Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hạ đường huyết là gì? Những điều cần biết về hạ đường huyết
Hạ đường huyết là một trong những tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường hoặc những người có thói quen ăn uống không khoa học. Nhiều người cho rằng hiện tượng đường huyết hạ chỉ xảy ra khi cơ thể quá đói. Tuy nhiên, quan niệm này vẫn chưa đủ vì có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng tụt đường huyết. Thậm chí đây còn là dấu hiệu cảnh bảo nhiều vấn đề nghiêm trọng của cơ thể.
Hạ đường huyết là gì?
Cơ thể hấp thụ đường qua các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate như gạo, khoai tây, bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây và đồ ngọt. Carbohydrate vào cơ thể bị thủy phân thành các đường đơn (như glucose) và hấp thu vào máu đến các tế bào để sử dụng hoặc dự trữ. Tình trạng lượng đường glucose trong máu quá thấp (< 3,9 mmol/l hoặc 70mg/dl) được gọi là hạ đường huyết hoặc tụt đường huyết.
Thông thường, chứng hạ đường huyết không phổ biến ở người không mắc tiểu đường. Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) đang được điều trị bằng cách tiêm insulin hay uống một số thuốc điều trị đái tháo đường khác (như metformin hoặc thuốc nhóm sulfonylurea). Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh khác, do thiếu hormone hoặc có khối u trong cơ thể.
Triệu chứng
Không phải tất cả các trường trường hợp tụt đường huyết cũng có biểu hiện giống nhau. Một số trường hợp nồng độ Glucose trong máu thấp nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào.
Khi lượng đường trong máu quá thấp sẽ kích hoạt giải phóng Epinephrine (Adrenaline) gây nên những biểu hiện:
- Người bệnh cảm thấy mệt đột ngột, chóng mặt, đau đầu, lo âu, buồn nôn, chân tay nặng nề, da tái xanh, vã mồ hôi, tay run.
- Cảm giác bụng cồn cào, nóng rát vùng dạ dày hoặc lên cơn co thắt dạ dày, đau vùng thượng vị.
- Cảm giác đánh trống lồng ngực, mất bình tĩnh, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực.
- Mắt mờ, khó tập trung, nói lắp, nói cười vô cớ, sinh ảo giác. Nếu tình trạng này để lâu mà không có biện pháp can thiệp có thể dẫn đến hôn mê, co giật, liệt nửa người, tổn thương thần kinh, rối loạn cảm giác và vận động.
Thông thường, các triệu chứng này xảy ra khi lượng đường huyết dưới 3,9 mmol/l. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp lượng đường huyết dưới ngưỡng bình thường nhưng không gây ra triệu chứng. Trường hợp này gọi là tụt đường huyết không nhận biết. Tình trạng này thường gặp với những người bị tiểu đường kéo dài, nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân tụt đường huyết có thể là do:
Đối với người bệnh tiểu đường và đang điều trị bằng thuốc
- Quá liều Insulin: thường gặp ở người bị đái tháo đường tiêm insulin liều cao
- Ăn quá chậm sau tiêm insulin, ăn không đủ hoặc thiếu bữa phụ, bỏ bữa, ăn quá ít mà vẫn tiêm insulin.
- Uống thuốc quá liều, uống xa bữa ăn chính, không ăn nhưng vẫn dùng thuốc
- Tự động uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ
- Hoạt động thể lực quá sức gây mất năng lượng.
Đối với người bệnh không bị tiểu đường
- Bị bệnh suy gan nặng, suy gan kèm theo nhiễm trùng nặng
- Nhịn ăn trong thời gian dài sau phẫu thuật tiêu hóa
- Suy thượng thận, tuyến giáp
- Uống nhiều bia rượu dẫn tới mất cân bằng nội tiết
- Ngộ độc thuốc hạ đường huyết, ngộ độc rượu
- Hạ thân nhiệt, có u tiết insulinoma
- Tụt đường huyết do thai nghén.
- Không ăn đúng bữa, để bụng đói quá lâu
- Tập thể dục khi bụng đang đói
- Chế độ ăn hàng ngày không đủ lượng đường bột cần thiết
- Ăn kiêng không hợp lý.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ sau đây có khả năng dễ bị tụt đường huyết:
- Đang dùng thuốc trị tiểu đường, như là insulin và nhóm sulfonylureas.
- Nghiện rượu bia.
- Đang điều trị viêm gan hoặc bệnh thận.
- Có khối u làm tăng tiết insulin.
- Mắc các bệnh rối loạn nội tiết như suy giáp, suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận.
Chẩn đoán
Xét nghiệm đường máu mao mạch là biện pháp sàng lọc nhanh, xác định nồng độ glucose máu. Trường hợp nồng độ glucose máu thấp < 2,8 mmol/L (50 mg/dL), các loại máy đo đường máu mao mạch thường không thể phát hiện nên vẫn cần lấy mẫu máu tĩnh mạch làm xét nghiệm định lượng nồng độ glucose máu.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân gây hạ đường huyết như: nhiễm trùng/nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, rối loạn chức năng/suy thận, uống rượu, mang thai, suy nhược cơ thể, các bệnh lý nội tiết khác (bệnh Addison, suy giáp, cường giáp, suy tuyến yên), dùng quá liều insulin/thuốc uống hạ đường máu).
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa hạ đường huyết là điều rất quan trọng để tránh tái phát các cơn hạ đường huyết, các biện pháp có thể bao gồm:
- Trong việc điều trị bệnh đái tháo đường: Khi người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị đái tháo đường như tiêm insulin hay uống thuốc hạ đường huyết thì cần sử dụng đúng liều lượng và đúng thời điểm phù hợp với bữa ăn.
- Không được bỏ bữa: dù ăn ít hay nhiều cũng nên cung cấp đủ lượng carbohydrate cần thiết. Không nên bỏ bữa vì mong muốn giảm cân vì đây là biện pháp không an toàn.
- Hoạt động hàng ngày: Nếu như bạn hoạt động nhiều hơn hàng ngày hay tập thể dục nhiều hơn mức bình thường thì nên ăn nhẹ trước khi hoạt động.
- Có thể sử dụng máy để theo dõi glucose liên tục cho một một số người, đặc biệt là những người bị hạ đường huyết không nhận thức. Một CGM có một sợi dây nhỏ được luồn dưới da của người cần theo dõi và nó có thể gửi chỉ số đường huyết đến người nhận. Nếu lượng đường trong máu giảm quá thấp, một số loại máy theo dõi sẽ cảnh báo người bệnh người bệnh một báo động. Ngoài ra, với những bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc insulin có thể dùng loại bơm insulin được tích hợp với CGM và có thể ngừng cung cấp insulin khi nhận thấy lượng đường trong máu giảm quá nhanh để giúp ngăn ngừa hạ đường huyết.
- Người bệnh cần nhận biết được sớm các triệu chứng tụt đường huyết. Khi bị hạ đường huyết cần phải uống nước trái cây, nước đường hoặc ngậm kẹo để tránh nguy cơ mức đường trong máu xuống thấp đến mức gây ra nguy hiểm.
- Người bệnh cần tuân thủ thực hiện theo kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường mà bác sĩ đưa ra. Nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc điều trị mới hoặc liều điều trị mới hay thay đổi lịch ăn uống, tập luyện bộ môn thể thao mới thì cần chia sẻ với bác sĩ điều trị về những thay đổi này xem có ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường và kiểm soát được nguy cơ hạ đường huyết hay không.
- Đối với những người có các đợt hạ đường huyết tái phát, thì cần ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày. Đây là một biện pháp giúp ngăn chặn lượng đường trong máu của người bệnh xuống quá thấp gây nguy hiểm.
- Khám sức khỏe định kỳ hoặc tái khám khi hay bị tụt đường huyết tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp với các bệnh lý gây hạ đường huyết.
Điều trị như thế nào?
Với những tình huống hạ đường huyết trong bệnh viện, cần xử trí bằng cách:
- Ngừng các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin đang dùng
- Trường hợp hạ đường huyết nhẹ, bệnh nhân tỉnh táo: Hướng dẫn bệnh nhân ăn ngay một viên kẹo, hoặc miếng bánh ngọt, hoa quả có sẵn. Nếu không đỡ cần cho bệnh nhân uống một cốc nước ngọt, nước đường.
- Trường hợp hạ đường huyết nặng: Truyền đường glucose trong trường hợp hạ đường huyết nặng, ý thức không tỉnh táo, bệnh nhân không thể ăn, uống bằng đường miệng
- Tiêm tĩnh mạch 20 – 50ml glucose 30%, có thể nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh
- Tiếp theo truyền đường Glucose 5% (hoặc Glucose 10%) để duy trì đường huyết > 5.6 mmol/l
- Glucagon 1mg (tiêm bắp hoặc tiêm dưới da): chỉ định cho bệnh nhân hạ đường huyết nặng, không có khả năng ăn bằng đường miệng hoặc những bệnh nhân không thể đặt đường truyền tĩnh mạch ngay khi cấp cứu
- Bệnh nhân tỉnh: Cho uống hoặc ăn thêm bữa, kiểm tra đường huyết 4 giờ/ lần để tránh đường huyết quá cao
- Hôn mê kéo dài do cấp cứu muộn hoặc do biến chứng như phù não, tai biến mạch máu não
- Duy trì đường máu bằng glucose 10%
- Chống phù não.
Hạ đường huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu mức đường huyết quá thấp. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo sớm cần bổ sung đường ngay để tránh hạ đến mức nguy hiểm. Với những trường hợp người bệnh bị nặng gây ra lú lẫn, co giật, hôn mê thì cần sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.