
Nguyên nhân sinh non phân loại dựa trên chỉ định sản khoa
- Sinh non tự phát – không liên quan đến chỉ định sản khoa: Sinh non tự phát chỉ những trường hợp sinh non xảy ra một cách tự nhiên. Tình trạng này không do chủ ý của người mẹ và gia đình. Ngoài ra cũng không liên quan đến các chỉ định sản khoa. Đa số các trường hợp sinh non tự phát này không tìm được nguyên nhân.
- Sinh non liên quan đến các chỉ định sản khoa: Trong những trường hợp sức khỏe người mẹ và thai nhi không đảm bảo, bác sĩ có thể ra chỉ định gây chuyển dạ sớm để đảm bảo an toàn cho thai phụ. Thai sinh non trong trường hợp này được tính toán trước. Bác sĩ sẽ đảm bảo kế hoạch dưỡng thai trước và sau khi chuyển dạ. Nguyên tắc vẫn là an toàn sức khỏe mẹ và tranh thủ khả năng lớn nhất có thể để dưỡng thai khỏe mạnh. Thường gặp ở các trường hợp sản giật – tiền sản giật ở thai phụ, hoặc cổ tử cung ngắn, hở eo cổ tử cung…
Thực tế tại bệnh viện, những nguyên nhân sinh non thường được phân loại như sau:
Nguyên nhân sinh non phân loại trên lâm sàng
- Nguyên nhân sinh non từ thai:
- Đa thai (từ 2 thai trở lên).
- Thai dị dạng.
- Đa ối.
- Ối vỡ non.
- Nhiễm trùng ối.
- Nguyên nhân sinh non từ bệnh lý của người mẹ:
-
- Tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật.
- Đái tháo đường.
- Các bệnh lý ngoại khoa (viêm ruột thừa,…).
- Hở eo cổ tử cung.
- Viêm nhiễm đường sinh dục.
- Đã từng sinh non trong các lần sinh trước.
- Thai phụ thiếu cân, thiếu dinh dưỡng, không được chăm sóc nghỉ ngơi đầy đủ.
- Thời gian nghỉ ngơi giữa các lần mang thai quá ngắn (dưới 6 tháng). Trường hợp này, niêm mạc tử cung của người phụ nữ chưa hồi phục hoàn toàn. Tử cung không đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh và suôn sẻ.
- Thai phụ có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu bia hay các chất kích thích.
- Có những biến cố tâm lý lớn đột ngột xảy đến với người mẹ. Hoặc tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài trong thời gian mang thai.
- Tuổi của thai phụ: nhỏ hơn 17 tuổi hoặc lớn hơn 35 tuổi.
Nguyên nhân sinh non từ bánh nhau: Hai tình trạng thường gặp nhất là nhau tiền đạo và nhau bong non.
- Nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám ở vị trí bất thường: Trong nhau tiền đạo, nguy cơ sinh non, mất máu nặng ở mẹ dẫn đến tử vong gia tăng. Thai phụ cần lưu ý đi khám ngay với các trường hợp chảy máu âm đạo 3 tháng cuối thai kỳ, có hoặc không kèm đau bụng.
- Nhau bong non: Là tình trạng bánh nhau ở vị trí bình thường nhưng bong sớm trước khi sổ thai. Có thể do chấn thương hoặc bệnh lý.
Đối tượng nguy cơ
Ở các trường hợp thai phụ hay thai nhi có các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ bị dọa sinh non/sinh non cần khám và theo dõi định kỳ:
- Yếu tố xuất phát từ mẹ: Nếu người mẹ có các tình trạng sau đây thường dễ bị dọa đẻ non:
-
- Vấn đề về tử cung: Cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh, xơ tử cung, tiền sử khoét chóp cổ tử cung.
- Bị viêm nhiễm như viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu, viêm nha chu.
- Có tiền sử sinh non.
- Mẹ bầu mang thai khi quá trẻ hoặc quá lớn tuổi.
- Cân nặng trước khi mang thai < 35kg.
- Trong thai kỳ dinh dưỡng không đầy đủ, phải lao động nặng, làm việc trong môi trường độc hại,…
- Yếu tố xuất phát từ thai nhi: Trong suốt thai kỳ, nếu thai nhi gặp phải các trường hợp sau đây cũng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non:
-
- Đa thai.
- Đa ối.
- Thai thành công nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.
- Thai chậm tăng trưởng.
- Nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non.
- Thai có dị tật.
- Thai bị nhau tiền đạo, nhau bong non…
Chẩn đoán
Bên cạnh dựa trên việc hỏi bệnh sử, tiền sử khai thác các triệu chứng kể trên cũng như khám âm đạo tìm các các dấu hiệu của sinh non, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm để xác định chẩn đoán cũng như đánh giá tình trạng mẹ, thai và các phần phụ của thai:
- Xét nghiệm fetal Fibronectin (fFN): có trong dịch tiết cổ tử cung, âm đạo tìm thấy ở những thai phụ sinh non. fFN đóng vai trò như một chất kết dính sinh học giúp cho màng bào thai dính chặt vào tử cung. Khi fFN (+) có thể liên quan với tăng nguy cơ sinh non vì nó gợi ý rằng chất kết dính này đã tan rã trước thời hạn và báo động sự chuyển dạ có thể xảy ra.
- Đo chiều dài kênh cổ tử cung: được xem như là một yếu tố tiên lượng và chẩn đoán sinh non. Siêu âm ngã âm đạo đo chiều dài kênh cổ tử cung là một phương pháp dễ làm. Test này hữu ích nhất khi đánh giá những thai phụ có nguy cơ cao như tiền sử sinh non, bất thường ở cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung hoặc có làm các thủ thuật nong nạo trên cổ tử cung
- Định lượng hCG dịch cổ tử cung
- Monitoring sản khoa: cho phép theo dõi, đánh giá tần số, độ dài, cường độ cơn co tử cung và tim thai
- Siêu âm thai: đánh giá tình trạng thai nhi và các phần phụ của thai như bánh nhau, dây rốn, nước ối
- Một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân và tiên lượng : công thức máu, tổng phân tích sinh hóa máu, men gan…
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh tình trạng đẻ non, các bà mẹ hãy trang bị kiến thức cho mình từ trước khi mang thai:
- Chăm sóc thai kỳ chu đáo: hãy chăm sóc bản thân trước, giữa và trong quá trình mang thai bằng cách có thể tư vấn, hỏi bác sĩ về chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích như rượu bia và thuốc lá, khám thai theo định kỳ hoặc lịch hẹn của bác sĩ và siêu âm thai để giúp theo dõi tình hình của thai, phát hiện đa thai và sàng lọc trước khi sinh.
- Bổ sung progesterone: nếu người mẹ đã có tiền sử sinh non, cổ tử cung quá ngắn hoặc bao gồm cả yếu tố thì bổ sung progesterone để làm giảm khả năng đẻ non.
Điều trị như thế nào?
Nếu có dấu hiệu sinh non, mẹ nên chọn bệnh viện có chuyên khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non (NICU). Nếu bệnh viện nơi em bé được sinh ra không có NICU, sản phụ và em bé trong bụng nên được chuyển đến bệnh viện khác để được hỗ trợ tốt nhất.
Khi chuyển dạ, sản phụ có thể được dùng thuốc để ngừng các cơn co trong một thời gian. Điều này cho phép sản phụ được chuyển đến bệnh viện khác nếu cần thiết. Corticosteroid có thể được tiêm từ 12 – 24 giờ trước khi sinh để giúp phổi của em bé hoạt động hiệu quả hơn. Trẻ sinh non có thể ra đời rất nhanh qua đường âm đạo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định sinh mổ là an toàn nhất. Vì vậy trẻ sinh non nên sinh thường hay sinh mổ tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Đối với trẻ sơ sinh, 60 phút sau sinh và 28 ngày đầu tiên của cuộc đời rất quan trọng đối với sự sống còn của trẻ. Ngay khi rời khỏi bụng mẹ, trẻ sinh non cần được ủ ấm với khăn bọc, đội nón, túi nhựa giữ nhiệt và chuyển ngay sang giường sưởi ấm đặt sát giường sinh.
Tùy từng trường hợp, cần gắn ống thở CPAP không xâm lấn, giúp phổi bé không bị xẹp, hạn chế nhiễm trùng, không bị suy hô hấp. Các bác sĩ cũng làm một số xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là sàng lọc dị tật bẩm sinh, sàng lọc bệnh lý để loại trừ suy giáp bẩm sinh, tăng sản bẩm sinh, G6PD thấp, sàng lọc thính lực…
Sàng lọc tim bẩm sinh bằng những phương pháp đơn giản như đo oxy qua da hoặc các biện pháp chuyên sâu nếu có bất thường hoặc nghi ngờ bất thường. Những trường hợp bị tim bẩm sinh mức độ nặng có thể can thiệp từ rất sớm, giảm tối đa nguy cơ tử vong, tăng cơ hội sống khỏe mạnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.