Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh dị ứng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh dị ứng
Bệnh dị ứng là một tình trạng phổ biến và có rất nhiều dạng với rất nhiều triệu chứng khác nhau. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Bệnh dị ứng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tình trạng dị ứng được lý giải là những phản ứng của cơ thể thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch nhận ra có tác nhân gây hại đang xâm nhập. Những phản ứng này thường biểu hiện qua các dấu hiệu như nổi mề đay, tiêu chảy, phát ban,…
Dựa trên tính chất đặc trưng của từng dạng dị ứng, các bác sĩ phân chia bệnh thành các loại như sau:
- Dị ứng đường hô hấp: tình trạng này thường xuất phát do bệnh nhân bị dị ứng thời tiết (bao gồm tất cả các mùa trong năm), viêm mũi dị ứng, dị ứng với phấn hoa/bụi/nấm mốc/thú cưng.
- Dị ứng thức ăn: phát sinh do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch khi nhận nhầm một chất nào đó có trong thức ăn là tác nhân gây hại. Do đó, cơ thể điều tiết kháng thể nhằm chống lại các chất này. Một số dạng thường gặp ở bệnh nhân dị ứng thức ăn là dị ứng sữa, dị ứng trứng, dị ứng Casein, dị ứng lúa mì, dị ứng cá,…
- Dị ứng da: có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm da tiếp xúc, dị ứng với cây độc (thường xuân, sumac,…), mày đay, mỹ phẩm, vết cắn của côn trùng,…
- Dị ứng thuốc: một số bệnh nhân bị dị ứng với một trong những thành phần có trong thuốc. Một vài loại thuốc thường gây ra triệu chứng dị ứng cho bệnh nhân như Salicylate, Penicillin,…
Tình trạng dị ứng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh lý này có liên quan đến chức năng của một số bộ phận như hệ tiêu hóa, da, hệ hô hấp,…Tùy vào mức độ nặng – nhẹ của từng dạng dị ứng mà các triệu chứng có thể nghiêm trọng hoặc lành tính. Một số trường hợp không phát hiện bệnh hoặc điều trị dị ứng không kịp thời có thể gây đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Triệu chứng
Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể có thể phản ứng qua nhiều biểu hiện khác nhau. Một số phản ứng phổ biến:
- Triệu chứng ban đầu của dị ứng bao gồm tắc nghẽn mũi, cảm giác ngứa ở mũi và họng, tiết đờm, ho và khó thở do hít phải các chất gây dị ứng.
- Khi mắt tiếp xúc với chất gây dị ứng, người bệnh cảm thấy ngứa mắt, nước mắt chảy ra, đỏ và sưng vùng mắt.
- Nếu ăn phải thực phẩm gây dị ứng, người bệnh sẽ buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy hoặc thậm chí sốc phản vệ.
- Tiếp xúc với chất gây dị ứng qua da gây ra các phản ứng như phát ban, mề đay, ngứa, nổi mụn nước, hoặc bong tróc da.
- Dị ứng thuốc ảnh hưởng đến toàn thân và gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.
Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng dị ứng nào như đã nêu trên, hãy đến trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân dị ứng phổ biến là:
- Dị ứng thực phẩm
- Dị ứng côn trùng
- Dị ứng thuốc
- Viêm mũi dị ứng
- Viêm da dị ứng
- Ngoài ra, còn có một số các nguyên do do dị ứng với thời tiết, cơ địa, bội nhiễm,…
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai cũng đều có thể mắc chứng bệnh dị ứng. Có một vài yếu tố nguy cơ gây tăng khả năng mắc bệnh:
- Gia đình có người bị dị ứng hoặc hen suyễn. Nếu gia đình bạn có người bị những tình trạng trên, bạn sẽ có khả năng bị dị ứng.
- Trẻ em thường dễ bị dị ứng hơn người lớn, càng lớn các triệu chứng có thể giảm dần.
- Người đã mắc các bệnh như hen suyễn hoặc dị ứng. Việc đã từng mắc các bệnh này sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh dị ứng cao hơn.
Chẩn đoán
Xét nghiệm dị ứng có thể cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân của các triệu chứng dị ứng, bao gồm:
- Test lẩy da: Đây là một xét nghiệm đơn giản, thường chỉ mất 15-30 phút là có kết quả, chi phí tài chính thấp và điều quan trọng là an toàn và hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh dị ứng. Xét nghiệm lẩy da đánh giá những bệnh lý dị ứng nhanh qua trung gian IgE như mày đay cấp, sốc phản vệ, phù mạch, viêm mũi dị ứng, hen phế quản… Dị nguyên làm test lẩy da: một số dị nguyên được sản xuất và có sẵn như bọ nhà, một số loại nấm mốc, sữa, tôm, cua, cá, lông chó, lông mèo, phấn hoa…Chúng ta cũng có thể sử dụng thuốc hoặc thức ăn mà trong tiền sử khai thác có liên quan tới tình trạng dị ứng để làm test lẩy da. Xét nghiệm này có giá trị nếu âm tính vì giá trị xét nghiệm âm tính rất cao trên 95% tuy nhiên giá trị xét nghiệm dương tính khá thấp khoảng 50%.
- Test áp trên da: chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có các phản ứng dị ứng chậm như viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, hồng ban đa dạng. Độ nhạy: khoảng 50%.
- Test kích thích: Đây là xét nghiệm đưa dị nguyên nghi ngờ gây ra phản ứng dị ứng vào trong cơ thể, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa dị ứng với liều và thời gian giữa các liều được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân, phụ thuộc vào mức độ phản ứng khai thác được trong tiền sử của bệnh nhân. Xét nghiệm kích thích là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán một số bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, hen phế quản do thuốc…
- Xét nghiệm máu Định lượng IgE toàn phần góp phần định hướng nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng. Định lượng IgE đặc hiệu với từng loại dị nguyên có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tìm nguyên nhân dị ứng. Tuy nhiên, cũng giống như xét nghiệm lẩy da, giá trị xét nghiệm âm tính rất cao, có ý nghĩa trong việc chẩn đoán loại trừ dị ứng thức ăn, nhưng giá trị chẩn đoán dương tính lại thấp, độ nhạy thậm chí thấp hơn xét nghiệm lẩy da.
- Xét nghiệm ELISA – Total IgE:
Nguyên tắc thực hiện:
- Phương pháp ELISA: các giếng kháng thể được phủ kháng thể đa dòng anti-human IgE, được ủ với huyết thanh bệnh nhân, huyết thanh anti human gắn nhãn peroxidase, dung dịch phản ứng màu chromogen, đo quang ở 450 nm.
- Phương pháp này xác định tổng hàm lượng IgE, được xem như là xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán bệnh dị ứng.
Phòng ngừa bệnh
Biện pháp phòng ngừa dị ứng tại nhà:
- Để tránh dị ứng, cách tốt nhất nên giữ khoảng cách với những chất gây kích ứng. Ngoài ra, cần sử dụng thuốc kháng histamin hoặc các loại thuốc khác hàng ngày để kiểm soát triệu chứng.
- Nếu bạn dễ bị dị ứng với động vật, tránh việc vuốt ve, ôm, hoặc hôn. Hạn chế đặt chúng ở phòng ngủ và trên nội thất.
- Thường xuyên hút bụi thảm, làm sạch thảm và các bề mặt khác để loại bỏ bụi, lông động vật, phấn hoa,…
- Nên dùng máy lọc không khí trong nhà vì chúng giúp loại bỏ chất gây dị ứng khỏi không khí trong môi trường của bạn.
Điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào các triệu chứng dị ứng ở trên, người nhà bệnh nhân có thể tham khảo các cách để điều trị dị ứng cho người thân của mình như sau:
- Xác định nguyên nhân gây ra dị ứng và các triệu chứng.
- Tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
- Sử dụng thuốc chống dị ứng theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn như antihistamines hoặc corticosteroids.
- Học cách ứng phó với triệu chứng khi chúng xảy ra, bảo vệ cơ thể cẩn thận khỏi những tác nhân gây ra sự kích ứng ngược.
Khi triệu chứng không có dấu hiệu suy giảm hoặc phát sinh thêm triệu chứng khác, người bệnh cần nhập việc hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liệu pháp điều trị dị ứng kịp thời và phù hợp với cơ địa của bệnh nhân.