Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sổ mũi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Chảy dịch mũi (còn gọi là sổ mũi) là trạng thái dịch tại hốc mũi chảy ra nhiều hơn so với trạng thái bình thường. Thông thường, nước mũi chảy theo hai hướng, một là chảy theo đường mũi, hai là chảy vào trong theo đường cổ họng. Vậy sổ mũi là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Sổ mũi là chất nhầy (dịch mũi) chảy ra khỏi mũi của bạn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sổ mũi có thể do thời tiết quá lạnh, khi ăn thức ăn cay hoặc do bạn mắc viêm mũi dị ứng, cảm lạnh thông thường. Tình trạng dịch mũi chảy ra quá mức so với trạng thái bình thường được hiểu theo thuật ngữ y khoa là “sổ mũi” hay “chảy dịch mũi”.
Ngoài ra, khi bị viêm mũi, bạn cũng có thể gặp tình trạng chảy dịch mũi. Viêm mũi được hiểu là viêm niêm mạc mũi. Tình trạng này xảy ra khi virus cảm lạnh hoặc các chất gây dị ứng như bụi mịn, phấn hoa xâm nhập vào cơ thể gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang. Lúc này, mũi bắt đầu tiết ra các chất nhầy trong hay nhiều người còn gọi là dịch mũi. Chất nhầy có vai trò “bẫy” virus, vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng và “xua đuổi” chúng ra khỏi hệ thống mũi và xoang.
Tình trạng đặc hay lỏng và màu sắc của chất nhầy chảy ra từ mũi có thể khác nhau. Ban đầu, chất nhầy có màu trắng trong suốt. Sau 2-3 ngày, chất nhầy có thể thay đổi màu sắc từ trắng đục hoặc vàng. Đôi khi dịch mũi cũng có thể chuyển sang màu xanh lục.
Triệu chứng
Khi bị sổ mũi, người bệnh thường có các triệu chứng kèm theo như sau:
- Chảy nước mũi kèm theo đó là nghẹt mũi, các mô tại mũi bị sưng khiến cho người bệnh gặp phải tình trạng khó thở.
- Sổ mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm thì người bệnh có thể bị mệt mỏi, đau họng, ho, đôi khi sẽ bị sốt.
- Sổ mũi do dị ứng thường sẽ kèm theo tình trạng ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người bệnh bị chảy nước mũi, biết được nguyên nhân sẽ giúp ích cho việc điều trị, cụ thể là do:
- Cảm lạnh: Đây là hiện tượng hay gặp khi thời tiết chuyển mùa. Virus tấn công ở mũi và họng gây ra chảy nước mũi. Biểu hiện ban đầu là nước mũi trong, sau vài ngày đặc dần, đôi lúc còn sốt nhẹ, đau họng, ngạt mũi. Tuy nhiên tuỳ vào đề kháng của mỗi người, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày.
- Cảm cúm: Bệnh do virus cúm gây ra. Bên cạnh triệu chứng sổ mũi, người bệnh còn bị sốt cao, đau họng, ngạt mũi,… Nếu cảm cúm gặp ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi có thể gây nguy hiểm do hệ miễn dịch kém.
- Dị ứng: Nếu tiếp xúc với tác nhân dị ứng như lông vật nuôi, bụi, phấn hoa,… bạn cũng có thể bị chảy nước mũi. Đây là biểu hiện của cơ thể phản ứng như cách chống lại vi khuẩn có hại.
- Viêm xoang: Các xoang trong mũi bị viêm, sưng, phù nề gây nghẹt mũi và có chất nhầy tích tụ rồi chảy ra ngoài.
- Viêm mũi vận mạch: Đây cũng là bệnh khiến bạn bị chảy mũi do nhiều tác nhân kích thích như môi trường bị ô nhiễm hoặc ăn thức ăn cay.
- Viêm amidan: Viêm amidan cũng là một nguyên nhân gây chảy nước mũi, nhất là ở trẻ em.
- Polyp mũi: Khi có polyp trên niêm mạc mũi khiến cơ thể nhầm tưởng đó là dị vật nên kích thích hệ miễn dịch tăng cường tiết chất nhầy để chống lại.
- Có dị vật trong mũi: Nguyên nhân này có thể xảy ra phổ biến ở trẻ em, khi ấy mũi tăng cường tiết dịch nhầy khiến chảy mũi thậm chí có mùi hôi ở bên mắc dị vật.
- U nang mũi: Có thể là u lành tính hoặc ác tính trong hốc mũi. Dù khá hiếm gặp nhưng cũng có thể xuất hiện ở vài người. Khi mắc phải, thường chỉ chảy mũi ở một bên.
- Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, chảy nước mũi cũng có thể là do thủy đậu hoặc vách ngăn bị lệch.
Đối tượng nguy cơ
- Trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch có nhiều khả năng gặp các biến chứng nhất.
- Hút thuốc cũng làm rối loạn phản ứng miễn dịch, làm tăng nguy cơ bị sổ mũi cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Những người mắc các bệnh hô hấp mạn tính nghiêm trọng, chẳng hạn như COPD, có nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát như viêm phế quản cấp tính, viêm xoang, viêm tai giữa và viêm phổi sau cảm lạnh.
Chẩn đoán
Xét nghiệm
Các trường hợp triệu chứng mũi cấp tính thường không được chỉ định xét nghiệm, ngoại trừ các tình huống nghi ngờ viêm xoang xâm lấn ở những người bệnh có hệ miễn dịch kém hoặc mắc bệnh tiểu đường. Đối với các đối tượng này cần phải chụp CT để kiểm tra. Còn đối với người bệnh bị nghi ngờ là sổ mũi có liên quan đến chảy dịch não tủy thì sẽ thực hiện xét nghiệm kiểm tra sự có mặt của beta-2 transferrin.
Chẩn đoán
- Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng chảy mũi là mạn tính hay tái phát. Nếu trong trường hợp tái phát thì kiểm tra xem có liên quan gì đến phơi nhiễm các chất gây dị ứng, theo mùa,… Còn nếu trong trường hợp có các dấu hiệu rò rỉ dịch não tủy hay cerebrospinal fluid – CSF thì có hiện tượng chảy dịch ở một bên mũi, nước mũi trong và đặc biệt là có kèm theo chấn thương vị trí vùng đầu. Trường hợp chảy dịch não tủy tuy hiếm xảy ra nhưng cũng có thể tự phát ở những phụ nữ béo phì ở tuổi 40 và thứ phát do chứng tăng áp lực nội sọ.
- Khám toàn thân giúp các y bác sĩ tìm kiếm các triệu chứng lâm sàng của nguyên nhân có thể gây bệnh bao gồm: chảy dịch nước mũi trong, ngứa mắt (dị ứng); đau họng, sốt và ho (URI virus – nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus); sốt và đau sọ mặt (viêm xoang).
- Chẩn đoán qua tiền sử bệnh giúp tìm ra các nguyên nhân gây dị ứng và sự tồn tại của bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc hệ miễn dịch bị suy giảm. Đối với những người bệnh đã từng sử dụng thuốc co mạch mũi, các bác sĩ sẽ khai thác cụ thể về việc sử dụng thuốc.
Phòng ngừa bệnh
Là bệnh thường gặp nhưng gây ảnh hưởng tới các hoạt động ban ngày, chất lượng giấc ngủ và hoạt động thể chất của người bệnh. Nhất là sổ mũi ở trẻ em khiến bé quấy khóc, mệt mỏi, bỏ ăn thậm chí gây viêm tai, viêm họng,… vì vậy việc phòng ngừa là cần thiết với việc áp dụng một số biện pháp sau:
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
- Hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện bệnh hô hấp.
- Tăng cường hệ miễn dịch nhờ ăn uống đủ chất, khoa học và đặc biệt là thường xuyên tập thể dục đều đặn. Bạn có thể bổ sung kẽm, vitamin C và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nhất là gia đình có trẻ nhỏ nên vệ sinh cả đồ chơi, vật dụng gia đình như tay nắm cửa, bàn ghế,…
- Đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn, tránh lây nhiễm vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
Điều trị như thế nào?
Điều trị sổ mũi bằng thuốc
Thông tin về các loại thuốc điều trị sổ mũi chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên khám bác sĩ tai mũi họng để được kê đơn. Không được tự ý sử dụng thuốc để tránh những biến chứng không mong muốn. Tùy nguyên nhân gây dịch mũi, sẽ có các loại thuốc đặc trị phù hợp:
- Thuốc co mạch giảm triệu chứng: Các thuốc co mạch dạng xịt chứa oxymetazoline để giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi. Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng, không nên dùng trong thời gian dài.
- Thuốc kháng histamin: Sử dụng thuốc kháng histamin trong trường hợp sổ mũi do dị ứng, nhiễm virus.
Tuy nhiên, những loại thuốc này không khuyến khích sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Điều trị sổ mũi tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc, khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bạn nên áp dụng một số cách hỗ trợ điều trị sổ mũi tại nhà hiệu quả:
- Dành thời gian nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước lọc.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp không khí không bị khô.
- Làm sạch dịch nhầy mũi bằng dung dịch xịt chuyên dụng.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về sổ mũi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.