Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mất ngủ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Mất ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi bị mất ngủ kéo dài, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, cần sớm xác định nguyên nhân mất ngủ để có hướng điều trị phù hợp.
Mất ngủ là gì?
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi con người, giúp con người được nghỉ ngơi sau những khoảng thời gian làm việc và học tập.
Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể bao gồm ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm và không thể quay lại giấc ngủ và vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy. Mất ngủ có thể gây tình trạng mệt mỏi khó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống.
Trung bình một người bình thường ngủ từ 7- 8 tiếng/ngày trong đó giấc ngủ phải đảm bảo đủ về thời gian, đủ sâu và cảm thấy thỏa mái khỏe khoắn sau khi thức dậy.
Mất ngủ bao gồm:
- Mất ngủ cấp tính: Mất ngủ kéo dài dưới 1 tháng.
- Mất ngủ mạn tính: Mất ngủ kéo dài trong vòng ít nhất là 1 tháng.
Bị mất ngủ là tình trạng phổ biến hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến người già và còn gặp ở những người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những thay đổi về thói quen ngày hàng ngày có thể giúp cải thiện giấc ngủ trên một số đối tượng.
Triệu chứng
- Khó đi vào giấc ngủ
- Tỉnh giấc nửa đêm
- Ngủ không đủ giấc
- Thức dậy quá sớm
- Mất ngủ thoáng qua
- Mất ngủ một hai ngày
- Mất ngủ một hai tuần
- Mất ngủ lâu ngày một vài tháng
- Cảm thấy không được nghỉ ngơi sau khi ngủ một đêm.
- Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo
Nguyên nhân
Nhịp sinh học hoạt động như đồng hồ bên trong, hướng dẫn cơ thể vận động chu kỳ ngủ – thức, sự trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể. Nếu nhịp sinh học của cơ thể bị gián đoạn ở bất kỳ khâu nào đều có thể dẫn đến mất ngủ.
- Căng thẳng: có thể bạn đang đối diện những khó khăn trong công việc, trường học, sức khỏe, tài chính hoặc gia đình gặp vấn đề khó nói, khiến tâm trí vận hành liên tục ban đêm, dẫn đến khó ngủ.
- Thói quen ngủ kém: giờ ngủ không đều đặn, ngủ trưa quá nhiều, môi trường ngủ không thoải mái, dùng giường ngủ làm việc, ăn uống hoặc xem tivi, chơi điện tử, lướt điện thoại trước khi đi ngủ.
- Ăn quá nhiều vào buổi tối: ăn quá nhiều khiến bụng căng, khó chịu khi nằm, chưa kể nguy cơ ợ chua, trào ngược dạ dày khiến bạn tỉnh thức hoặc khó ngủ.
- Mắc bệnh khác: việc sử dụng một số loại thuốc hoặc do đang mắc loại bệnh nào đó dẫn đến khó ngủ. Một vài loại thuốc có thể gây khó ngủ như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị hen suyễn, huyết áp. Các sản phẩm giảm cân có chứa caffeine và các chất kích thích khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Một số bệnh gây mất ngủ như đau mạn tính, ung thư, tiểu đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tuyến giáp hoạt động quá mức, bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.
- Tuổi già: mất ngủ trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác. Người lớn tuổi cảm thấy mệt mỏi sớm hơn vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào buổi sáng nhưng nhìn chung vẫn cần ngủ đủ giấc như những người trẻ tuổi.
Đối tượng nguy cơ
- Nữ giới: do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn kinh nguyệt và giai đoạn mãn kinh cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trong giai đoạn mãn kinh, việc ra mồ hôi buổi tối và bốc hỏa có thể làm cản trở giấc ngủ. Ngoài ra, tình trạng này cũng xảy ra ở phụ nữ mang thai.
- Người trên 60 tuổi: những thay đổi về sức khỏe và giấc ngủ khiến bệnh tăng dần theo độ tuổi.
- Người thường xuyên thay đổi công việc, lịch trình làm việc.
- Người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực.
- Người bị rối loạn sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất.
Chẩn đoán
Chẩn đoán mất ngủ và tìm kiếm nguyên nhân của nó có thể bao gồm:
- Khám sức khỏe. Nếu không rõ nguyên nhân gây mất ngủ, bác sĩ có thể khám sức khỏe để tìm dấu hiệu của các vấn đề y tế có thể liên quan đến chứng mất ngủ. Thỉnh thoảng, xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra các vấn đề về tuyến giáp hoặc các tình trạng khác có thể liên quan đến giấc ngủ kém.
- Xem lại thói quen ngủ. Ngoài việc hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến giấc ngủ, bác sĩ có thể xác định kiểu thức ngủ và mức độ buồn ngủ ban ngày của bạn.
Phòng ngừa bệnh
Tình trạng mất ngủ có thể được phòng ngừa hay hạn chế một cách đơn giản thông qua các thói quen tốt như:
- Duy trì giờ đi ngủ và giờ thức nhất quán hàng ngày, kể cả cuối tuần.
- Vận động nhẹ nhàng nhằm thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn.
- Kiểm tra các loại thuốc đang uống để xem liệu chúng có góp phần gây ra chứng mất ngủ hay không. Nếu không chắc về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, hãy trao đổi với bác sĩ y khoa.
- Không ngủ trưa quá mức. Thông thường, thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa là từ 20-40 phút và không quá 60 phút.
- Tránh hoặc hạn chế caffeine và rượu, không sử dụng nicotine.
- Không ăn uống quá nhiều vào buổi tối, đặc biệt là trước khi ngủ.
- Không cài đặt quá nhiều thiết bị điện tử trong phòng ngủ để tránh sử dụng thiết bị như tivi, điện thoại, máy tính trước khi ngủ.
- Thư giãn nhẹ trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ.
Điều trị như thế nào?
Tùy từng cá nhân, mức độ mất ngủ mà các bác sĩ chỉ định điều trị phù hợp. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ thì người bệnh cần thay đổi thói quen ngủ và chỉ ra được bất kỳ vấn đề nào mà có thể đi kèm với mất ngủ, như là stress, bệnh cơ thể, thuốc…
Người bệnh mất ngủ có thể sẽ được điều trị các bệnh đi kèm và bệnh lý tâm thần kèm theo, Điều chỉnh các thuốc hoặc chất gây cản trở giấc ngủ, và tối ưu hóa môi trường ngủ.
Điều trị đặc hiệu bao gồm các biện pháp chính sau:
- Liệu pháp không dùng thuốc chủ yếu là liệu pháp nhận thức hành vi, đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu phân tích gộp và các khuyến cáo thực hành. Liệu pháp nhận thức hành vi sẽ giúp cho mất ngủ được cải thiện hơn.
- Liệu pháp kiểm soát kích thích giúp loại bỏ các yếu tố chống lại giấc ngủ.
- Kĩ thuật thư giãn cơ tăng dần, phản hồi sinh học và bài tập thở là những liệu pháp để giảm lo âu trong giờ đi ngủ. Thực hiện những kĩ thuật này có thể giúp kiểm soát việc thở, nhịp tim, sức căng cơ và cảm xúc để có thể thư giãn.
- Liệu pháp ánh sáng để đẩy đồng hồ sinh học giúp cải thiện giấc ngủ.
Ngoài ra, thực phẩm bổ sung và châm cứu cũng đem lại lợi ích đối với người mất ngủ. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập yoga, thiền, tai chi thường xuyên cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm stress.
Theo Hiệp hội Y học Tâm thần Anh, liệu pháp nhận thức hành vi là lựa chọn điều trị đầu tiên: gồm kiểm soát chu trình ngủ và kiểm soát các yếu tố kích thích, vệ sinh giấc ngủ, liệu pháp nhận thức, các phương pháp thư giãn. Trong trường hợp thất bại với nhận thức hành vi, cơ sở điều trị không có hoặc bệnh nhân không tham gia được nhận thức hành vi, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị mất ngủ.