Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nấm lưỡi là gì? Những điều cần biết về nấm lưỡi
Nấm lưỡi là một bệnh rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh do loại nấm men Candida albicans gây nên, thường gặp nhất ở trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu.Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Nấm lưỡi qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh nấm lưỡi hoặc nấm miệng là tình trạng lưỡi bị tưa do nấm Candida phát triển quá mức trong miệng, lưỡi hoặc hai má trong, thậm chí nấm có thể lan ra vòm miệng, nướu hoặc xuống họng.
Nghiêm trọng hơn, nấm có thể đi xuống cả hệ tiêu hóa, từ thực quản đến ruột, hoặc các cơ quan khác như phổi, gan và gây ra tình trạng nhiễm nấm đa phủ tạng. Những người bị nhiễm HIV và mắc các bệnh lý khác như đái tháo đường, suy thận hoặc ung thư, phải điều trị hồi sức tích cực trong thời gian dài có nguy cơ cao bị bệnh nấm lưỡi nặng.
Bất kỳ ai cũng có thể bị tưa lưỡi, tưa miệng, nhưng nhóm đối tượng thường gặp nhất của bệnh nấm lưỡi lại chính là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Bởi sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt và người cao tuổi thì suy giảm miễn dịch. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh nấm lưỡi ở trẻ em và người cao tuổi đặc biệt quan trọng.
Triệu chứng
Triệu chứng nấm lưỡi ở người lớn
Ở người lớn, bệnh nấm lưỡi gây ra những tổn thương trong miệng, lưỡi như sau:
- Xuất hiện các lớp giả mạc mỏng có màu trắng ngà hoặc trắng kem trong vòm miệng hoặc lưỡi. Hoặc cũng có thể là những mảng dày bị viêm đỏ, kèm theo những mụn li ti màu đỏ.
- Trong miệng, lưỡi có thể cảm thấy bị cộm, vướng.
- Giữa lưỡi hoặc nướu (lợi) sưng đỏ, đau ngứa rát. Khi bệnh nấm lưỡi tấn công xuống sâu hơn, sẽ gây khó chịu trong ăn uống, nuốt khó, nuốt đau tức ở ngực, kèm theo sốt.
- Có thể mất vị giác hoặc thay đổi vị giác.
- Khi cọ xát có thể bị chảy máu nhẹ.
- Khóe miệng bị viêm đỏ và nứt.
Triệu chứng bị nấm lưỡi ở trẻ
Tương tự người lớn, nấm lưỡi ở trẻ cũng gây ra những tổn thương như sau:
- Xuất hiện các mảng màu trắng ở trên bề mặt lưỡi hoặc trong khoang miệng.
- Trẻ khó chịu, đau nên hay quấy khóc, bỏ bú hoặc bỏ ăn.
- Với trẻ sơ sinh còn bú mẹ, nấm miệng của trẻ có thể lây sang vú mẹ khiến vú bị viêm đỏ, nứt ra và rất đau.
Nguyên nhân
Nấm Candida thường có trong khoang miệng, lẫn trong thức ăn hay từ không khí. Bình thường, nấm này không gây bệnh. Tuy nhiên, do một số yếu tố gây suy giảm miễn dịch hoặc mất cân bằng độ pH tại niêm mạc hay vệ sinh miệng không tốt tạo điều kiện cho nấm phát triển gây bệnh nấm lưỡi.
Nguyên nhân gây nấm lưỡi thường do sau ăn ít súc miệng ở các bé hoặc sau ăn kẹo ngọt.
Người lớn nếu vệ sinh răng miệng kém hoặc có thói quen hay ăn đêm không đánh răng làm cho môi trường miệng trở thành môi trường tốt cho sự phát triển của nấm.
Đối tượng nguy cơ
Ở những người bị những bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV, lao, đái đường… là những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nấm lưỡi.
Những bệnh nhân hay dùng thuốc corticoid thường xuyên, dùng kháng sinh kéo dài, bệnh nhân ung thư đang sử dụng hóa chất cũng là những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới sự phát triển của nấm.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp bị nấm lưỡi do:
- Hay bị khô lưỡi.
- Hay hút thuốc lá, hay uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích.
- Hay xịt các thuốc điều trị hen tại khoang miệng.
- Thiếu máu, các bệnh ung thư máu làm suy giảm dòng bạch cầu.
- Nấm lưỡi cũng có thể lây trực tiếp nên có thể lây khi hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng với những bệnh nhân bị nấm lưỡi, nấm âm đạo, nấm dương vật, nấm hậu môn…
- Phụ nữ có thai bị nấm âm đạo có thể lây nấm cho con trong khi sinh.
- Trẻ bị nấm khi bú có thể lây sang cho mẹ khi mẹ tiếp xúc cho con bú.
- Do môi trường cũng có thể chứa các bào tử nấm đang phát tán nên có thể tự nhiên bị nấm mà không do lây nhiễm.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nấm miệng thông qua việc quan sát, thăm khám khoang miệng và phát hiện những hình thái tổn thương đặc trưng. Ở một số trường hợp bác sĩ sẽ lấy mẫu nấm miệng để nuôi cấy, soi kết quả. Hoặc tiến hành sinh thiết vùng tổn thương để xác định chẩn đoán nấm Candida ở lưỡi. Quá trình chẩn đoán sẽ đơn giản đối với tổn thương trong phạm vi miệng, họng.
Đối với các tổn thương nấm Candida tại các khu vực khác như: Hạ họng, phế quản, thực quản, phổi, ruột, dạ dày,… bác sĩ cần tiến hành thủ thuật nội soi để lấy mẫu. Hoặc chụp thực quản để đánh giá, chẩn đoán và tiên lượng.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng nấm miệng tại nhà, bạn có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản sau đây:
- Thay đổi lối sống và thói quen ăn uống
- Hạn chế ăn tinh bột, đường, bánh kẹo, đồ ăn cay nóng, dầu mỡ,… giúp giảm thiểu vi khuẩn và nấm Candida tích tụ gây nấm miệng
- Hạn chế ăn tinh bột, đường, bánh kẹo, đồ ăn cay nóng, dầu mỡ,… giúp giảm thiểu vi khuẩn và nấm Candida tích tụ gây nấm miệng
- Không ăn vặt, không ăn quá muộn gây tăng sinh nấm Candida, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày tránh tình trạng khô miệng, vi khuẩn trong miệng
- Bổ sung lợi khuẩn bằng việc ăn sữa chua, yaourt hoặc các loại men vi sinh có lợi giúp tăng lợi khuẩn trong cơ thể
- Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích
- Vệ sinh miệng đúng cách, vệ sinh răng miệng đúng cách là phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh nấm miệng hiệu quả nhanh chóng, đơn giản nhất.
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày bằng kem đánh răng chứa fluoride
- Cạo lưỡi hàng ngày, dùng bàn chải đánh răng có mặt chải lưỡi
- Dùng nước súc miệng để diệt khuẩn sau khi ăn
- Dùng chỉ nha khoa, tăm nước để loại bỏ phần thức ăn thừa bám vào kẽ răng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn
- Sử dụng bàn chải mềm, chải răng đúng cách với lực vừa phải, thời gian từ 2-3 phút, tránh đánh răng mạnh gây tổn thương nướu
- Súc miệng với nước muối sinh lý sau khi ăn uống thực phẩm chứa đường, tinh bột
Điều trị như thế nào?
Tùy vào sức khỏe và độ tuổi, cách điều trị bệnh nấm lưỡi ở trẻ em và người lớn sẽ khác nhau. Tuy nhiên việc điều trị đều hướng tới mục tiêu là ngăn chặn nấm lây lan.
Điều trị nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh
Việc điều trị nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh còn bú mẹ cần được tiến hành ở cả trẻ và mẹ để tránh tái phát nhiễm trùng. Thuốc kháng nấm nhẹ sẽ được chỉ định cho trẻ và kem bôi chống nấm ở vú cho mẹ. Đối với trẻ bú bình, các dụng cụ bao gồm bình sữa, núm vú và các bộ phận của máy hút sữa cần được tháo rời và rửa sạch với nước và giấm. Ngoài ra, cần thực hiện chăm sóc và đánh tưa cho trẻ bị bệnh nấm lưỡi như sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa
- Cha mẹ rửa tay thật sạch rồi dùng một miếng gạc vải sạch và mềm để quấn vào đầu ngón trỏ. Sau đó, dùng ngón trỏ lấy thuốc chống nấm được bác sĩ kê đơn rồi đưa vào miệng trẻ, lau nhẹ nhàng 1 lần từ trong ra ngoài bề mặt của lưỡi.
- Có thể làm lại thêm 1 lần nữa nếu thấy bề mặt lưỡi chưa sạch. Cần thực hiện các động tác nhẹ nhàng và dứt khoát để tránh làm trẻ bị sặc, ngạt.
Điều trị nấm lưỡi ở người lớn và trẻ em
Với mức độ nhẹ, có thể dùng thuốc xịt chống nấm và thuốc súc miệng để giảm tình trạng nhiễm trùng do nấm gây ra. Bên cạnh đó, kết hợp dùng sữa chua hoặc viên nang acidophilus để khôi phục hệ vi khuẩn khỏe mạnh của cơ thể.
Với mức độ nặng và việc dùng thuốc xịt chống nấm tại chỗ không hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm toàn thân, liều dùng từ 1 – 2 tuần.
Nếu bệnh nặng hơn và ở nhóm đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch, thời gian điều trị bệnh nấm lưỡi có thể dài hơn, lên đến vài tháng. Một số loại thuốc chống nấm bác sĩ có thể chỉ định như amphotericin B, Clotrimazol, Fluconazol, Miconazol, Nystatin …
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về căn bệnh Nấm lưỡi. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.