Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sụp mi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Bệnh sụp mi có nhiều nguyên nhân, có thể không gây mù mắt, nhưng làm giảm chức năng thị giác (đặc biệt là ở trẻ em) và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt người bệnh.Vậy sụp mi là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Sụp mi (blepharoptosis, ptosis, drooping eye) là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau, 1 bên hoặc cả 2 bên với độ sụp cân xứng hoặc không cân xứng.
Tùy theo thời điểm xuất hiện có thể là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải. Tùy theo nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, có các loại sụp mi: Do cơ, do căng cơ, do thần kinh, do thần kinh cơ, do cơ học, do chấn thương, do tuổi già…
Triệu chứng
- Mi mắt trên sa trễ che lấp tầm nhìn.
- Hai mắt bất cân xứng do một mắt có vùng mí che lấp đồng tử.
- Mắt bị lão hóa không rõ nếp mí trên kèm theo bọng mỡ mắt.
- Khó mở mắt: Người bệnh cảm thấy nặng nề, khó khăn khi mở mắt.
- Đau đầu: Có thể xuất hiện đau đầu do căng cơ trán khi cố gắng nâng mí mắt.
- Mỏi mắt: Mắt thường xuyên mệt mỏi, đặc biệt khi đọc sách hoặc làm việc trên máy tính.
Nguyên nhân
Bình thường mi trên che qua vùng rìa giác mạc (ranh giới giữa lòng trắng và lòng đen) phía trên khoảng 2mm. Nếu vượt quá giới hạn đó, người ta gọi là sụp mi. Có hai nhóm nguyên nhân là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải.
- Sụp mi bẩm sinh chiếm khoảng 50-70% các trường hợp sụp mi, gồm sụp mi bẩm sinh đơn thuần, sụp mi bẩm sinh phối hợp (ví dụ phối hợp với liệt cơ nâng mi trên bẩm sinh, liệt dây thần kinh 3 bẩm sinh, hội chứng Marcus-Gunn: nháy mi trong khi bệnh nhân nhai, sụp mi bẩm sinh phối hợp với dị dạng ở mặt: mi trên ngắn, 2 mắt xa nhau,…).
- Sụp mi mắc phải có thể gặp do liệt dây thần kinh III do hội chứng khe giơi (liệt dây thần kinh VI, IV, V, III) do hội chứng đỉnh hốc mắt, do hội chứng xoang hang, sụp mi do bệnh nhược cơ, sụp mi do cân cơ, sụp mi sau chấn thương, sụp mi do u mi, sụp mi sau bỏng…).
Ngoài ra, nguyên nhân gây sụp mi có thể bao gồm:
- Yếu cơ: Cơ nâng mi bị yếu hoặc tổn thương.
- Thần kinh: Tổn thương dây thần kinh điều khiển cơ nâng mi.
- Lão hóa: Mí mắt lão hóa, mất đàn hồi theo tuổi tác.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị sụp mi là:
- Người có người trong nhà bị sụp mi.
- Càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao bị sụp mi.
- Người mắc bệnh lý thần kinh hoặc cơ: Các bệnh lý liên quan đến thần kinh và cơ có thể dẫn đến sụp mi.
- Bị các bệnh như xoang, mắt khe dơi,…
- Phẫu thuật vùng mắt có vấn đề.
- Thức khuya.
Chẩn đoán
Bệnh nhân bị sụp mi cần được khám xét, đánh giá tình trạng mi sụp và tìm nguyên nhân, các tổn thương kèm theo,… bao gồm:
- Khai thác tiền sử: Tiền sử gia đình, thai sản, quá trình phát triển, bệnh tật, chấn thương,…
- Khai thác bệnh sử: Thời điểm xuất hiện, diễn biến của sụp mi, các bất thường khác (song thị, giảm thị lực, đau nhức mắt, đau đầu, viêm tấy đỏ, yếu bại cơ, nói ngọng, ăn sặc, có tiếng thổi trong đầu,…), các xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị đã áp dụng và đáp ứng, diễn biến trong và sau điều trị.
- Khám xét toàn thân: Khám tổng quát và gửi khám các chuyên khoa có liên quan như: Thần kinh, tai mũi họng, hàm mặt, nội tiết, lồng ngực,…
Đánh giá tình trạng mi sụp:
Mức độ sụp mi: Hiện nay thường chia theo Mustarde như sau:
- Nhẹ (Độ I): Bờ mi nằm phía trên bờ đồng tử.
- Vừa (Độ II): Bờ mi nằm trên (che một phần) diện đồng tử.
- Nặng (Độ III): Bờ mi che toàn bộ diện đồng tử.
Biên độ vận động mi trên (đánh giá chức năng cơ nâng mi):
- Nhóm 1 (Chức năng cơ nâng mi kém): BĐVĐ ≤ 4 mm.
- Nhóm 2 (Chức năng cơ nâng mi trung bình): BĐVĐ = 5 – 7 mm.
- Nhóm 3 (Chức năng cơ nâng mi khá) BĐVĐ = 8 – 12 mm.
- Nhóm 4 (Chức năng cơ nâng mi tốt) BĐVĐ trên 12 mm.
Đánh giá tình trạng các cấu trúc, bệnh lý liên quan: hốc mắt, độ lồi nhãn cầu, tình trạng vận nhãn, nhãn cầu,…
Các xét nghiệm: Các thử nghiệm phát hiện nhược cơ (Điện cơ, test nước đá, test Prostigmin, Tensilon,…), chẩn đoán hình ảnh như siêu âm mắt, siêu âm mạch hốc mắt, chụp X quang hốc mắt, chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp mạch máu (DSA),…
Chẩn đoán phân biệt:
- Giả sụp mi: Do nhãn cầu teo nhỏ, mắt giả nhỏ, thụt nhãn cầu sau chấn thương gãy thành xương, lác đứng, sa cung mày, chùng dãn mi nặng, lác lên hoặc xuống đối bên, do khuôn mặt không cân đối (mặt lệch, 2 mắt không đối xứng),…
- Sụp mi cơ năng: co rút mi trên ở một mắt có thể làm cho mi mắt bên đối diện sụp nhẹ.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng sụp mi cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh:
- Không thức quá khuya, cần ngủ đủ giấc để đôi mắt được phục hồi sau khi lao động, làm việc.
- Không nên tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, không đọc sách báo khi thiếu ánh sáng.
- Không nên thường xuyên sử dụng kính sát tròng. Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt. Nên sử dụng kính râm hoặc kem chống nắng dành riêng cho mắt khi đi ra ngoài.
- Để cho mát có thời gian nghỉ ngơi, nếu phải làm việc liên tục với thiết bị điện tử, máy tính, thì sau 30-60 phút làm việc nên nhắm mắt lại trong vài giây để mát được thư giãn.
- Ngoài ra cần tránh xa các tác nhân không tốt cho mát, có chế độ ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E, … tốt cho mắt.
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày.
- Hạn chế uống cà phê, rượu, các chất kích thích…
- Khi có các bất thường về mắt thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mát và dùng thuốc theo đơn, không tùy tiện tra thuốc mắt mà không có chí định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Điều trị như thế nào?
Dựa vào từng trường hợp và chức năng cơ nâng mi trên, các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.
- Nếu chức năng cơ nâng mi trên yếu, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm phẫu thuật treo mi trên vào cơ trán bằng các nhiên liệu như silicon, farci alata, dây treo sinh học…
- Nếu chức năng cơ nâng mi trên tốt hoặc trung bình, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi trên.
- Sử dụng kính: Kính nâng mi có thể được sử dụng tạm thời để nâng mí mắt.
- Tập luyện cơ mắt: Bài tập mắt có thể giúp cải thiện tình trạng sụp mi nhẹ.
Sụp mi là một tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn và thẩm mỹ. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa, điều trị sẽ giúp bạn quản lý tình trạng này hiệu quả. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải các triệu chứng của sụp mi, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt. Chăm sóc đôi mắt đúng cách không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ sức khỏe tổng quát của bạn.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về sụp mi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.