Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thoái hóa khớp ngón tay là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Viêm thoái hoá khớp ngón tay là bệnh lý khá thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh có thể gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày do đau và biến dạng khớp. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm khớp ngón tay là tình trạng có thể xảy ra tại bất kỳ ngón tay nào như khớp ngón tay cái, khớp ngón tay út… Bệnh lý này là tình trạng sụn nằm tại đầu những xương hình thành khớp ngón tay bị mòn hay thoái hóa, diễn ra từ từ trong nhiều năm.
Khi bị viêm dẫn tới thoái hóa khớp bàn tay và ngón tay, những sụn bao phủ đầu xương bị giảm chất lượng. Bề mặt sụn trở nên sần sùi. Các xương khi đó cọ xát với nhau có thể dẫn tới tổn thương khớp. Những tổn thương khớp có khả năng dẫn tới sự tăng trưởng của những xương mới dọc theo hai bên xương hiện có (gai xương) hay tạo ra khối gồ trên khớp ngón tay của người bệnh.
Triệu chứng
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bạn đã mắc phải chứng bệnh thoái hóa khớp ngón tay:
- Đau khớp ngón tay: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh thoái hóa khớp, trong đó bao gồm thoái hóa khớp ngón tay. Những cơn đau có thể xảy ra khi người bệnh nắm tay hoặc phải dùng lực ở ngón tay. Ở những trường hợp nặng hơn, cơn đau và cứng khớp sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, dù người bệnh nghỉ ngơi và không dùng đến lực của khớp ngón tay.
- Biến dạng ngón tay: Khi viêm khớp, thoái hóa khớp ngón tay đã tiến triển nặng, ngón tay của người bệnh có thể bị biến dạng. Trong đó thường gặp nhất là tình trạng khớp bàn tay hướng về ngón út gây lệch xương trụ khiến người bệnh bị đau và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thường ngày.
- Biến dạng khớp liên đốt: Khi bị thoái hóa, khớp liên đốt ngón tay cũng có thể biến dạng do duỗi hoặc gập quá mức. Trong đó, biến dạng cổ thiên nga hay biến dạng boutonniere là những kiểu biến dạng đặc trưng nhất. Bên cạnh đó, các khớp liên đốt cũng bị sưng, đau có thể tạo thành nốt Bouchard và nốt Heberden.
- Cứng khớp: Tình trạng cứng khớp, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi.
- Sưng viêm: Các khớp ngón tay có thể bị sưng, nóng đỏ.
- Tiếng kêu khi cử động: Nghe thấy tiếng kêu lục cục hoặc lạo xạo khi cử động khớp ngón tay.
- Giảm khả năng vận động: Khó khăn trong việc cử động, nắm hoặc giữ các vật dụng.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa khớp tay bao gồm:
Do chấn thương
Chấn thương là một trong các nguyên nhân thường gặp làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp, nhất là những khớp ngón tay và khớp nhỏ tại bàn tay. Sau chấn thương, sự liên kết giữa những khớp xương trở nên lỏng lẻo, khớp trở nên nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, chấn thương làm xương bị suy yếu, chịu nhiều áp lực, tăng nguy cơ thoái hóa. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở người bị trật khớp, gãy xương.
Do tính chất công việc
Những người sử dụng bàn tay nhiều khi làm việc rất dễ bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay. Tình trạng thoái hóa thường gặp ở bên tay vận động nhiều hơn. Khi bị thoái hóa, các khớp bên tay thuận cũng có biểu hiện nặng hơn, biến dạng nghiêm trọng hơn. Với người bị viêm khớp dạng thấp, hiện tượng khớp bàn tay và ngón tay bị thoái hóa chiếm tỷ lệ cao hơn những khớp khác trên cơ thể.
Lão hóa tự nhiên do tuổi tác
Khi càng lớn tuổi, quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra nhanh chóng. Thoái hóa khớp thường là bệnh thường gặp ở người bệnh từ 55 tuổi trở lên. Lúc này, lượng máu tới nuôi dưỡng vùng khớp giảm sút, bao khớp bị thiếu chất nhầy và dịch khớp bị khô. Tình trạng này làm tăng ma sát, sụn bị bào mòn, va chạm vào gây đau, đồng thời làm hình thành nhiều gai xương nhỏ.
Các bệnh lý khác
Tình trạng thoái hóa khớp có thể xuất hiện sau chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và một số rối loạn chuyển hóa như tiểu đường. Với người lớn tuổi, nguyên nhân gây thoái hóa còn là do ít vận động cơ thể.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao mắc thoái hóa khớp ngón tay bao gồm:
- Người cao tuổi: Tỷ lệ thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác.
- Những người làm việc liên quan đến ngón tay: Nhân viên văn phòng, thợ thủ công, vận động viên thể thao.
- Người có tiền sử chấn thương ngón tay: Những người đã từng bị chấn thương ngón tay.
- Người có bệnh lý viêm khớp: Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gút.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp sau:
- Khám lâm sàng: Đánh giá triệu chứng, kiểm tra sự đau nhức, sưng viêm và khả năng vận động của ngón tay.
- Chụp X-quang: Giúp xác định mức độ tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn.
- Chụp MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết về tình trạng sụn khớp và mô mềm xung quanh khớp.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc các bệnh lý khác liên quan.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp ngón tay:
- Tập luyện đều đặn: Người bệnh cần thường xuyên thực hiện các bài vận động vừa sức. Thói quen tốt này sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng, giảm bớt tình trạng đau cứng khớp, hỗ trợ máu lưu thông tại khớp tốt hơn.
- Không để tay làm việc quá nhiều: Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi khi làm việc bằng bàn tay quá nhiều. Điều này sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa nguy cơ viêm khớp ngón tay.
- Tránh chấn thương: Sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc hoặc vận động.
- Giữ ấm cơ thể: Khi trời trở lạnh, bạn nên chú ý việc giữ ấm cơ thể nhằm giảm bớt tình trạng đau cứng khớp.
- Xử lý đúng cách khi bị cứng khớp ngón tay: Khi bị cứng khớp ngón tay, người bệnh có thể xoa bóp nhẹ nhàng hay dùng gel kháng viêm để cải thiện tình trạng này, tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên bổ sung vào thực đơn ăn uống những nhóm thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin, khoáng chất… Người bệnh cần tránh những món ăn chế biến nhiều dầu mỡ, cay nóng, chứa các loại chất kích thích, sẽ gây ảnh hưởng đến đề kháng của cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị với thuốc chống viêm không steroid. Nhóm thuốc này giúp giảm đau nhức ở các khớp, đồng thời ngăn ngừa và kiểm soát mức độ viêm hiệu quả. Các loại thuốc chống viêm không steroid phổ biến cho bệnh nhân gồm: Diclofenac, Celecoxib, Ibuprofen, Naproxen… Thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol sẽ được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhẹ, có cơn đau ngắt quãng, bệnh nhân có hiện tượng kích ứng dạ dày. Thuốc giúp giảm đau, tăng khả năng vận động, sự linh hoạt xương khớp cho người bệnh
- Thuốc chứa Glucosamine, Chondroitin: Người bệnh thoái hóa khớp thường được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc chứa Glucosamine và Chondroitin. Các loại thuốc này giúp cải thiện tình trạng bệnh, đẩy nhanh tiến độ phục hồi tổn thương. Glucosamine và Chondroitin là các hoạt chất kích thích tăng tiết dịch nhầy, đẩy nhanh quá trình tái tạo sụn khớp, qua đó giúp cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
- Tiêm corticoid vào khớp: Với các trường hợp thoái hóa nặng, tình trạng đau và viêm khớp không kiểm soát được bằng các loại thuốc trên, người bệnh có thể được chỉ định tiêm cortisone vào khớp. Tiêm cortisone hỗ trợ giảm viêm, giảm đau mạnh.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Loại thuốc này được chỉ định cho người bệnh bị đau nhiều, gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Tác dụng thuốc là xoa dịu cảm giác đau nhức, thư giãn tinh thần cho người bệnh. Thuốc chống trầm cảm ba vòng phổ biến là Duloxetine.
Vật lý trị liệu
- Người bệnh thoái khớp bàn tay, ngón tay trong thời gian sử dụng thuốc sẽ được yêu cầu tập vật lý trị liệu. Tùy theo tình trạng bệnh, bạn sẽ được các chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn những bài tập tăng cường phù hợp. Tác dụng của các bài tập vật lý trị liệu là duy trì khả năng vận động, sự linh hoạt cho các khớp bàn tay, ngón tay, đồng thời kiểm soát cơn đau, hạn chế tình trạng cứng khớp. Tập vật lý trị liệu đều đặn còn giúp người bệnh tăng cường sức cơ, ổn định cấu trúc khớp và mô mềm, tăng tầm vận động bàn tay, ngón tay, dễ cầm nắm đồ vật hơn.
- Chườm nóng/lạnh: chườm nóng giúp xoa dịu tình trạng cứng khớp, giúp giảm đau hiệu quả. kích thích lưu thông máu, thư giãn mô mềm và tăng tiến độ phục hồi khớp hư tổn. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm hay bình thủy tinh chứa nước nóng để chườm lên những khớp xương bị đau. Mỗi ngày, bạn thực hiện khoảng 3 lần, mỗi lần 15 – 20 phút. Người bệnh có thể thực hiện chườm lạnh xen kẽ chườm nóng để tăng hiệu quả giảm đau. Tác dụng của chườm lạnh là gây tê, giảm đau tại khu vực bị ảnh hưởng, giúp giảm viêm và sưng tại các khớp.
- Sử dụng nẹp hoặc băng thun: sử dụng nẹp hay băng thun để cố định phần xương bị tổn thương. Biện pháp này giúp giảm đau, hạn chế các hoạt động ảnh hưởng tới khớp, đồng thời giúp tổn thương bên trong nhanh hồi phục, ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp.
Duy trì thói quen luyện tập và chế độ ăn
- Người bệnh cũng nên duy trì thói quen tập luyện tại nhà, bài tập thái cực quyền. Điều này sẽ giúp bạn duy trì hoạt động, sự linh hoạt cho xương khớp. Đối với trường hợp thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay, người bệnh nên tập luyện động tác nắm tay, động tác uốn cong những ngón tay mỗi ngày.
- Người bệnh cần duy trì chế độ ăn giàu canxi, phốt pho, mangan, chất chống oxy hóa, vitamin (A, B, C, D), axit béo omega-3.
Phẫu thuật
- Khi điều trị nội khoa thất bại, người bệnh xuất hiện biến chứng hay nguy cơ hoại tử xương, gãy xương bệnh lý. Tùy theo khớp ảnh hưởng và mức độ bệnh, người bệnh có thể được chỉ định can thiệp phẫu thuật phù hợp.