Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh thận tắc nghẽn là gì? Những điều cần biết về bệnh thận tắc nghẽn
Bệnh thận tắc nghẽn là một tình trạng xảy ra khi có sự cản trở trong hệ thống đường tiết niệu, gây ra sự ứ đọng nước tiểu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận. Bệnh này không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh thận tắc nghẽn qua bài viết này.
Tổng quan chung
Bệnh thận tắc nghẽn hay còn gọi là tắc nghẽn tiết niệu là tình trạng nước tiểu không thể chảy (ở một bên hay cả hai bên) niệu quản nên thay vì chảy từ thận vào bàng quang, dòng nước tiểu lại chảy ngược trở lại về thận và có thể gây tổn thương ở một hoặc cả hai bên thận.
Tình trạng tắc nghẽn đường niệu có thể gây sưng và tổn thương ở một hoặc cả hai bên thận. Nam nữ ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc căn bệnh này. Tắc nghẽn đường niệu còn có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với thai nhi vẫn đang trong bụng mẹ.
Triệu chứng thận tắc nghẽn
Các dấu hiệu thận tắc nghẽn điển hình
- Đau ở vùng thắt lưng
Nếu một hoặc trong cả hai thận đều bị tắc nghẽn, người bệnh có thể cảm thấy đau ở vùng thắt lưng hoặc vùng bụng. Cơn đau từ mức độ trung bình đến nặng, tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn. Để kiểm tra, bác sĩ có thể chạm vào vùng thắt lưng và nếu người bệnh cảm thấy đau, cơn đau rõ ràng và sắc nét thì có nhiều khả năng thận đã bị tắc nghẽn.
- Máu trong nước tiểu
Một số người bị tắc nghẽn ở thận cho hay họ phát hiện thấy nước tiểu có lẫn máu. Cụ thể là nước tiểu xuất hiện màu cam hoặc màu đỏ.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Thận tắc nghẽn có thể khiến nước tiểu tích tụ bên trong thận, dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm sốt, đau khi đi tiểu hoặc tiểu gấp. Một số trường hợp còn có thể bị đau ở thắt lưng hoặc bụng. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Tăng cân
Sự tắc nghẽn của thận ngăn chặn sự bài tiết chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này có thể khiến một số bộ phận của cơ thể bị tích nước và sưng lên, chẳng hạn như bàn chân, mắt cá chân hoặc bàn tay.
- Huyết áp cao
Thận tắc nghẽn có thể ngăn chặn chức năng loại bỏ muối và nước dư thừa trong máu. Điều này sẽ khiến tim gặp nhiều khó khăn để bơm máu đi khắp cơ thể và có thể gây ra huyết áp cao.
Nếu thận bị tắc nghẽn hoàn toàn, ngừng sản xuất nước tiểu và không còn hoạt động. Nếu không chữa trị sẽ dẫn tới tình trạng suy thận cấp, đe dọa tính mạng của người bệnh trong một số trường hợp.
Nguyên nhân gây thận tắc nghẽn
Bệnh thận tắc nghẽn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhan gây tắc nghẽn đường tiết niệu do tình trạng nén ép do ứ nước tiểu tại thận có thể gây tổn thương thận và ống niệu quản.
Tắc nghẽn đường niệu tạm thời hay vĩnh viễn tại niệu quản có thể do:
- Các chấn thương như gãy xương chậu
- Khối u di căn tới thận, bàng quang, tử cung hay đại tràng
- Các bệnh tại đường tiêu hóa
- Sỏi niệu quản
- Hình thành cục máu đông
Các rối loạn hệ thần kinh trung ương cũng có thể gây tắc đường tiết niệu, xảy ra khi các dây thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của bàng quang không thực hiện được đúng chức năng của mình. Việc sử dụng các loại thuốc tác động lên thần kinh để kiểm soát tình trạng bàng quang tăng hoạt động quá mức cũng có thể gây tắc nghẽn đường niệu trong một số trường hợp.
Đối tượng nguy cơ
- Đối với trẻ em, tình trạng thận tắc nghẽn có thể do hẹp niệu đạo bẩm sinh hoặc hẹp lỗ niệu đạo.
- Đối với người lớn, nguyên nhân phổ biến nhất đến từ những bệnh lý nên như sỏi thận, trào ngược dạ dày thực quản, phì đại tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết…
- Người trưởng thành cũng có thể bị tắc nghẽn thận bởi những tác động từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: uống nhiều rượu bia, thiếu ngủ, uống nhiều đồ bổ thận…
Chẩn đoán bệnh thận tắc nghẽn
- Xét nghiệm nước tiểu, điện giải đồ, urê máu và creatinin huyết thanh.
- Để đánh giá lượng nước tiểu tồn dư sau đi tiểu cần đặt ống thông bàng quang hoặc siêu âm tại giường, nếu nghi ngờ có tắc nghẽn niệu đạo đôi khi cần nội soi bàng quang niệu đạo và chụp bàng quang niệu đạo khi đi tiểu.
- Chẩn đoán hình ảnh được chỉ định khi nghi ngờ tắc nghẽn ở niệu quản, ở gần thận hoặc ứ nước thận với triệu chứng lâm sàng không điển hình.
Bệnh nhân với bất kỳ triệu chứng nào sau đây cần được xem xét chẩn đoán bệnh thận tắc nghẽn:
- Số lượng nước tiểu giảm hoặc vô niệu
- Suy thận không rõ nguyên nhân
- Đau gợi ý có tắc nghẽn đường tiểu
- Triệu chứng thiểu niệu hoặc vô niệu xen kẽ với đa niệu.
Bệnh sử có thể gợi ý các triệu chứng của phì đại lành tính (BPH), ung thư trước đó (ví dụ như tuyến tiền liệt, thận, niệu quản, bàng quang, phần phụ, đại trực tràng), hoặc sỏi tiết niệu. Cần chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt vì can thiệp sớm làm giảm tắc nghẽn sớm đạt hiệu quả tốt nhất.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa nguy cơ tắc nghẽn thận, mỗi người nên rèn luyện những thói quen có lợi cho sức khỏe như:
- Nên uống nhiều nước mỗi ngày, đặc biệt là với bệnh nhân có sỏi thận. Nước uống nên được lọc sạch sẽ, có thể kết hợp với một số loại nước sắc như: râu ngô, mã đề, hoa anh thảo…
- Những bệnh nhân viêm tiết niệu cần lưu ý vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên trước và sau quan hệ tình dục, không quan hệ bừa bãi…
- Không tắm ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm
- Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách… để tránh nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng, hẹp lỗ đường tiểu…
Điều trị như thế nào?
Mục tiêu điều trị là làm thông vị trí tắc tại niệu quản để nước tiểu có thể chảy bình thường.
- Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ loại bỏ các yếu tố gây tắc nghẽn như khối u, polyp hay mô sẹo hình thành trong và xung quanh niệu quản để nước tiểu có thể chảy trở lại vào bàng quang.
- Đặt stent
Một phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn là đặt một ống stent trong niệu quản hay thận bị tắc nghẽn. Stent niệu quản là một dây catheter được đặt bên trong niệu quản để dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có thể đặt qua da hay qua ngã soi bàng quang. Stent giúp niệu quản được thông và cho phép nước tiểu thoát lưu. Phương pháp này có thể được áp dụng trong trường hợp niệu quản trở nên quá hẹp do hình thành mô sẹo hoặc do nguyên nhân khác.
Thận tắc nghẽn là bệnh lý có thể gây khó khăn trong sinh hoạt, nếu không phát hiện kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh. Hy vọng bài viết này mang lại các thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.