Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng đường hầm cổ tay là gì? Những điều cần biết về hội chứng đường hầm cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome – CTS) là một vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến bàn tay và cổ tay. Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh giữa (median nerve) bị chèn ép khi đi qua đường hầm cổ tay, dẫn đến đau đớn, tê liệt và yếu cơ. Hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, và các phương pháp điều trị hội chứng đường hầm cổ tay là rất quan trọng để quản lý hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các khía cạnh của hội chứng đường hầm cổ tay, từ triệu chứng đến điều trị.
Tổng quan chung
Hội chứng đường hầm cổ tay còn được biết đến với tên gọi hội chứng ống cổ tay hay hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Đây là hội chứng do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay gây ra khiến người bệnh đau và tê bì nhiều ngón tay hoặc bàn tay, đôi khi còn lan rộng lên cẳng tay và cánh tay.
Đường hầm cổ tay với bề rộng khoảng 2.5cm có chức năng bảo vệ dây thần kinh giữa, khi các bao hoạt dịch trong đường hầm cổ tay bị viêm vì nguyên nhân nào đó sẽ gây sưng nề và chèn ép dây thần kinh giữa, gây ra hội chứng đường hầm cổ tay.
Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng ống cổ tay
- Rối loạn cảm giác: tê, dị cảm, đau buốt như kim châm hoặc rát bỏng vùng da từ ống cổ tay đến ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón nhẫn, chủ yếu về đêm. Đôi lúc đau lan lên cẳng tay, cánh tay và vai.
- Rối loạn vận động: xuất hiện khi bệnh đã nặng. Biểu hiện mất gấp ngón cái ngón trỏ và ngón giữa, người bệnh không thực hiện được động tác đối chiếu ngón cái với các ngón khác, muộn hơn có thể thấy teo cơ mô cái.
Nguyên nhân
Đối tượng dễ mắc bệnh ống cổ tay là phụ nữ ở tuổi trung niên, phần lớn do nguyên nhân vô căn (chiếm 70%), số còn lại có thể do các nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh.
Nguyên nhân vô căn
Khoảng 70% các bệnh nhân mắc bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Có thế có hiện tượng viêm bao hoạt dịch, tăng áp lực khoảng gian bào trong ống cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa. Thực tế thấy các triệu chứng giảm đi khi dùng thuốc chống viêm đường uống hoặc tiêm vào ống cổ tay.
Các nguyên nhân ngoại sinh
- Biến dạng khớp và các chấn thương vùng cổ tay: Gãy đầu dưới xương quay, gãy xương cổ tay, khớp giả xương thuyền, bán trật xoay xương thuyền, trật xương nguyệt, viêm khớp cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa trong ống cổ tay
- Hemophilia, bệnh u tủy
- Các loại u: U tế bào khổng lồ xương và bao gân, u máu, nang hoạt dịch,… gây lấn chỗ ống cổ tay và dẫn đến chèn ép thần kinh giữa
Các nguyên nhân nội sinh
- Ứ dịch lúc mang thai: Trong thai kỳ, sự ứ đọng dịch làm tăng lượng dịch trong ống cổ tay, dẫn đến tăng áp lực kẽ trong ống cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa.
- Bệnh gout: Do sự lắng đọng tinh thể urat trong gân gấp gây phì đại gân, hoặc tình trạng viêm phì đại bao gân gấp do gout cũng gây ra chèn ép thần kinh giữa.
- Suy giáp: Nguyên nhân là do sự tích tụ Myxedemateous mô trong dây chằng cổ tay ngang.
- Viêm khớp dạng thấp: Gây ra viêm bao gân/màng hoạt dịch dẫn đến phù nề và ứ dịch trong bao gân gấp.
- Chạy thận nhân tạo định kỳ: Bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn có liên quan tới tăng ure máu.
Đối tượng nguy cơ
Những người có các hoạt động sử dụng cổ tay và ngón tay lặp đi lặp lại sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này. Ngoài ra, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này, như:
- Di truyền
- Mang thai
- Thận nhân tạo chu kỳ
- Biến dạng cổ tay và bàn tay
- Các bệnh về khớp, như viêm khớp dạng thấp hoặc gout
- Mất cân bằng hormone tuyến giáp (suy giáp)
- Bệnh tiểu đường
- Nghiện rượu
- Khối u trong ống cổ tay
- Người lớn tuổi
- Lắng đọng Amyloid
Chẩn đoán
Chẩn đoán hội chứng đường hầm cổ tay thường bao gồm một số phương pháp và xét nghiệm như sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng, hỏi về lịch sử bệnh và các hoạt động có thể gây ra triệu chứng.
- Xét nghiệm điện cơ: Xét nghiệm này đo lường hoạt động điện của cơ và dây thần kinh để xác định mức độ chèn ép lên dây thần kinh giữa.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm để kiểm tra đường hầm cổ tay và đánh giá sự chèn ép lên dây thần kinh giữa.
- Chụp X-quang: Được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau cổ tay và kiểm tra cấu trúc của cổ tay.
Phòng ngừa bệnh
Mặc dù không có cách nào để phòng chống hội chứng đường hầm cổ tay, tuy nhiên sau đây là những phương pháp giúp bạn phần nào hạn chế được nguy cơ mắc hội chứng này:
- Khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại như viết chữ, đánh máy quá lâu, bạn nên nghỉ giải lao một vài phút để tay được nghỉ ngơi
- Không nên làm các động tác gập tay, bẻ cổ tay quá mức, hãy để cổ tay thả lỏng một cách thoải mái và tự nhiên nhất.
- Duy trì tư thế đúng, đặc biệt tránh tình trạng vai đẩy về phía trước, cổ và cơ vai rụt lại gây chèn ép dây thần kinh ở cổ, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến cổ tay và ngón tay.
- Khám sức khỏe định kỳ và điều trị kịp thời các bệnh nền có thể gây ra hội chứng đường hầm cổ tay
- Ngay khi có cảm giác ngứa ran, đau hoặc tê ở ngón tay, hội chứng ống cổ tay là điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến.
Nắm được các thông tin như trên không chỉ giúp bạn nhận biết bệnh sớm, mà còn định hướng cho bạn tìm kiếm trợ giúp y khoa phù hợp; đồng thời, cần điều chỉnh các hoạt động hằng ngày để cải thiện những triệu chứng khó chịu này.
Điều trị như thế nào?
Điều trị hội chứng đường hầm cổ tay có thể bao gồm nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng:
- Điều trị không phẫu thuật: Bao gồm việc sử dụng nẹp cổ tay để giữ cổ tay ở vị trí trung lập, áp dụng chườm lạnh, và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc chống viêm.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chức năng của cổ tay.
- Thuốc: Corticosteroids có thể được tiêm để giảm viêm và chèn ép lên dây thần kinh giữa.
- Phẫu thuật: Khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không hiệu quả, phẫu thuật có thể được thực hiện để giải phóng sự chèn ép lên dây thần kinh giữa.
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm, hội chứng đường hầm cổ tay có thể gây biến chứng teo cơ, tàn phế do tổn thương dây thần kinh mạch máu… Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan với các triệu chứng ban đầu và cần đi khám đúng chuyên khoa để được can thiệp kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.