Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng Stevens-Johnson là gì? Những điều cần biết về hội chứng Stevens-Johnson
Hội chứng Stevens-Johnson là một hội chứng đặc trưng bởi các thương tổn đa dạng ở da và niêm mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc, một số do nhiễm khuẩn, bệnh ác tính hoặc tự phát. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Hội chứng Stevens-Johnson qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hội chứng Steven-Johnson (Stevens-Johnson Syndrome, SJS) được hai bác sĩ người Mỹ là Albert Mason Stevens và Frank Chambliss Johnson mô tả lần đầu tiên vào năm 1922.
Đây là một dạng phản ứng dị ứng, thường là dị ứng với thuốc. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, gây nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất bệnh trong dân số chỉ 2/1.000.000 người, nhưng tỉ lệ tử vong lên tới 5-30%.
Bệnh thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi nam có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi nữ, tỉ lệ bệnh xuất hiện cao vào mùa hè và mùa xuân.
Triệu chứng
Bệnh xuất hiện các triệu chứng như:
- Toàn thân: Sốt, mệt mỏi, ho, viêm họng, đau khớp, nôn, ỉa chảy. Nặng có thể li bì, hôn mê.
- Thương tổn da: Là các ban đỏ sẫm màu, sau nổi mụn nước, bọng nước, có khi trợt hoại tử, xen kẽ các mảng da đỏ, sẩn phù, không ngứa. Vị trí ở tay chân, có tính chất đối xứng, có thể có thương tổn hình bia bắn không điển hình.
- Thương tổn niêm mạc: là biểu hiện đặc trưng của bệnh, tập trung chủ yếu ở các hốc tự nhiên, thường tổn thương từ 2 hốc trở lên:
- Viêm miệng: Biểu hiện mụn nước ở môi, lưỡi, vòm miệng hoặc xung quanh miệng, sau viêm nặng, trợt loét, tiết dịch, xuất huyết, đóng giả mạc, vảy tiết nâu đen. Người bệnh đau nhiều, ăn uống khó khăn.
- Mắt: Viêm kết mạc hai bên, viêm dính bờ mi, nặng hơn là loét giác mạc, có thể gây mù lòa.
- Mũi: Viêm mũi, xung huyết, chảy máu mũi.
- Sinh dục: viêm đỏ, trợt loét.
Mỗi người bệnh mắc hội chứng Stevens-Johnson có thể cho ra các biểu hiện khác nhau. Phần da tổn thương có thể liền lại sau vài tuần, nhưng quá trình hồi phục có thể mất vài tháng nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng. Một số phản ứng lâu dài có thể phát triển, bao gồm:
- Da: khô, ngứa, thay đổi màu da.
- Mắt: sưng và / hoặc khô mạn tính, kích ứng mạn tính, khó nhìn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng).
- Đổ quá nhiều mồ hôi.
- Tổn thương phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn.
- Mất hoặc biến dạng móng.
- Rụng tóc (rụng tóc).
- Khô màng nhầy, có thể gây ra vấn đề khi đi tiểu.
- Hội chứng mệt mỏi mạn tính.
- Gặp vấn đề với vị giác
Nguyên nhân
Cơ chế bệnh sinh hội chứng Stevens-Johnson gồm nhiều căn nguyên, trong đó:
- Nguyên nhân thường gặp là do phản ứng dị ứng với thuốc. Một số thuốc có nguy cơ gây bệnh cao, gồm:
- Một số kháng sinh như Penicillin, Cotrimoxazol, kháng sinh nhóm Sulfamid (Sulfasalazin, sulfonamid). Các kháng sinh Amoxicillin, nhóm Cephalosporin, nhóm Quinolon thì xác suất gây bệnh ít hơn.
- Các thuốc chống động kinh, co giật: Carbamazepin, Phenytoin, Phenobarbital
- Thuốc điều trị gout: Allopurinol
- Thuốc giảm đau Paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm non steroid (NSAIDS) như Ibuprofen, Naproxen, meloxicam,…
- Do nhiễm các virus như:
- Virus Herpes ( herpes simple hoặc herpes zoster)
- Virus HIV
- Virus viêm gan A
- Do các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn răng miệng.
- Do mắc các bệnh ký sinh trùng, sốt rét, trùng roi, nhiễm nấm, các bệnh về miễn dịch như lupus ban đỏ.
- Rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai hoặc rối loạn kinh nguyệt cũng là một căn nguyên của bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Đây là một bệnh hiếm gặp, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Người mắc virus HIV sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 100 lần so với người bình thường.
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng Stevens Johnson. Hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng khi cấy ghép nội tạng, bị các bệnh tự miễn hoặc mắc bệnh HIV/AIDS.
- Mắc các bệnh nhiễm trùng do virus: nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao nếu mắc bệnh do virus như herpes, viêm phổi do virus, viêm gan, HIV
- Đã có tiền sử mắc hội chứng Stevens-Johnson hoặc gia đình có người từng mắc hội chứng Stevens-Johnson. Nếu bản thân đã từng dị ứng với một loại thuốc nào đó, khi dùng lại loại thuốc đó sẽ có nguy cơ tái phát bệnh. Nếu trong gia đình đã có người từng mắc Hội chứng Stevens-Johnson thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Nếu bản thân có mang gen HLA-B 1502, sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Stevens-Johnson nhiều hơn, đặc biệt nếu đang thường xuyên sử dụng các thuốc điều trị bệnh thần kinh, co giật.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán hội chứng Stevens-Johnson có thể thông qua các cách sau:
- Xem xét vùng da và niêm mạc bị ảnh hưởng (có sự xuất hiện của ít nhất hai vết loét tại các vùng da xung quanh các lỗ tự nhiên).
- Theo mức độ đau của người bệnh
- Mức độ tổn thương da
- Sinh thiết da
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để xem xét tình trạng nhiễm trùng hay dị ứng ở người bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Hội chứng Stevens-Johnson không thể phòng ngừa bởi nguyên nhân chủ yếu đến từ thuốc uống. Cách phòng ngừa tốt nhất là không nên sử dụng loại thuốc đã từng gây ra tình trạng dị ứng. Bởi nếu uống lại thuốc đó lần 2 thì nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng lột da, diễn tiến sẽ nặng nề hơn so với lần dị ứng đầu, thậm chí đối diện nguy cơ tử vong.
Người bệnh sau khi điều trị khỏi bệnh Stevens-Johnson, cần lưu ý giữ sạch vùng da nổi bóng nước. Làm sạch bằng povidine hoặc xanh methylen nếu nốt bóng nước còn hở. Nếu nốt bóng nước đã đóng mài thì chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ. Ưu tiên ăn uống nhóm thực phẩm tăng sức đề kháng để cơ thể mau hồi phục.
Hội chứng Stevens-Johnson điều trị như thế nào?
Điều trị hội chứng Stevens-Johnson bao gồm:
- Ngừng ngay việc uống loại thuốc đã gây ra tình trạng dị ứng
- Thay thế chất điện giải bằng dịch truyền tĩnh mạch (IV)
- Sử dụng băng gạc không dính trên vùng da bị tổn thương
- Sử dụng thực phẩm có hàm lượng calo cao, tăng sức đề kháng để thúc đẩy quá trình chữa lành bệnh
- Sử dụng kháng sinh, kháng histamin khi cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Dùng thuốc giảm đau
- Điều trị tại bệnh viện/ phòng chăm sóc đặc biệt/ phòng bỏng
- Đội ngũ bác sĩ tham gia điều trị có thể bao gồm bác sĩ da liễu, bác sĩ hồi sức tích cực, bác sĩ mắt (trường hợp tổn thương ở mắt).
- Trong một số trường hợp, điều trị bằng immunoglobulin IV, cyclosporin, steroid IV hoặc ghép màng ối (cho mắt).
Trên đây là một số chia sẻ về Hội chứng Stevens-Johnson là gì? Hy vọng bài viết sẽ giúp cho bạn và gia đình nắm vững cách phòng ngừa và quản lý hội chứng Stevens-Johnson, bao gồm việc tránh sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây bệnh.