Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mãn dục nam là gì? Những điều cần biết về mãn dục nam
Mãn dục ở nam giới chỉ tình trạng suy giảm nồng độ hormone sinh dục testosterone trong máu, giống như mãn kinh ở phụ nữ cũng gây suy giảm chức năng, giảm ham muốn tình dục. Vậy mãn dục nam là gì? Triệu chứng, nguyên nhân ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Tổng quan chung mãn dục nam
Mãn dục nam (Male Menopause) hay tắt dục nam (Andropause) là tình trạng giảm khả năng tình dục ở nam giới sau 40 tuổi (tương tự như mãn kinh ở phụ nữ). Mãn dục nam được là sự thiếu hụt testosterone kết hợp với các triệu chứng hoặc giảm sinh tinh trùng; hoặc cả hai.
Ngày nay, tình trạng này được gọi bằng các thuật ngữ mới như: suy giảm một phần androgen ở nam giới cao tuổi (Partial androgen deficiency in the aging male), hoặc suy tuyến sinh dục nam khởi phát muộn (late-onset hypogonadism), hoặc suy giảm testosterone (testosterone deficiency).
Triệu chứng
Với sự sụt giảm nồng độ hormone testosterone ở nam giới, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như:
Triệu chứng tình dục và sức khỏe sinh sản:
Testosterone là hormone sinh dục quan trọng nhất của nam, thiếu hụt hormone này gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe sinh sản. Hầu hết nam giới mãn dục gặp phải vấn đề như giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn cương dương,… Những rối loạn sức khỏe sinh sản này đều khiến nam giới khó sinh con và chất lượng đời sống tình dục bị suy giảm, song do tâm lý e ngại nên ít người đi khám và điều trị.
Triệu chứng toàn thân:
Mãn dục ở nam giới còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan và xuất hiện các triệu chứng toàn thân như:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh lý và vấn đề hô hấp như: ngáy to, khó thở về đêm,…
- Rối loạn hoạt động hệ tim mạch như: Tim đập nhanh, huyết áp cao thấp bất thường, hồi hộp không lý do, mặt đỏ bừng,…
- Sự giảm thể tích và trương lực cơ làm suy yếu sức khỏe cơ bắp và tăng tình trạng lười vận động.
- Da tích nước kém nên dễ nhăn nheo hơn, bao gồm cả da mặt và da cơ thể.
- Thần kinh nhạy cảm hơn, đặc biệt dễ bị kích thích với các phản xạ. Bên cạnh đó, nam giới dễ gặp phải rối loạn tinh thần hơn bao gồm lo âu, trầm cảm, stress, giảm khả năng nhận thức và tập trung,…
- Sức khỏe xương bị ảnh hưởng, nam giới tuổi mãn dục dễ bị loãng xương, gãy xương.
- Rối loạn tạo máu dẫn tới thiếu máu, suy giảm sức khỏe, dễ mệt mỏi.
Dựa vào các triệu chứng tình dục và toàn thân, bác sĩ có thể nghi ngờ nhưng để chẩn đoán chính xác cần dựa trên kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm thường dùng trong chẩn đoán mãn dục ở nam giới bao gồm:
- Xét nghiệm sinh hóa: giúp đánh giá chức năng các cơ quan.
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Chẩn đoán các bệnh lý và rối loạn liên quan đến tuổi mãn dục.
- Xét nghiệm nội tiết tố: Thể hiện rõ nhất sự sụt giảm nội tiết tố testosterone và các nội tiết tố sinh sản khác như LH, FSH, estradiol, prolactin,…
Trong đó, tiêu chuẩn vàng để xác định nam giới có đang bước vào tuổi mãn dục không là nồng độ testosterone trong máu xuống thấp quá mức bình thường.
Nguyên nhân
Nội tiết tố testosterone trong máu giảm do các nguyên nhân sau:
- Suy giảm testosterone là hệ quả tất yếu của tuổi cao.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý gây rối loạn sự sản xuất của nội tiết tố hoặc các bệnh như đái tháo đường, suy tuyến yên, u tuyến thượng thận, u tuyến yên-tinh hoàn, u ở các cơ quan khác,….
- Sử dụng thuốc như nội tiết tố estrogen, glucocorticoid, bicalutamid, flutamide, cimetidin,…
- Nghiện rượu, bia, thuốc lá, sử dụng chất kích thích.
Đối tượng nguy cơ bị mãn dục nam
Mãn dục ở nam xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có tuổi tác ngày càng lớn, nó bắt đầu từ tuổi 40 và thể hiện rõ dần từ tuổi 50 đến 60 trở lên.
Bệnh nhân mắc kèm theo các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng gan, suy giảm chức năng thận, thì bệnh mãn dục nam tiến triển càng nhanh và nặng.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, hỏi về tiền sử bệnh, lối sống, loại thuốc đã và đang sử dụng. Nếu có 1 biểu hiện về tình dục và 2 triệu chứng toàn thân có thể bước đầu xác định tắt dục nam.
Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm nội tiết tố. Xét nghiệm này giúp xác định liệu testosterone có giảm bất thường hay không (mức bình thường là từ 10 – 35 nanomol/lít).
Bên cạnh đó cũng cần thực hiện một số xét nghiệm khác để loại trừ các thiếu hụt hormone khác và các bệnh lý ngoài mãn dục. Đó có thể là:
- Xét nghiệm sinh hóa để đánh giá chức năng tạng phủ.
- Xét nghiệm nồng độ prolactin huyết thanh giúp sàng lọc u tuyến
- Xét nghiệm độ bão hòa transferrin sàng lọc bệnh quá tải sắt
- Chụp X-quang
- Chụp CT
- Chụp MRI
- Siêu âm
Phòng ngừa bệnh
Mãn dục là một quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên không thể phòng tránh được. Tuy nhiên, để không bị mãn dục sớm ở nam giới có thể làm chậm lại quá trình mãn dục này hoặc can thiệp để tình trạng suy giảm khả năng sinh dục không quá nặng nề.
- Tạo tâm lý, tinh thần luôn thoải mái, tránh tình trạng stress kéo dài xảy ra.
- Hình thành lối sống quan hệ tình dục lành mạnh, không lạm dụng thủ dâm quá mức.
- Tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, bổ sung các đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh,…
- Tránh sử dụng các chất kích thích và độc hại như rượu, bia, thuốc lá, ma túy,…
Điều trị mãn dục nam như thế nào?
Ảnh hưởng của mãn dục đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe toàn thân là rất lớn, vì thế bác sĩ sẽ xem xét điều trị với phương pháp thích hợp, dựa trên tình trạng bệnh cũng như mong muốn của người bệnh.
Phương pháp điều trị mãn dục ở nam giới phổ biến nhất là thay thế testosterone. Liệu pháp này giúp giảm triệu chứng, nhất là suy giảm chức năng tình dục và cải thiện các triệu chứng toàn thân khác.
Mặc dù có hiệu quả tốt song cần xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố bởi bổ sung testosterone có thể gây những rủi ro tiềm ẩn, tiêu biểu như làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các dạng bổ sung testosterone khá linh hoạt, bao gồm:
Testosterone dạng miếng dán trên da:
Khi sử dụng các miếng dán này, testosterone sẽ dần dần được giải phóng và đi vào máu. Với liệu pháp này, người bệnh sử dụng miếng dán testosterone hàng ngày ở khu vực da khô ráo, có thể là bụng, lưng, đùi, cánh tay,…
Testosterone dạng gel:
Dạng gel này cũng được bôi trực tiếp trên da, sau đó ngấm từ từ vào máu.
Testosterone dạng viên nang:
Đây là dạng bổ sung bằng đường uống sau bữa ăn, hiệu quả cao song không phù hợp sử dụng cho người có chức năng gan kém, dư thừa canxi, mắc bệnh tim hoặc thận nghiêm trọng.
Testosterone dạng tiêm:
Dạng tiêm này sẽ bổ sung nhanh testosterone trực tiếp vào máu, vì thế cần cân nhắc cẩn thận nồng độ và thời gian tiêm phù hợp. Phương pháp này cũng không thích hợp cho bệnh nhân nam mắc bệnh tim, bệnh thận hoặc dư thừa canxi trong máu.
Mãn dục nam là quá trình lão hóa tự nhiên, không thể tránh được nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chậm tiến trình đó bằng cách có chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, giảm ăn đồ nhiều dầu mỡ, hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá,… Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu triệu chứng mãn dục gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn và cần điều trị.
Hi vọng với những chia sẻ trên của bài viết giúp các bạn hiểu hơn về bệnh mãn dục nam và cách phòng tránh.