Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh tả hiệu quả
Bệnh Tả được ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1850 và là một bệnh phổ biến trong giai đoạn trước năm 1975 với hàng trăm trường hợp bệnh báo cáo mỗi năm và rất ít tử vong. Gần đây nhất dịch Tả xảy ra vào cuối năm 2007-2008 với hàng ngàn trường hợp bệnh được báo cáo từ 19 tỉnh thành phía Bắc. Bệnh Tả là bệnh truyền nhiễm nhóm A và được quy định báo cáo chi tiết trường hợp bệnh trong vòng 24h kể từ khi chẩn đoán. Bài viết này giúp quý độc giả hiểu hơn về bệnh Tả như nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách phòng ngừa và điều trị bệnh.
Tổng quan chung về bệnh Tả
Tả là một bệnh truyền nhiễm có các triệu chứng chính là tiêu chảy, mất nước và rối loạn điện giải cấp tính, có thể gây thành dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh Tả lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu qua ăn, uống.
Vi khuẩn Tả xâm nhập vào đường tiêu hóa của người lành từ nước uống và thức ăn có nhiễm vi khuẩn Tả. Vi khuẩn Tả sống tập trung chủ yếu ở các loài thực động vật phù du như tảo, động vật giáp xác (tôm, cua…) và sò, hến… Các loại rau, hoa quả dùng để ăn sống được tưới, bón trực tiếp bằng nước cống hoặc phân tươi nhưng không xử lý sạch cũng có khả năng làm lây nhiễm phẩy khuẩn Tả rất cao. Khoảng 75% người nhiễm vi khuẩn Tả là không có biểu hiện triệu chứng bệnh, tuy nhiên họ vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7 – 14 ngày. Trong số những người có biểu hiện triệu chứng, 80% là ở thể nhẹ và vừa, chỉ có 20% có biểu hiện mất nước nặng.
Triệu chứng của bệnh
Các biểu hiện chính của bệnh Tả là tiêu chảy nhiều, không đau bụng và nôn mửa những chất lỏng trong suốt. Tiêu chảy đã từng được mệnh danh là “cái chết xanh” do da của bệnh nhân chuyển sang sắc xám xanh là kết quả của việc mất quá nhiều nước.
- Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ vài giờ cho đến 5 ngày
- Thời kỳ khởi phát biểu hiện chủ yếu là sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần
- Thời kỳ toàn phát bệnh nhân tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi 10 đến 20 lít nước chất thải một ngày. Đặc điểm đại tiện ra phân trong bệnh Tả điển hình chỉ toàn là nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không thấy có nhầy máu.
Nôn mửa rất dễ dàng, lúc đầu nôn ra thức ăn, lúc sau nôn ra toàn nước. Bệnh nhân mắc bệnh Tả thường không sốt, ít khi đau bụng. Tình trạng mất điện giải gây mệt lả, chuột rút…Triệu chứng mất nước: tụt huyết áp, mạch nhanh, mắt trũng, da nhăn nheo, giảm nước tiểu….
- Thời kỳ hồi phục bệnh Tả ở người thường diễn biến từ 1 – 3 ngày nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh Tả
Vi khuẩn Vibrio Cholerae là nguyên nhân gây ra bệnh Tả ở người. Chúng phát triển tốt trong môi trường có nhiều dinh dưỡng, môi trường kiềm như: Trong nước, thức ăn, trong cơ thể của các động vật biển (cá, cua, sò biển…), đặc biệt là trong nhiệt độ lạnh, phẩy khuẩn tả có thể sống được vài ngày đến 2 – 3 tuần. Phẩy khuẩn tả có bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (80°C/5 phút), hóa chất diệt khuẩn thông thường và môi trường acid.
Độc tố Cholerae do vi khuẩn Tả sản sinh trong ruột non chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh. Độc tố này liên kết với thành ruột, cản trở dòng chảy bình thường của natri và clorua, làm cho cơ thể tiết ra một lượng nước khổng lồ, dẫn đến tiêu chảy và nhanh chóng mất một lượng lớn nước và điện giải.
Nguồn nước ô nhiễm là nguồn bệnh chính của bệnh Tả, ngoài ra sò ốc sống, trái cây tươi sống, rau quả và các loại thực phẩm khác cũng có thể chứa vi khuẩn cholerae.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh Tả cực kỳ phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, đông đúc, chiến tranh và nạn đói. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu xuất hiện ở trẻ nhỏ.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh Tả, chẳng hạn như:
- Điều kiện vệ sinh kém
- Sống ở các khu vực trại tị nạn, các nước nghèo và các khu vực bị tàn phá bởi nạn đói, chiến tranh hay thiên tai
- Giảm hoặc không có axit dạ dày
- Người nhóm máu O: các nghiên cứu gen mới đây cho thấy rằng mức độ dễ bị lây nhiễm của một người đối với bệnh Tả phụ thuộc vào nhóm máu của họ. Người có nhóm máu O dễ bị lây nhiễm nhất trong khi người có nhóm máu AB có khả năng kháng cự nhiều nhất, gần như là miễn nhiễm.
- Ăn thức ăn chưa được nấu chín và các loài hải sản có vỏ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng
- Thời kỳ ủ bệnh: Từ vài giờ đến 5 ngày.
- Thời kỳ khởi phát: Biểu hiện bằng sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần.
- Thời kỳ toàn phát:
- Tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân tả điển hình toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu.
- Nôn, bệnh nhân nôn rất dễ dàng, lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước.
- Bệnh nhân thường không sốt, ít khi đau bụng.
- Tình trạng mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút…
- Thời kỳ hồi phục: Bệnh diễn biến từ 1-3 ngày nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh.
Bảng 1. Các mức độ mất nước
Các dấu hiệu | Mất nước độ 1 | Mất nước độ 2 | Mất nước độ 3 |
Khát nước | Ít | Vừa | Nhiều |
Tình trạng da | Bình thường | Khô | Nhăn nheo, mất đàn hồi da, mắt trũng |
Mạch | < 100 lần/phút | Nhanh nhỏ (100-120 lần/phút) | Rất nhanh, khó bắt (> 120 lần/phút) |
Huyết áp | Bình thường | < 90 mmHg | Rất thấp, có khi không đo được |
Nước tiểu | Ít | Thiểu niệu | Vô niệu |
Tay chân lạnh | Bình thường | Tay chân lạnh | Lạnh toàn thân |
Lượng nước mất | 5-6% trọng lượng cơ thể | 7-9% trọng lượng cơ thể | Từ 10% trọng lượng cơ thể trở lên |
Cận lâm sàng
- Soi phân
- Cấy phân
- Tình trạng cô đặc máu: Hematocrit tăng.
- Tình trạng rối loạn điện giải: Giảm kali, giảm bicarbonat, thậm chí pH thấp.
- Suy thận: urê và creatinin máu tăng trong những trường hợp nặng.
Dịch tễ học
- Cư trú tại vùng dịch tễ lưu hành hoặc đang có dịch tả.
- Tiếp xúc với người bị tả hoặc tiêu chảy mà chưa xác định được nguyên nhân.
- Ăn uống thực phẩm chưa nấu chín bị ô nhiễm như hải sản sống, mắm tôm sống,…
CHÚ Ý: Trong vụ dịch, chẩn đoán trường hợp bệnh dựa chủ yếu vào các biểu hiện lâm sàng.
Chẩn đoán phân biệt
- Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do Salmonella: Sau ăn thức ăn nhiễm khuẩn 12-14 giờ, sốt cao, đau bụng tiêu chảy và nôn có thể gây mất nước, phân có thể nước hoặc nước máu.
- Lỵ trực khuẩn: Sốt, đau quặn bụng, mót rặn và phân có máu mũi.
- Escherichia coli gây bệnh: Các chủng nhóm huyết thanh O124, O136, O144 gây tiêu chảy và nôn do độc tố ruột.
- Do độc tố của tụ cầu: Ủ bệnh ngắn trong vài giờ sau khi ăn. Bệnh cấp tính như đau bụng dữ dội kiểu viêm dạ dày ruột cấp, nôn và tiêu chảy phân lỏng. Bệnh nhân không sốt và có khuynh hướng truỵ mạch.
- Do ăn phải nấm độc: Không sốt, đau bụng nhiều, nôn và tiêu chảy sau khi ăn phải nấm độc. Trường hợp nặng có thể gây nôn ra máu, đi ngoài ra máu, vàng da và mê sảng. Cần hỏi kỹ tiền sử ăn uống.
- Tiêu chảy do ngộ độc hoá chất: Do ăn thức ăn có nhiễm hoá chất như hoá chất bảo vệ thực vật.
Phòng ngừa bệnh
- Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Nếu không có xà phòng và nước, có thể sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
- Uống nước đun sôi hoặc đã được khử trùng.
- Ăn thực phẩm còn nóng và được nấu chín hoàn toàn, tránh những thực phẩm bán hàng rong ngoài đường không đảm bảo vệ sinh
- Tránh ăn các món hải sản sống.
- Gọt vỏ trái cây, rau quả trước khi ăn, chẳng hạn như chuối, cam, nho.
- Cảnh giác với các thực phẩm từ sữa, bao gồm cả kem và sữa chưa tiệt trùng.
Ngoài ra để phòng bệnh Tả cần uống vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng của các nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người bị nhiễm HIV, ở những quốc gia mà bệnh Tả vẫn còn nhiều.
Điều trị bệnh Tả như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh bệnh tả là cần cách ly bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả. Bổ sung nước và điện giải nhanh chóng, đầy đủ. Sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn.
Điều trị bệnh tả cụ thể như sau:
- Bù nước và điện giải: mục tiêu là để thay thế nước và các chất điện giải bằng các loại dịch qua đường uống (oresol, nước cam chanh…)
- Khi mắc bệnh tả cần bù nước và điện giải qua đường uống (uống ORS). Với những bệnh nhân có thể uống được, mất nước nhẹ, hoặc ở thời kỳ bình phục, cần bù nước, điện giải bằng đường uống càng sớm càng tốt. Uống oresol pha trong 1 lít nước đã được đun sôi.
- Trường hợp không có Oresol có thể sử dụng nước dừa non thêm một ít muối, hoặc pha dung dịch thay thế gồm 8 thìa cà phê đường với 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước đã được đun sôi để nguội.
- Cho người bệnh uống theo nhu cầu, nếu nôn nhiều cho uống bằng thìa nhỏ hoặc từng ít một.
- Dịch truyền tĩnh mạch: Trong bệnh tả, hầu hết triệu chứng sẽ giảm nếu được bù nước bằng đường uống, nhưng nếu bệnh nhân mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho truyền dịch tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh không cần thiết cho việc điều trị bệnh tả, nhưng một số loại thuốc có thể làm giảm cả số lượng và thời gian tiêu chảy.
- Bổ sung kẽm: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẽm có thể làm giảm và rút ngắn thời gian tiêu chảy ở trẻ em mắc bệnh tả.
- Chế độ dinh dưỡng: người bệnh nên ăn sớm nếu có thể, ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu. Ở trẻ em tiếp tục bú sữa mẹ đầy đủ.
Kết luận
Bệnh tả là một căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu chúng ta có kiến thức đúng đắn và thực hiện các biện pháp vệ sinh hợp lý. Hãy luôn rửa tay sạch sẽ, ăn chín uống sôi, và tránh tiêu thụ các thực phẩm không rõ nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, đừng chần chừ mà hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp chúng ta vượt qua bệnh tật một cách an toàn và nhanh chóng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.