Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sa búi trĩ là gì? Những điều cần biết về sa búi trĩ
Sa búi trĩ là tình trạng búi trĩ bị sa ra ngoài hậu môn. Búi trĩ là các mô hình mạch máu nằm ở vùng hậu môn – trực tràng. Khi các mô này bị giãn ra và phồng lên, chúng sẽ tạo thành búi trĩ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về sa búi trĩ qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung về sa búi trĩ
Sa búi trĩ là hiện tượng búi trĩ lòi ra ngoài, sa xuống khu vực hậu môn mỗi khi bệnh nhân đi đại tiện hoặc khi vận động mạnh. Mức độ sa nhiều hay ít tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh trĩ. Nếu trĩ nhẹ, người bệnh có thể chưa thấy đau, lộm cộm và khó chịu. Trường hợp trĩ nặng, búi trĩ lòi hẳn ra ngoài, phát triển lớn sẽ khiến bệnh nhân đau đớn mỗi lần đi vệ sinh, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Tình trạng sa búi trĩ có thể gặp ở cả trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trĩ nội là khi các búi trĩ hình thành phía trên đường lược, bên trong ống hậu môn. Trĩ ngoại là khi các búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược. Trĩ hỗn hợp là khi trĩ nội và trĩ ngoại cùng xuất hiện và liên kết với nhau.
Triệu chứng
Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp và dễ nhận thấy nhất khi người bệnh bị sa búi trĩ:
- Xuất hiện khối u: Dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh có thể dễ dàng phát hiện khi bị sa búi trĩ là khu vực hậu môn xuất hiện một hoặc nhiều khối u sau khi đi đại tiện. Các khối u này thường có kích thước nhỏ, khá mềm và không đau khi chạm vào. Thường thì người bệnh có thể dùng tay để đẩy các khối này về vị trí ban đầu.
- Tình trạng chảy máu: Khi mới bị sa búi trĩ, người bệnh thường thấy các vệt máu đỏ trên giấy vệ sinh hoặc bồn cầu sau khi đi đại tiện. Đến khi tình trạng này nghiêm trọng hơn, máu có thể chảy thành từng giọt hoặc tia, dẫn đến cơ thể bị mất lượng máu lớn và thiếu hụt máu.
- Ngứa ngáy hậu môn: Người bệnh khi bị trĩ và sa búi trĩ luôn cảm thấy ẩm ướt, ngứa ngáy ở hậu môn. Nguyên nhân là do búi trĩ sa trượt sẽ tiết nhiều chất dịch nhầy, từ đó dẫn đến viêm nhiễm ở vùng da xung quanh hậu môn.
- Gây ra khó chịu, đau đớn: Nếu không điều trị từ giai đoạn nhẹ, búi trĩ sẽ ngày càng phát triển với kích thước to hơn. Điều này khiến cho việc đi đại tiện bị cản trở, gây ra cảm giác đau đớn ngay cả khi sinh hoạt bình thường. Khi đó người bệnh sẽ luôn cảm thấy khó chịu, bất an, thiếu tự tin, khó tập trung.
Nguyên nhân
Sa búi trĩ không phải tự nhiên mà xuất hiện, nó là diễn tiến của bệnh trĩ nếu không được điều trị phù hợp có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh trĩ mà người bệnh không biết. Tình trạng này là do các yếu tố làm sưng phù tĩnh mạch xung quanh hậu môn, khiến chúng bị phồng lên, sung huyết. Các yếu tố nguy cơ khiến búi trĩ bị sa ra ngoài như:
- Tình trạng táo bón, tiêu chảy làm gia tăng áp lực ở hậu môn, khi người bệnh phải rặn mạnh làm tăng áp lực lên tĩnh mạch gây căng giãn và làm ứ máu.
- Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng chất xơ, làm tăng tần suất mắc bệnh táo bón, phân cứng rặn mạnh khiến vùng hậu môn bị tổn thương
- Những người bị thừa cân béo phì, không kiểm soát bệnh hiệu quả nên cũng có nguy cơ mắc bệnh.
- Những người thường xuyên phải lao động nặng, làm các công việc phải bê vác như vận động viên cử tạ, vận động viên quần vợt…
- Những người làm công việc phải đứng hoặc ngồi lâu làm gia tăng áp lực lên ổ bụng và cản trở sự lưu thông máu của tĩnh mạch vùng hậu môn.
- Mắc các bệnh lý như: u đại trực tràng, u ở tử cung, mang thai nhiều tháng… (trĩ triệu chứng)
Ngoài những yếu tố này, những người bị sa búi trĩ cũng có thể gặp phải do yếu tố tuổi tác khi các mô nâng đỡ ở trực tràng, hậu môn lâu ngày trở nên lỏng lẻo và nhão dần.
Đối tượng nguy cơ
Sa búi trĩ có nguy cơ cao xảy ra ở nhóm đối tượng có thói quen xấu như: ngồi lâu khi đi đại tiện, rặn khi đại tiểu, ăn uống không lành mạnh, ít ăn thực phẩm chứa chất xơ, uống ít nước, lười vận động, lạm dụng rượu bia, nghiện thuốc lá, tính chất công việc phải ngồi nhiều, liên tục phải mang vác đồ nặng, mang thai, quan hệ qua đường hậu môn…
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng mắt thường và dùng tay sờ vào hậu môn.Ngoài ra Ngoài ra, có một số phương pháp như: xét nghiệm tìm máu trong phân, soi đại tràng sigma.
Bác sĩ có thể nội soi toàn bộ đại tràng nếu:
- Các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh cho thấy có thể mắc bệnh khác thuộc hệ thống tiêu hóa.
- Người bệnh có các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Người bệnh đang ở độ tuổi trung niên và chưa bao giờ nội soi.
Phòng ngừa bệnh
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng vượt qua dễ dàng. Để ngăn ngừa bệnh trĩ và giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh trĩ, hãy làm theo các mẹo sau:
- Ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Làm như vậy vừa làm mềm phân và tăng số lượng lớn, từ đó sẽ giúp người bệnh tránh được sự đè ép có thể gây ra bệnh trĩ. Lưu ý, việc tăng thêm chất xơ vào chế độ ăn cần từ từ, để tránh các vấn đề về tạo quá khí hơi quá nhiều trong lòng ruột.
- Uống nhiều nước. Uống sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân.
- Cân nhắc bổ sung thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ (Fiber supplements). Hầu hết mọi người không nhận đủ lượng chất xơ khuyến cáo trong chế độ ăn uống là 25 gram mỗi ngày cho phụ nữ và 38 gram mỗi ngày cho nam giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bổ sung thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ không kê đơn, chẳng hạn như Metamucil và Citrucel, cải thiện các triệu chứng tổng thể và chảy máu do bệnh trĩ. Những sản phẩm này giúp làm cho phân mềm và đi đại tiện dễ dàng. Lưu ý nếu người bệnh được bổ sung thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, hãy chắc chắn uống ít nhất tám ly nước hoặc chất lỏng khác mỗi ngày. Nếu không, các chất trong thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ có thể gây táo bón hoặc làm cho tình trạng táo bón tồi tệ hơn.
- Không rặn mạnh khi đi đại tiện.
- Đi vệ sinh ngay khi cảm thấy muốn đi đại tiện, do nếu chờ cho cho cơn muốn đi đại tiện qua thì nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài đã bị giảm, phân sẽ vẫn nằm lại trong lòng ruột càng lâu thì càng bị cứng do bị hấp thụ nước và càng khó đẩy phân ra ngoài.
- Tập thể dục. Duy trì hoạt động để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch do đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân góp phần vào phòng chống và điều trị bệnh trĩ.
- Tránh ngồi lâu. Ngồi quá lâu, đặc biệt là trong nhà vệ sinh, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.
Điều trị như thế nào?
Có rất nhiều hướng xử trí cho những ai chưa biết trĩ lồi ra ngoài phải làm sao nhưng cần phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để có phương án phù hợp. Với những người bị sa búi trĩ ở mức độ nhẹ thì có thể tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, vận động nhiều hơn, tránh ngồi đại tiện quá lâu, chườm mát giảm đau,… để cải thiện.
Khi đã áp dụng các biện pháp này nhưng không hiệu quả thì người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị thích hợp. Tùy vào cấp độ bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng xử trí cụ thể như:
- Dùng thuốc: thuốc được chỉ định có thể là thuốc bôi hoặc thuốc uống hoặc kết hợp cả hai với mục đích ngăn ngừa viêm nhiễm và làm cho búi trĩ co lại.
- Can thiệp thủ thuật: các thủ thuật có thể được áp dụng phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể như: tiêm xơ hoá búi trĩ, vòng cao su thắt trĩ, đông máu búi trĩ bằng nhiệt hoặc quang đông, laser búi trĩ,…
- Phẫu thuật: thường chỉ định với bệnh nhân bị trĩ lồi ra ngoài ở cấp độ nặng và không hiệu quả với các phương pháp điều trị khác. Các phương pháp phẫu thuật hiện đang được thực hiện ở nhiều cơ sở y tế là: khâu treo triệt mạch trĩ bằng phương pháp Longo; khâu triệt mạch trĩ bằng siêu âm Doppler; cắt trĩ bằng phương pháp mổ mở với dao Plasma;…
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về sa búi trĩ. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.