Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mất trí nhớ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Mất trí nhớ là tình trạng không thể nhớ các sự kiện đã qua, thường do chấn thương, bệnh lý hoặc tác động của chất kích thích. Ngoài ra, triệu chứng này cũng có thể do những nguyên nhân khác như lão hóa, căng thẳng hoặc thiếu ngủ.
Mất trí nhớ là tình trạng không thể nhớ các sự kiện đã qua
Tổng quan chung
Mất trí nhớ là một hội chứng bệnh lý về não ngày càng phổ biến hiện nay, nó gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng cao cấp của vỏ não như suy giảm trí nhớ, tư duy, định hướng, nhận biết ngôn ngữ, phán đoán các năng lực học tập, xã hội nhưng ý thức bệnh nhân không bị rối loạn. Những suy giảm này thường tiến triển theo thời gian và khó hồi phục, gây suy sụp đáng kể chức năng trí tuệ cũng như các vận động trong sinh hoạt hàng ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 35,6 triệu người mắc chứng mất trí nhớ, trong đó chủ yếu là các nước có thu nhập thấp và trung bình. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 65,7 triệu người vào năm 2030 và tăng hơn gấp 3 lần lên 115,4 triệu người vào năm 2050.
Bệnh mất trí nhớ này diễn biến ngày càng xấu đi, tuy nhiên vấn đề này nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tính tới thời điểm hiện tại chỉ có 1/8 số nước trên thế giới có chương trình quốc gia nhằm giải quyết căn bệnh này. Do đó để giảm gánh nặng của căn bệnh này, WHO đã kêu gọi các nước trên thế giới phải nâng cao khả năng phát hiện sớm, cung cấp những chăm sóc y tế và xã hội cần thiết về chứng mất trí nhớ.
Bệnh mất trí nhớ có nhiều dạng khác nhau,nó được phân loại tùy theo những dấu hiệu, triệu chứng và hậu quả của căn bệnh tác động đến người bệnh, trong đó có mất trí nhớ tạm thời, mất trí nhớ sau sinh (hơn 90% phụ nữ sau sinh mắc bệnh lý này), mất trí nhớ người già,…
Mất trí nhớ tạm thời hay còn gọi là mất trí nhớ ngắn hạn, nó là một cơn mất trí nhớ tạm thời, đột ngột mà không do một tình trạng thần kinh phổ biến nào gây ra, như bệnh động kinh hoặc đột quỵ. Trong cơn mất trí nhớ tạm thời này bệnh nhân không thể nhớ lại các sự kiện vừa mới diễn ra, không thể nhớ mình đang ở đâu hoặc đã đến đó bằng cách nào.
Triệu chứng
Triệu chứng chính của bệnh mất trí nhớ là mất đi ký ức hoặc không có khả năng ghi nhớ những ký ức mới.
Khả năng nhận thức hay vận động thường sẽ không bị ảnh hưởng bởi bệnh, điều đó nghĩa là bạn hoàn toàn vẫn có thể nhớ cách hành động và nói thành thạo ngôn ngữ vốn có của mình.
Có rất nhiều dạng mất trí nhớ khác nhau, bao gồm:
- Chứng quên những ký ức trước đó: tình trạng này xảy ra khi bạn mất khả năng nhớ lại những ký ức trước đây. Bệnh thường ảnh hưởng từ từ và do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như sa sút trí tuệ.
- Chứng quên những ký về sau: tình trạng này xảy ra khi người bệnh không thể ghi nhớ những ký ức mới. Dạng mất trí nhớ này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguyên nhân gây ra bệnh là do uống quá nhiều bia rượu hoặc tổn thương hồi hải mã, vùng não giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức.
- Chứng mất trí nhớ thoáng qua: xảy ra khi một người phải trải nghiệm cảm giác đau thương, như mất người thân, khiến người bệnh trở nên không minh mẫn. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa rõ. Bệnh thường gặp ở trung niên và người cao tuổi.
Mất trí nhớ khác với sa sút trí tuệ. Mất trí nhớ chỉ ảnh hưởng đến ký ức chứ không gây suy giảm nhận thức, điều này nghĩa là bạn vẫn có thể nhớ được mình là ai cũng như nhớ được thời gian và ngày tháng. Một số triệu chứng khác của bệnh mất trí nhớ như: nhớ sai ký ức, nhầm lẫn hay lạc phương hướng.
Nguyên nhân
Chứng mất trí nhớ có thể xảy ra như một phần không thể thiếu của quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng mắc bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, ngoài vấn đề tuổi tác vẫn tồn tại một số nguyên nhân phổ biến gây mất trí nhớ khác, bao gồm:
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ, trong đó có chứng mất trí nhớ.
- Chấn thương đầu: Chấn thương đầu do ngã hoặc tai nạn, ngay cả khi bạn không bất tỉnh vẫn có nguy cơ bị mất trí nhớ.
- Rối loạn cảm xúc: Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây ra chứng suy giảm trí nhớ, lú lẫn, khó tập trung và các vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
- Lạm dụng bia rượu: Nghiện rượu mãn tính có thể gây suy giảm chức năng của hệ thần kinh dẫn đến nguy cơ bị suy giảm trí nhớ.
- Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 giúp duy trì các tế bào thần kinh và hồng cầu khỏe mạnh. Sự thiếu hụt vitamin B12 phổ biến ở người lớn tuổi và có thể gây ra các vấn đề liên quan đến trí não, trong đó có chứng mất trí nhớ.
- Bệnh suy tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động kém hay còn gọi là tình trạng suy giáp có thể dẫn đến chứng hay quên và các vấn đề về tư duy khác.
- Bệnh lý về não: Các vấn đề liên quan đến tổn thương não như u não, vỡ mạch máu não, tụ máu não,… sẽ khiến người bệnh bị mất trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Chứng ngưng thở khi ngủ: Tình trạng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bị suy giảm trí nhớ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác về trí não như hôn mê, co giật,…
- Nghiện thuốc lá: Thuốc lá sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp lên não bộ, nghiện hút thuốc lá sẽ gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người nghiện thuốc lá gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ hơn người không hút thuốc lá.
- Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi quá trình cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não. Người bị đột quỵ thường dễ mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn, họ chỉ ghi nhớ ký ức đã cũ và lãng quên ký ức mới.
- Mất ngủ kéo dài: Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ghi nhớ của não bộ. Ngủ không đủ giấc, ngủ chập chờn, thức khuya,… sẽ khiến cơ thể mệt mỏi từ đó làm giảm khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác bao gồm: nghiện ma túy, mắc các bệnh về nhiễm trùng như bệnh lao, HIV, giang mai,…
Đối tượng nguy cơ
Bệnh mất trí nhớ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, vì vậy bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Trong đó, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị mất trí nhớ cao hơn, bao gồm:
- Người trưởng thành sau 30 tuổi và người già.
- Phụ nữ sau khi sinh con.
- Người lạm dụng bia rượu, người bị trầm cảm hoặc thường xuyên căng thẳng.
- Người bệnh tai biến mạch máu não hoặc bị chấn thương não do tai nạn.
Trong số đó, người cao tuổi (trên 65 tuổi) và phụ nữ sau sinh là hai đối tượng có nguy cơ bị mất trí nhớ cao nhất.
Chẩn đoán
- Đánh giá dựa trên các biểu hiện lâm sàng đã nêu trong phần triệu chứng như suy giảm trí nhớ, Suy giảm các khả năng hoạt động nhận thức khác, rối loạn cảm xúc, hành vi,…
- Đánh giá dựa vào các trắc nghiệm tâm lý.
- Điện não đồ (EEG): Kỹ thuật này giúp ghi lại hoạt động điện của não thông qua các điện cực gắn vào da đầu, điện não đồ này thường thể hiện rõ ở những bệnh nhân mắc động kinh.
- Chụp X-quang sọ não.
- Chụp điện toán cắt lớp (CT): Giúp thấy được những bất thường trong cấu trúc não, bao gồm các mạch máu bị hẹp, bị kéo giãn quá mức hoặc bị vỡ và các đột quỵ xảy ra trong quá khứ.
- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) giúp phát hiện tình trạng teo não và các tổn thương khu trú ở não, phân biệt mất trí do Alzheimer hay do bệnh mạch máu não.
- Chụp cắt lớp bằng cách phóng các hạt positron PET (positron emission tomography) giúp chẩn đoán phân biệt các tổn thương ở thùy đỉnh trong bệnh Alzheimer hoặc phát hiện các biến đổi của thùy trán trong các bệnh lý thoái hóa thùy trán.
- Chụp ảnh chức năng não SPECT: Giúp phát hiện sự giảm lưu lượng máu não đến các thùy thái dương và thùy đỉnh trong bệnh Alzheimer và sự giảm lưu lượng máu mang tính chất loang lổ rải rác hơn đối với bệnh nhân bị mất trí do các bệnh lý mạch máu não.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh mất trí nhớ hoàn toàn có thể phòng tránh bằng một số biện pháp có tác động làm giảm dần các yếu tố nguy cơ như:
- Duy trì thói quen tập thể dục: Thường xuyên tập luyện thể chất sẽ giúp cơ thể trở nên dẻo dai, khỏe mạnh và phòng tránh được nhiều bệnh lý trong đó có chứng mất trí nhớ. Vì vậy, mỗi ngày mọi người nên dành thời gian ít nhất 1 giờ 30 phút để hoạt động thể chất như chạy bộ, bơi lội, yoga,…
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ dưỡng chất sẽ làm giảm nguy cơ bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng trong tương lai. Đặc biệt phụ nữ trung niên ưu tiên ăn nhiều rau xanh sẽ phòng tránh chứng suy giảm trí nhớ khi bước qua tuổi 70.
- Quan tâm đến chất lượng giấc ngủ: Ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện sức khỏe của não bộ. Người trưởng thành cần ngủ đủ từ 6 đến 8 giờ đồng hồ mỗi ngày để duy trì thể trạng tốt nhất.
- Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái: Để quá trình phòng tránh chứng mất trí nhớ đạt hiệu quả tốt nhất mọi người cần giữ cho bản thân luôn trong trạng thái vui vẻ, tránh xa những tác động tiêu cực trong cuộc sống.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp phát hiện sớm và phòng tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có bệnh mất trí nhớ.
Điều trị như thế nào?
Theo các chuyên gia, mục tiêu điều trị chứng mất trí là hướng đến kiểm soát các triệu chứng. Trong một số trường hợp, các loại thuốc ức chế acetylcholinesterase có thể giúp làm chậm quá trình thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, đa phần tác dụng của thuốc chỉ ở mức hạn chế và không thể ngăn chặn được tình trạng cơ bản. Các liệu pháp điều trị khác liên quan đến cảm xúc, tâm lý cũng được xem như là một phần của kế hoạch điều trị tổng thể.
Đối với người trẻ tuổi, nếu bệnh mất trí nhớ vẫn còn tiếp diễn dù đã điều trị, nên viết ra những điều cần làm vào giấy ghi chú hoặc sổ để hỗ trợ ghi nhớ trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày.
Tóm lại, mất trí nhớ là một hội chứng gây suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của một người. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người lớn tuổi phải phụ thuộc vào con cháu, gây tác động cả về mặt thể chất, tâm lý và kinh tế. Do đó bệnh mất trí cần phải được xem là một ưu tiên trong lĩnh vực y tế cộng đồng, cần được nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.