Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Xuất huyết tử cung bất thường là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Xuất huyết tử cung ở phụ nữ thường chỉ xảy ra khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, có thể vì một rối loạn phụ khoa nào đó mà tình trạng xuất huyết trở nên khác thường so với mọi lần. Bệnh có thể liên quan đến bệnh viêm nhiễm, u xơ tử cung, polyp lòng tử cung, rối loạn nội tiết,… Cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Xuất huyết tử cung là tình trạng ra huyết âm đạo hoặc máu chảy ra từ tử cung mỗi khi chị em tới kỳ kinh nguyệt.
Xuất huyết tử cung bất thường (Abnormal Uterine Bleeding – AUB) là một thuật ngữ mô tả tình trạng bất thường của chu kỳ kinh về thời điểm ra kinh, thời gian hành kinh, số lượng máu mất khi hành kinh… Đây là nguyên nhân phụ khoa thường gặp nhất, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đến khám bệnh.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên máu kinh ra ở lần hành kinh này cho đến ngày đầu tiên máu kinh xuất hiện ở lần hành kinh tiếp theo. Chu kỳ sẽ kéo dài trong khoảng từ 21 đến 35 ngày, kỳ hành kinh xảy ra từ 3 đến 8 ngày, những ngày đầu tiên máu thường ra nhiều, sau đó giảm từ từ và sạch máu kinh. Nếu chu kỳ ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, hoặc không hành kinh trong khoảng 3 đến 6 tháng (được gọi là vô kinh) đều là sự bất thường.
Triệu chứng bệnh
Sau đây là một số thời điểm và triệu chứng của việc cổ tử cung xuất huyết bất thường:
- Máu chảy kiểu nhỏ giọt, lượng ra ít vào bất cứ thời điểm nào của kỳ hành kinh.
- Máu chảy theo lượng khá nhiều (còn gọi là cường kinh).
- Máu kinh ra kéo dài hơn 8 ngày so với kỳ hành kinh bất thường (còn gọi là rong kinh).
- Xuất huyết ở độ tuổi dậy thì hoặc quanh giai đoạn mãn kinh và sau mãn kinh.
- Xuất huyết xuất hiện ở giữa chu kỳ kinh hoặc không có sự liên quan đến chu kỳ kinh.
- Xuất huyết sau khi sinh được khoảng 6 đến 12 tuần, sau khi mổ lấy thai hoặc sau khi nạo hút thai,…
- Xuất huyết sau khi quan hệ tình dục.
- Xuất huyết xuất hiện sau khi sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc nội tiết.
Ngoài ra, bạn có thể nhận biết các dấu hiệu của bệnh lý thông qua các triệu chứng đi kèm ban đầu như rối loạn kinh nguyệt (kinh kéo dài, lượng nhiều, ra kinh không đúng ngày dự kiến, chảy máu sau giao hợp…), rối loạn tiểu tiện, đau tức vùng hạ vị…
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tử cung bất thường, các nguyên nhân này được hệ thống hóa lại nằm trong các chữ cái viết tắt tên các nguyên nhân và nhóm các nguyên nhân (PALM & COEIN).
Hệ thống phân loại nguyên nhân theo PALM & COEIN được Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (FIGO) mô tả từ năm 2011, bao gồm:
- Polyp lòng tử cung
- Bệnh cơ tuyến tử cung hay bệnh lý lạc tuyến nội mạc tử cung vào cơ tử cung
- U xơ tử cung
- Các bướu ác tính tử cung
- Bệnh lý đông cầm máu
- Rối loạn phóng noãn
- Lạc nội mạc cổ tử cung
- Chảy máu do các điều trị khác gây ra
- Bệnh lý chưa xác định rõ
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có khả năng mắc xuất huyết tử cung bất thường phổ biến như:
- Tuổi: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ khoảng 30 đến 50 tuổi) có nguy cơ cao hơn so với những phụ nữ ở độ tuổi khác.
- Yếu tố gen: Có một yếu tố gen có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, nếu trong gia đình có người mắc bệnh.
- Sử dụng thuốc chống thai hoặc thuốc thay thế hormone: Sử dụng lâu dài các loại thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết tử cung.
- Tiền sử về xuất huyết tử cung: Nếu bạn đã từng mắc bệnh này, có thể tăng nguy cơ tái phát.
- Xơ tử cung: Bất kỳ sự phát triển xơ tử cung nào, đặc biệt là các khối u lớn hoặc nhiều, có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tử cung.
- Béo phì: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật trên tử cung: Các biến cố như này có thể gây ra xuất huyết tử cung.
- Rối loạn đông máu: Những người có rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc ức chế đông máu cũng có nguy cơ cao hơn.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tử cung, bao gồm xuất huyết tử cung.
Chẩn đoán
Thông thường, khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng lâm sàng về chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Do đó, bạn nên ghi lại chi tiết về chu kỳ kinh trước khi gặp bác sĩ như ngày bắt đầu có kinh, thời gian kéo dài mỗi chu kỳ, lượng kinh như thế nào (ít, bình thường, nhiều hay nhỏ giọt…), có kèm triệu chứng đau bụng nhiều hay không…
Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết nư:
- Xét nghiệm máu đánh giá loại trừ có thai, đánh giá có thiếu máu không và mức độ thiếu máu; có rối loạn nội tiết không; có rối loạn đông máu, rối loạn chức năng gan thận không…
- Siêu âm vùng chậu, siêu âm bơm dịch vào buồng tử cung.
- Chụp MRI hoặc CT scan vùng bụng chậu.
- Nội soi buồng tử cung.
- Hút sinh thiết nội mạc tử cung.
Phòng ngừa bệnh
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng xuất huyết tử cung bất thường mà bạn có thể tham khảo:
- Không tự ý hoặc lạm dụng uống thuốc nội tiết mà không có ý kiến bác sĩ phụ khoa.
- Vệ sinh hàng ngày, luôn giữ vùng kín sạch và khô.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, chất sắt… theo chỉ định của bác sĩ và thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.
- Thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường để được xác định chính xác nguyên nhân, có phương án điều trị kịp thời và hiệu quả.
- Tuân thủ đúng những chỉ định và khuyến cáo của bác sĩ khi điều trị để quá trình hồi phục bệnh nhanh chóng.
Điều trị xuất huyết tử cung bất thường như thế nào?
Sử dụng thuốc
Các thuốc điều trị được sử dụng có thể bao gồm những tác dụng sau đây:
- Ngừa thai bằng nội tiết tố, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
- Ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt và giảm kích thước của u xơ tử cung.
- Điều trị tình trạng chảy máu vùng kín nặng.
- Chống viêm, kiểm soát tình trạng chảy máu, giảm đau bụng kinh.
- Điều trị nhiễm trùng nếu có.
- Nếu bị rối loạn chảy máu, có thể bao gồm thuốc giúp đông máu.
Phẫu thuật
Những phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị xuất huyết tử cung bất thường gồm có:
- Loại bỏ lớp niêm mạc tử cung: Giúp chấm dứt tình trạng chảy máu hoặc giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, khả năng mang thai cũng không còn sau khi thực hiện. Biến chứng nghiêm trọng để lại bao gồm cả xuất huyết dữ dội, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Nếu thực hiện phẫu thuật này, tốt nhất là nên sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn đến sau khi mãn kinh.
- Làm thuyên tắc động mạch tử cung: Được sử dụng để điều trị u xơ tử cung. Phẫu thuật này giúp chặn các mạch máu đến tử cung, từ đó hạn chế nguồn cung cấp máu đến khối u xơ. Một phương pháp điều trị khác không ảnh hưởng đến tử cung, đó là phẫu thuật loại bỏ u xơ.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Sử dụng khi tất cả các phương pháp điều trị khác đã thất bại. Cắt tử cung cũng là phẫu thuật để điều trị ung thư nội mạc tử cung. Sau khi tử cung được loại bỏ, người phụ nữ sẽ không thể có kinh nguyệt nữa, đồng thời cũng không còn khả năng mang thai.
Khi thấy có dấu hiệu xuất huyết tử cung nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh chính xác nhất, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, tránh các biến chứng về sức khỏe sinh sản có thể ảnh hưởng tới thiên chức làm mẹ của phụ nữ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.