Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mụn cóc, hạt cơm là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh hạt cơm, hay được biết đến với các tên gọi khác như mụn cơm hay mụn cóc, là một loại bệnh ngoài da. Mặc dù không đe dọa tính mạng, nhưng nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và thẩm mỹ của cá nhân. Bệnh này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, tuy nhiên, thường thấy phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi.
Tổng quan chung
Mụn cóc còn gọi là mụn cơm, là một dạng tăng sinh da bất thường. Nó thường mọc thành nốt mụn sần sùi, có thể nổi giống bông súp lơ ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Mụn có màu trắng hoặc vàng, nâu, xám,…kích thước to nhỏ khác nhau nhưng thường tương đương hạt cơm.
Tác nhân gây mụn cóc nói chung là virus HPV (Human Papilloma Virus). Virus đi vào cơ thể qua các vết trầy xước hoặc tổn thương trên da. Sau đó, virus phát triển, gây kích ứng các tế bào biểu mô bề mặt làm tăng sinh và hình thành hạt cơm.
Triệu chứng
Mụn cơm là những nốt sần nhỏ, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp. Mụn cơm có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành từng đám, thường có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen đôi khi được gọi là hạt mụn cơm, thực ra là những mao mạch bị huyết khối. Mụn thường không đau.
Mỗi loại mụn cóc sẽ có cách nhận biết khác nhau, chẳng hạn như:
- Mụn cóc thông thường: Có thể phát hiện ở ngón chân, mụn ở ngón tay. Tuy nhiên, đôi khi chúng cũng có thể nổi trên những bộ phận khác. Dấu hiệu đặc trưng của mụn cóc thông thường là vẻ ngoài sần sùi và tròn.
- Mụn cóc Plantar: Mụn cóc Plantar mọc ở lòng bàn chân. Không giống như các dạng khác, chúng phát triển ở trong da, không nằm ngoài. Những hạt mụn cơm này có thể gây khó chịu khi bạn đi lại.
- Mụn cóc phẳng: Mụn cóc phẳng có màu hồng, nâu hoặc hơi vàng và thường mọc ở mặt, đùi hoặc cánh tay. Thường khó phát hiện chúng do kích thước tương đối nhỏ.
- Mụn cóc dạng sợi mảnh: Dạng mụn cóc này mọc quanh miệng hoặc mũi, đôi khi có thể ở trên cổ hoặc dưới cằm. Các loại mụn cóc này thường có kích thước nhỏ, có hình dạng thon dài và cùng màu với làn da.
- Mụn cóc quanh móng: Mụn cóc quanh móng thường xuất hiện dưới và xung quanh móng chân hoặc móng tay. Chúng có thể gây đau và ảnh hưởng đến sự phát triển của móng.
Mụn cóc sinh dục: Hầu hết mụn cóc là vô hại, nhưng một số chủng HPV có thể gây ra mụn cóc trên, trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục. Những loại mụn này có thể nghiêm trọng hơn. Ở phụ nữ, chúng có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung, hậu môn và âm hộ. Ở nam giới, ung thư hậu môn và ung thư dương vật cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng một số loại mụn cóc sinh dục.
Nguyên nhân
Mụn cóc do virus HPV (Human Papilloma Virus) xâm nhập vào cơ thể thông qua vết trầy xước hoặc vết thương hở. Mụn cóc ở bàn tay, chân thường do nhóm HPV 1, 2, 4, 27 hoặc 57 gây ra. Mụn cóc sinh dục có thể do nhóm HPV 6, 11, 16, 18. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ người sang người hoặc lan sang các vùng da khác thông qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc.
- Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như: dao cạo râu, khăn tắm,…
- Vệ sinh tay chân không sạch.
- Quan hệ tình dục với người bị mụn cóc.
Đối tượng nguy cơ
Vì do virus gây ra nên các tổn thương này có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên một cơ thể hay sang các cá thể khác khi có sự tiếp xúc trực tiếp qua vết xước hoặc gián tiếp qua đồ dùng, thảm lau chân…
Ai cũng dễ mắc bệnh hạt cơm nhưng theo nghiên cứu thì người hay mắc thường ở lứa tuổi lao động, thanh thiếu niên. Phụ nữ làm móng, hay cắt khóe móng chân – tay cũng dễ bị lây hạt cơm.
Ngoài ra ở những người bị tổn thương hàng rào bảo vệ da (như bệnh viêm da cơ địa), người bị suy giảm miễn dịch thì tổn thương thường có xu hướng lan tỏa và biến chứng nặng hơn.
Chẩn đoán
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng những thông tin thu thập được từ việc:
- Kiểm tra các tổn thương
- Cắt lấy một phần ở chỗ thương tổn bằng dao mổ và kiểm tra các dấu hiệu xem có chấm đen – mạch máu nhỏ bị vón cục
- Cạo sinh thiết và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích (bằng kính hiển vi).
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh bị mụn hạt cơm bạn cần:
- Tránh tiếp xúc, không nên cào hay giật mụn vì nó sẽ gây tổn thương hạt cơm đã xuất hiện, nhiễm khuẩn chúng có thể mọc trở lại.
- Vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Nếu đã bị hạt cơm, không tự ý điều trị, cần tới các cơ sở y tế uy tín gặp bác sĩ da liễu để khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị như thế nào?
Như trên đã nói, mặc dù ảnh hưởng không nghiêm trọng tới sức khỏe con người song mụn cóc lại gây nhiều khó chịu, bất tiện và thẩm mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một phương pháp nào có thể trị khỏi vĩnh viễn và đảm bảo được rằng bệnh có thể không tái phát. Vì vậy, các phương pháp được áp dụng chủ yếu là tiêu diệt các nốt mụn hiện có và kéo dài thời gian khỏi bệnh, không tạo sẹo. Với những người bị suy giảm miễn dịch, mục đích của việc điều trị là kiểm soát số lượng cũng như kích thước của chúng. Hiện nay có một số phương pháp điều trị, loại bỏ phù hợp với mụn ở từng vị trí khác nhau, cụ thể là:
- Dùng nitrogen hóa lỏng đốt điện siêu cao tần hoặc plasma để đốt mụn: thường được áp dụng với mụn tại một số vị trí như dương vật, mặt, mu bàn chân,…
- Với mụn ở dưới lòng bàn chân, có thể cắt bớt mụn bằng tia laser, sau đó, bôi dung dịch acid salicylic nồng độ 40% rồi băng lại. Hàng ngày, thực hiện việc thay băng đều đặn với việc điều trị kéo dài trong khoảng 3 – 5 ngày cho tới khi hết mụn. Đây là phương pháp khá an toàn và không gây ra tác dụng phụ với cơ thể.
- Ngoài acid salicylic, một số hoạt chất sau cũng có thể được sử dụng, như: podophyllin 15-20%, glutaraldehyde 20%, axit trichloroacetic bão hoà, axit retinoique dạng cream hoặc nhũ tương với thời gian điều trị thường khoảng từ 3 – 6 tuần.
- Với liệu pháp điều trị toàn thân, có thể tiêm các tổn thương bằng dùng dung dịch bleomycine 0,1%
Ngoài ra, trong dân gian vẫn lưu truyền một số cách trị mụn hạt cơm bằng nguyên liệu tự nhiên như:
- Dùng tỏi giã nát, bôi lên nốt mụn, để trong vài tiếng, thực hiện trong thời gian 3 – 4 tuần.
- Dùng lá tía tô giã nát, đắp vào nốt mụn rồi lấy băng dính băng lại cho tới khi mụn teo nhỏ, biến mất.
- Dùng dung dịch giấm táo pha nước theo tỷ lệ 2:1, chấm vào nốt mụn, băng kín trong vài giờ rồi mới tháo ra.