Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Lao hệ tiết niệu-sinh dục là gì? Những điều cần biết về lao hệ tiết niệu-sinh dục
Lao hệ tiết niệu – sinh dục hay gọi tắt là lao niệu sinh dục là bệnh lao ngoài phổi. Vi khuẩn gây bệnh lao niệu sinh dục chính là vi khuẩn từ tổn thương sơ nhiễm gây lao phổi; chúng đi theo đường máu và đường bạch huyết làm tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu về những điều cần biết về lao hệ tiết niệu-sinh dục qua bài viết này.
Tổng quan chung
Lao đường tiết niệu sinh dục (còn gọi là lao niệu sinh dục) là bệnh của hệ thống tiết niệu sinh dục, bao gồm đường tiết niệu và hệ thống sinh sản do vi khuẩn Lao gây ra. Đây là dạng nhiễm trùng lao ngoài phổi. Bệnh lao đường tiết niệu sinh dục chiếm khoảng 15% tất cả các trường hợp lao ngoài phổi.
Lao hệ tiết niệu sinh dục có thể gây ra một số biến chứng như:
- Hẹp đường niệu
- Tắc nghẽn đường niệu
- Bội nhiễm vi khuẩn thông thường
- Áp xe hóa
- Hang lao
- Bệnh thận tăng huyết áp
- Sẹo của nhu mô thận, mất chức năng thận, và, cuối cùng, giai đoạn cuối bệnh thận
- Hẹp và tắc nghẽn ống dẫn xuất tinh hoặc ống dẫn tinh có thể gây vô sinh do vô tinh và tương tự như vậy, bệnh lao tại ống dẫn trứng hoặc nội mạc tử cung có thể dẫn đến vô sinh, phổ biến ở các nước đang phát triển.
Triệu chứng
Triệu chứng toàn thân: Sốt vừa và nhẹ về chiều và tối, sốt âm ỉ, kéo dài, mệt mỏi, ăn ngủ kém, gầy sút cân, da xanh, niêm mạc nhợt biểu hiện của thiếu máu do mất nhiều máu, huyết áp thường tăng cao.
Triệu chứng cơ năng:
- Rối loạn bài tiết nước tiểu: Biểu hiện bằng những triệu chứng của viêm bàng quang như đái rắt, nhất là về đêm, đái buốt cuối bãi (60-70%). Những triệu chứng này có khi rầm rộ, có khi không rõ rệt. Bệnh diễn biến từng đợt, thường giảm rồi lại xuất hiện trở lại nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay ít gặp triệu chứng của viêm bàng quang dạng cấp tính mà thường là viêm bàng quang thể nhẹ với những triệu chứng kéo dài hay từng đợt dễ nhầm với viêm bàng quang do vi khuẩn đường ruột, nhất là ở nữ giới.
- Đái ra máu: Là dấu hiệu thường gặp ( đứng thứ 2 sau sỏi thận ), đái ra máu nhưng không đau, tái đi tái lại, hay gặp đái ra máu toàn bãi. Có thể chỉ đái ra máu vi thể, chỉ xác định được bằng xét nghiệm nước tiểu. Giai đoạn đầu của lao thận gặp đái ra máu nhiều hơn ở giai đoạn sau.
- Đái ra mủ: Bệnh nhân có thể đái ra mủ. Cần lấy mủ cấy tìm vi khuẩn ngoài lao khi đó sẽ âm tính.
- Đau vùng thắt lưng: Bệnh nhân có cảm giác nặng hoặc đau tức vùng thắt lưng, đôi khi có cơn đau quặn thận do tổn thương gây chít hẹp đường bài tiết nước tiểu, hoặc mảng bã đậu chuyển theo hướng bài tiết nước tiểu gây tắc, gây co thắt niệu quản. Đau ít gặp trong lao thận đơn thuần, thường gặp trong lao thận có kết hợp với lao niệu quản.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của lao hệ tiết niệu sinh dục là do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng nguy cơ bệnh Lao hệ tiết niệu sinh dục:
- Người mắc bệnh Lao phổi: Những người đã từng mắc hoặc đang mắc bệnh Lao phổi có nguy cơ cao bị bệnh Lao lan sang hệ tiết niệu sinh dục qua máu và bệnh lý bán tổ chức.
- Người sống chung với người mắc bệnh Lao: Đây là một nguyên nhân phổ biến khi mà bệnh Lao có thể lây nhiễm qua đường hô hấp từ người bệnh Lao phổi sang người khác trong cùng một gia đình hoặc cộng đồng.
- Hệ thống miễn dịch suy giảm: HIV, tiểu đường, và suy dinh dưỡng…
- Những người sử dụng thuốc lá, rượu có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm lao và bệnh lao.
- Các yếu tố môi trường: không gian chật hẹp, thông khí không đầy đủ, tái lưu thông không khí có chứa các hạt khí dung chứa vi khuẩn lao.
Chẩn đoán
Chẩn đoán Lao tiết niệu sinh dục
- Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
- Việc chẩn đoán sớm lao tiết niệu – sinh dục thường khó, dễ nhầm với các bệnh khác của hệ tiết niệu – sinh dục không do lao.
- Xét nghiệm nước tiểu tìm AFB;Chụp X quang hệ tiết niệu – sinh dục, soi bàng quang.
- Những xét nghiệm tìm tổn thương lao sinh dục: Chụp tinh hoàn; Chọc dò và sinh thiết mào tinh hoàn, tinh hoàn tìm tổn thương lao đặc hiệu; Chọc hút dịch màng tinh hoàn Xét nghiệm tế bào, tìm vi khuẩn lao; Chụp cản quang vòi trứng, tử cung; Sinh thiết niêm mạc tử cung, cổ tử cung để tìm tổn thương lao đặc hiệu.
Phòng ngừa bệnh
Thực tế, lao dễ lây giữ những người sống chung hoặc làm việc chung hơn là người lạ, nên bạn cần phải có ý thức cao về bệnh này và tầm soát nguy cơ mắc bệnh trong gia đình.
Không nên đến vùng hoặc nơi đang có dịch bệnh hoặc có nhiều vi khuẩn lao.
Nên dùng đồ bảo hộ như khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân lao.
Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh lao niệu sinh dục.
Điều trị lao cho người mắc bệnh và những người xung quanh cũng cần được làm xét nghiệm kiểm tra.
Điều trị như thế nào?
Các biện pháp điều trị bệnh Lao hệ tiết niệu sinh dục
Phác đồ điều trị lao sinh dục gồm 2 thành phần:
Điều trị bằng thuốc
Lao hệ tiết niệu sinh dục đáp ứng tốt với liệu trình điều trị ngắn hơn so với lao phổi vì lao hệ tiết niệu sinh dục có số lượng trực khuẩn lao thấp. Các thuốc điều trị được chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ. Mục tiêu chính của điều trị là bảo vệ nhu mô thận và chức năng thận, tránh lây lan ra cộng đồng, và để quản lý các bệnh kèm theo.
Điều trị phẫu thuật
Mặc dù sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu trong điều trị lao niệu dục, tuy nhiên một số trường hợp phải can thiệp phẫu thuật trong quá trình điều trị lao hệ tiết niệu sinh dục. Nói chung, cần điều trị thuốc từ 4 – 6 tuần trước khi can thiệp ngoại khoa. Trong một nghiên cứu châu Âu gần đây, tần suất can thiệp phẫu thuật trong lao hệ tiết niệu sinh dục trong 20 năm qua là 0,5% trong tổng số phẫu thuật tiết niệu. Chỉ định cho các trường hợp như:
- Thận ứ nước (Hydronephrosis)
- Suy thận do tắc nghẽn đường niệu tiến triển
- Thận giảm hoặc mất chức năng
- Hẹp của ống dẫn trứng hoặc ống dẫn tinh gây ra vô sinh
- Đau dai dẳng
- Chảy máu tử cung tái phát
- Tái phát của bệnh lao nội mạc tử cung
- Bằng các phương pháp phẫu thuật như:
- Cắt thận bán phần hoặc toàn bộ
- Cắt bỏ mào tinh hoặc ống dẫn trứng (Salpingectomy)
- Phẫu thuật tái tạo
- Nong niệu quản hoặc niệu đạo
- Stent niệu quản (jj)
- Phẫu thuật tăng dung tích bàng quang (Augmentation cystoplasty)
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về lao hệ tiết niệu-sinh dục. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.