Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Liệt mặt là gì? Những điều cần biết về liệt mặt
Liệt mặt không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì thế, người dân cần chủ động tìm hiểu để có biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về liệt mặt.
Tổng quan chung
Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt. Liệt mặt được chia thành:
Liệt mặt kiểu trung ương (CN VII-Central lesion)
Liệt mặt kiểu ngoại biên (CN VII-Peripheral lesion)
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là bệnh thường gặp do tình trạng mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt dẫn đến thiếu máu cục bộ, phù nề, chèn ép vào dây thần kinh trong ống fallop. 80% trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên đều có nguyên nhân chủ yếu do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh. Tuy nhiên, liệt dây thần kinh số VII cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý sọ não khác (chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, u dây thần kinh…) nên khi có triệu chứng này người bệnh nên đến khám ở các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa thần kinh và phương tiện chụp để loại trừ những nguyên nhân thực thể.
Triệu chứng
Các dây thần kinh mặt có chức năng chi phối vận động các cơ vùng hàm mặt, các cơ bên trong tuyến lệ, tuyến dưới hàm, kiểm soát một phần cảm giác ở tai và vị giác của ⅔ phía trước lưỡi. Do đó nếu bệnh nhân bị liệt thần kinh mặt thì các dây thần kinh trên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bộc lộ qua các triệu chứng sau:
- Chảy nước dãi và dường như không khép được miệng, khó mỉm cười;
- Khô mắt do suy giảm hoạt động tuyến kệ, khó nhắm mắt, nháy mắt hoặc bị sụp mí mắt;
- Đau thái dương, quanh tai, góc hàm, xương chũm;
- Vị giác thay đổi;
- Rối loạn về lời nói và khả năng nhai nuốt;
- Nhạy cảm với âm thanh;
- Nếu nguyên nhân gây liệt thần kinh mặt là do nhiễm virus Zoster hoặc Herpes simplex thì bệnh nhân còn xuất hiện cơn đau dữ dội, sau đó là hình thành mụn nước và phát triển thành hội chứng Ramsay-Hunt. Rối loạn chức năng tiền đình – ốc tai là nguyên nhân chính gây nên hội chứng này với các đặc điểm điển hình như mọc mụn nước trong lưỡi hoặc vòm miệng.
Liệt thần kinh mặt có thể để lại những di chứng lâu dài như:
- Cơ mặt co cứng, yếu cơ mặt kéo dài
- Giảm tiết nước mắt
- Rối loạn vận động
- Chảy nước mắt cá sấu
- Đặc biệt tác động không nhỏ đến thẩm mỹ trên gương mặt và gây nên tâm lý tự ti cho người bệnh.
Tuy bệnh có cơ hội điều trị khỏi trong vòng 6 tháng nhưng nguy cơ di chứng là rất lớn nếu bệnh không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Nguyên nhân
Căn nguyên của bệnh liệt mặt hiện vẫn chưa được xác định cụ thể, song thiếu máu cục bộ mạch máu, mắc bệnh tự miễn hoặc nhiễm virus, đặc biệt là nhóm virus herpes tiềm ẩn (herpes simplex, herpes zoster) được coi là nguyên nhân phổ biến.
Các virus có liên quan đến bệnh liệt Bell bao gồm các virus gây ra:
- Mụn rộp và mụn rộp sinh dục (herpes simplex)
- Bệnh thủy đậu và bệnh zona (herpes zoster)
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Epstein-Barr)
- Nhiễm trùng cytomegalovirus
- Bệnh đường hô hấp (adenovirus)
- Bệnh sởi Đức (rubella)
- Quai bị (virus quai bị)
- Cúm (cúm B)
- Bệnh tay chân miệng (coxsackievirus)
Bệnh cạnh đó, di truyền, nhổ răng cũng được coi là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh liệt mặt. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như:
- Bệnh tiểu đường
- Song phương Bell’s palsy
- Borreliosis
- Nhiễm mycoplasma pneumoniae
- Hội chứng Guillain-Barre
- Hội chứng Miller-Fisher
- Sarcoidosis
- Hội chứng Moebius
- Bệnh bạch cầu
- Gãy xương nền sọ
- Pontine gliomas
- Bệnh phong
- Tăng bạch cầu đơn nhân
- Thai kỳ
- Viêm não thân não
- Bệnh Hansen
- Viêm màng não do Cryptococcus
- Pontine tegmental xuất huyết
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Teo cơ cột sống
Đối tượng nguy cơ
Bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại vi gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và không lây lan.
Những người dễ mắc bệnh là:
- Những người có thể trạng yếu
- Ít tập luyện thể dục
- Những người hay sử dụng rượu bia, đi sớm về khuya.
- Ngoài ra những người có tiền sử huyết áp cao, xơ vữa động mạch, hay thức khuya cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán
Với bệnh liệt dây thần kinh số VII, cách chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về trường hợp liệt mặt của người bệnh, xác định khu tổn thương giúp chẩn đoán và xác định được vị trí tổn thương thông qua cách xuất hiện tình trạng liệt mặt, các triệu chứng đi kèm như chảy tai, chấn thương, rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt…
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua lâm sàng bằng cách:
- Xác định tình trạng liệt mặt ngoại biên với các dấu hiệu đặc trưng của tổn thương như dấu hiệu Charles bell, người bệnh không thể nhắm kín mắt
- Ở trạng thái nghỉ, mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch về bên lành, nếp nhăn trán bị xóa so với bên đối diện, cung mày bị rũ xuống, mép bên liệt bị hạ thấp so với bên kia, má nhẽo và phồng lên khi thở ra
- Đối với các tổn thương kín, bác sĩ có thể thấy được nhờ dấu hiệu khi nhắm chặt mi mắt, lông mi bên liệt dài hơn bên lành
Nhìn chung để chẩn đoán chính xác tình trạng liệt dây thần kinh số VII, bác sĩ điều trị cần dựa vào các yếu tố trương lực cơ khi nghỉ, nghiên cứu nhóm cơ ở mặt và thực hiện các thăm khám khác như:
- Khám tai: Tìm các nốt phỏng vùng cửa tai, chảy tai và tình trạng màng nhĩ cho phép hướng chẩn đoán nguyên nhân.
- Khám họng và cổ: Sờ cổ mặt và khám họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
- Khám thần kinh: Tìm các tổn thương dây thần kinh sọ phối hợp khác.
Bệnh nhân có dấu hiệu liệt dây thần kinh số VII ngoài được chẩn đoán lâm sàng, còn được thực hiện các cận lâm sàng, xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân gây bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não có mạch máu não để xác định tổn thương tại trung ương hay ngoại biên
- Ghi chẩn đoán điện: phản xạ Blink test và ghi dẫn truyền vận động dây thần kinh VII
- Các xét nghiệm khác: Công thức máu, Đường máu, Máu lắng, Sinh hóa…
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa liệt mặt có thể áp dụng như:
- Thường xuyên tập thể dục
- Hạn chế sử dụng rượu bia
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
Điều trị như thế nào?
Các trường hợp liệt nhẹ có thể hồi phục trong vòng 2 – 6 tuần hoặc nhanh hơn, các trường hợp nặng thời gian phục hồi chậm hơn, đôi khi để lại di chứng.
Hiện nay có nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị liệt dây thần kinh VII, bao gồm cả nội khoa và ngoại khoa. Căn cứ vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ chuyên môn sẽ tư vấn và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
- Điều trị nội khoa
Để đạt hiệu quả tối đa trong điều trị và phục hồi chức năng liệt dây thần kinh số VII cần phối hợp sử dụng các nhóm thuốc và kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc.
- Dùng thuốc: các loại thuốc được sử dụng thuộc nhóm kháng viêm, giãn mạch và các vitamin nhóm B. Điều trị muộn có thể dẫn đến thoái hóa dây thần kinh làm khó phục hồi.
- Các biện pháp không dùng thuốc
- Các biện pháp y học cổ truyền: điện, châm cứu, bấm huyệt. Cần tránh kích thích quá mức có thể gây co cứng cơ mặt.
- Biện pháp vật lý trị liệu: điện di nivalin, hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung dòng xung kích thích, xoa bóp.
- Điều trị ngoại khoa
Nhiều trường hợp bác sĩ cần phải phẫu thuật để loại trừ nguyên nhân như mổ u não, áp – xe não, loại khối máu tụ hoặc mổ để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép trong ống dây thần kinh ở xương đá như viêm tai xương chũm.