Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sán lá ruột là gì? Những điều cần biết về sán lá ruột
Bệnh sán lá ruột chủ yếu hay gặp ở các nước Đông Nam Á và Đông Á. Tại nước ta, bệnh chủ yếu thấy trên lợn, tỷ lệ người nhiễm rất thấp. Vậy triệu chứng là gì? Nguyên nhân ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Sán lá ruột là loài kí sinh ở đường ruột thường gặp ở người và lợn. Tác nhân gây bệnh hay gặp nhất là loài Fasciolopsis buski.
Sán lá ruột có kích thước dài từ 30-70mm, chiều ngang khoảng 15mm. Miệng nằm ngay trước đầu. Trứng sán lá ruột khá lớn so với các loại trứng giun sán khác.
Bệnh sán lá ruột chủ yếu hay gặp ở các nước Đông Nam Á và Đông Á. Tại nước ta, bệnh chủ yếu thấy trên lợn, tỷ lệ người nhiễm rất thấp.
Các vùng địa lý nhiều ao hồ, sông suối có nhiều thực vật thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc dễ phát bệnh.
Triệu chứng
Biểu hiện lâm sàng:
- Giai đoạn ủ bệnh: bệnh nhân thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy, thiếu máu nhẹ.
- Giai đoạn phát bệnh: bệnh nhân thấy mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, đau bụng tiêu chảy thất thường, phân lỏng có nhiều chất nhầy lẫn nhiều thức ăn không tiêu. Tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, đau bụng thường đau ở vùng hạ vị và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội, bụng bị chướng, nhất là trẻ em. Ngoài ra, sán có thể gây tắc ruột. Khi nhiễm nhiều sán bệnh nhân có thể nôn ra trứng sán hoặc ra sán, nếu không được điều trị bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy kiệt.
Nguyên nhân
Nguyên nhân là do ăn phải sán lá ruột Fasciolopsis buski (2-4cm), chủ yếu tìm thấy trong các loại cây thủy sinh chưa nấu chín. Lợn, con người và có thể là chó là vật chủ, với ốc nước ngọt làm vật chủ trung gian nếu chúng tiếp xúc với phân của con người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị sán lá ruột:
- Trẻ em thường hay bị so với người lớn do trẻ em hay ngậm tay, tò mò đưa những thứ cầm được lên miệng.
- Người thường xuyên ăn rau thủy sinh sống hoặc chưa nấu chín.
- Người ở các vùng gần ao, hồ.
- Người trực tiếp làm trang trại chăn nuôi lợn.
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm phân hoắc các dịch thể như chất nôn, dịch tá tràng,… tìm trứng sán lá ruột để chẩn đoán bệnh.
- Xét nghiệm máu thấy số lượng hồng cầu, huyết tố cầu giảm, bạch cầu toan tính tăng lên.
- Xét nghiệm thấy có kháng thể kháng sán trong huyết thanh.
- Cần lưu ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh ký sinh trùng là giun đũa, giun móc/mỏ,…
Phòng ngừa bệnh
Để tránh bản thân bị mắc sán lá ruột cũng như chống dịch sán lá trong khu vực, cần phải:
- Không ăn các sống các loại rau cỏ thủy sinh. Rửa sạch và ngâm qua nước muối trước khi dùng.
- Diệt các loài ốc có hại sống trong nước.
- Người dân không uống nước lã, ăn các loại ốc chưa được nấu kỹ.
- Rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hay hái rau cỏ về.
- Quản lý chất thải, không bón trực tiếp phân tươi cho rau cỏ.
Nếu nghi ngờ bị nhiễm sán cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Điều trị như thế nào?
Biện pháp điều trị sán lá ruột:
- Điều trị càng sớm càng tốt, thuốc điều trị đặc hiệu cần được bác sĩ kê toa và chỉ định. Người bệnh đồng thời cần tuân thủ đủ liều và uống đúng chỉ dẫn.
- Điều trị hỗ trợ triệu chứng khi cần thiết để nâng cao, cải thiện thể trạng của bệnh nhân.
- Một số lưu ý những đối tượng không nên sử dụng thuốc điều trị như phụ nữ có thai, đang mắc bệnh cấp tính, suy tim, suy gan, bệnh thận.
- Thuốc điều trị: thuốc được lựa chọn trong thời gian gần đây là Praziquantel có dạng viên nén 600 mg liều 25mg/kg/ngày dùng trong 3 ngày hoặc uống một liều duy nhất 40 mg/kg sau khi ăn no.
Sán lá ruột là một căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Hãy nâng cao ý thức phòng ngừa và đi khám bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ.