Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Loét miệng là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng và lưỡi. Tổn thương viêm loét niêm mạc miệng có thể có mủ hoặc không có mủ. Bệnh gây đau đớn và khó khăn cho bệnh nhân khi ăn uống, nói năng. Vậy loét miệng là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Theo giới y khoa loét miệng, nhiệt miệng, chuyên môn gọi là loét áp-tơ miệng (aphthae, canker sores) là vết loét tròn hoặc bầu dục tái phát trong miệng, da mặt trong môi, má hoặc bên dưới lưỡi… và là căn bệnh không lây truyền. Vị trí thường thấy ở phần niêm mạc phía trong của miệng, khoảng 20 – 40% dân số bị loét áp tơ ít nhất một lần trong đời, nhiều người có thể bị tái phát rất nhiều đợt. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở tuổi thanh thiếu niên và ít gặp hơn ở người lớn tuổi.
Loét miệng cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục ở cả nam lẫn nữ. Đến nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa hiểu hết, mới chỉ tình nghi đến môi trường, chế độ dinh dưỡng, môi chất gây nhiễm trùng, độc tố trong chế độ ăn, ký sinh trùng hoặc do thiếu hụt dinh dưỡng… nên điều trị chỉ là tình thế. Chủ yếu là giảm triệu chứng, giảm số lượng và kích thước của loét, giảm đau và giảm tái phát.
Loét miệng còn gây khó khăn trong việc hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn hay còn gọi là chứng kém hấp thụ. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như đánh răng quá mạnh, tai nạn cắn vào má trong miệng; sử dụng thức ăn nhạy cảm; thiếu hụt lượng vitamin B12, kẽm hoặc sắt; phản ứng dị ứng với một số vi khuẩn trong miệng; những thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc do stress. Đối tượng có nguy cơ bị mắc bệnh nhiệt miệng gồm nhóm sống trong vùng nhiệt đới, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu dưỡng chất thiết yếu.
Triệu chứng
Khi bị viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi, có thể biết được nguyên nhân nhưng cũng có khi không biết được nguyên nhân mà chỉ thấy tự nhiên xuất hiện các vết loét kèm theo các dấu hiệu: sưng nóng đỏ đau, có vết lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp-xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm. Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các tổn thương viêm loét khá đa dạng:
- Loét dạng aphthe nhỏ là hay gặp nhất, chiếm khoảng 80%, điển hình là có một vài đến nhiều vết loét đường kính dưới 1cm, nông, nằm rời rạc hoặc thành đám, tự lành trong khoảng 7 – 14 ngày và không để lại sẹo.
- Loét dạng aphthe lớn, còn gọi là bệnh Sutton hoặc hoại tử niêm mạc miệng tái phát có viêm hạch ngoại biên, chiếm khoảng 10%. Vết loét có kích thước lớn hơn 1cm, gồm một hay nhiều vết loét, chậm liền có khi kéo dài nhiều tuần, để lại sẹo do hoại tử lan rộng.
- Loét dạng Herpes, nhưng không liên quan đến virus Herpes, số lượng vết loét nhiều từ 10 – 100 vết, tổn thương kết thành chùm, nhiều vết loét nhỏ nhanh chóng kết hợp lại thành mảng lớn, lành trong khoảng 7 – 30 ngày.
Đặc điểm là vết loét có màu đỏ ở xung quanh, trung tâm có mảng mục màu vàng, đau nhiều trong 2 – 3 ngày đầu, dần dần giảm đau khi bắt đầu lành.
Nguyên nhân
Hiện nay, khoa học chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh loét miệng, chỉ có thể xác định đây là một trong những bệnh có liên quan đến môi trường, chế độ dinh dưỡng, sinh vật gây nhiễm trùng, độc tố trong chế độ ăn, ký sinh trùng hoặc do thiếu hụt dinh dưỡng như axit folic.
Tổn thương trong miệng có thể kể đến các nguyên nhân như: đánh răng quá mức, tai nạn khi chơi thể thao cắn vào má bên trong miệng; sử dụng thức ăn nhạy cảm; thiếu hụt lượng vitamin B12, kẽm hoặc sắt; phản ứng dị ứng với một số vi khuẩn trong miệng; những thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc do áp lực.
Loét miệng kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do quá trình hấp thụ thức ăn bị hạn chế, chính vì vậy cần có biện pháp điều trị kịp thời để hạn chế các tác hại của bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị mắc bệnh loét miệng như sau: những người sống trong vùng nhiệt đới, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua kiểm tra lâm sàng, trường hợp nghi ngờ do các bệnh lý khác bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm hoặc chẩn đoán khác.
Phòng ngừa bệnh
Dưới đây là một số biện pháp sẽ giúp bạn phòng ngừa loét miệng hiệu quả:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng dinh dưỡng. Cố gắng ăn nhiều rau củ, trái cây để tăng cường vitamin C và vitamin B6 cho cơ thể.
- Hạn chế uống rượu, bia, ăn các loại đồ ăn cay nóng, các loại hoa quả có tính nóng, để tránh gây nóng trong người – nguyên nhân gây nhiệt miệng.
- Có chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, tránh căng thẳng.
- Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Khi vệ sinh răng miệng nên dùng bàn chải đánh răng có lông mềm, tơ và thay tăm xỉa răng bằng chỉ nha khoa để tránh làm cho các mô mềm bị tổn thương.
- Súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước kháng khuẩn để loại bỏ môi trường sống của vi khuẩn.
Điều trị như thế nào?
Hầu hết các vết loét miệng sẽ tự lành trong vòng một hoặc hai tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu vết loét quá đau đớn hoặc kéo dài, các phương pháp điều trị sau có thể giúp:
- Giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn hoặc gel gây tê có thể giúp giảm đau.
- Điều trị tại chỗ: Sử dụng nước súc miệng hoặc gel chứa các thành phần như corticosteroid hoặc kháng khuẩn có thể tăng tốc độ lành vết loét.
- Thuốc kê đơn: Trong các trường hợp nặng, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm viêm hoặc ức chế phản ứng miễn dịch.
Khi tình trạng nhiệt miệng không quá nghiêm trọng cũng không nhất thiết phải đến gặp bác sĩ mà có một số cách chữa loét miệng tại nhà như:
- Sử dụng nước súc miệng tự làm với công thức: hỗn hợp nước súc miệng từ baking soda, nước ép lô hội và nước ấm. Súc miệng liên tục trong 10 giây, mỗi ngày một lần để nhanh hết nhiệt miệng.
- Chườm lạnh bằng đá có thể giảm đau và sưng. Khi đặt viên đá nhỏ lên vết nhiệt miệng sẽ làm dịu cơn đau và viêm.
- Hạn chế ăn các đồ cay, nóng, các món nướng và rán để tránh làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng trà. Sau khi dùng trà túi lọc, có thể dùng để đắp vào vết thương, chất tanin có trong túi trà có tác dụng làm giảm cơn đau và giảm viêm.
- Trong một số trường hợp bệnh nặng, bị loét miệng liên tục bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng kháng sinh để điều trị.
Kết luận
Lở miệng là một tình trạng phổ biến và thường không nguy hiểm, nhưng có thể được quản lý hiệu quả bằng cách chăm sóc và điều trị đúng cách. Hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, chẩn đoán, chiến lược phòng ngừa và các lựa chọn điều trị sẽ giúp bạn giảm thiểu khó chịu và thúc đẩy quá trình lành vết loét. Hãy luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để có những lời khuyên phù hợp và phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng của bạn. Bằng cách áp dụng những biện pháp này, bạn có thể bảo vệ sức khỏe miệng một cách hiệu quả và tận hưởng cuộc sống không lo ngại về những cơn đau lở miệng.