Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota là gì? Những điều cần biết về bệnh
Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có ít nhất 1 trường hợp được xác định là do virus Rota gây ra. Tiêu chảy do Rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị mất nước nặng vì vừa nôn ói và tiêu chảy lên đến 20 lần/ngày. Uống ngừa sớm vắc xin Rota cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi là biện pháp hiệu quả để phòng tránh bệnh cùng với việc cho trẻ duy trì vệ sinh cá nhân, uống nước sạch và bú sữa mẹ.
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Trẻ khi bị nhiễm virus Rota có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Các triệu chứng của tiêu chảy cấp do virus Rota bao gồm:
- Nôn mửa: Đây là dấu hiệu đầu tiên, trẻ nôn mửa rất nhiều trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày, triệu chứng này sẽ giảm dần khi tiêu chảy xuất hiện.
- Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể đi tiêu phân lỏng hơn 20 lần trong ngày.
- Mất nước: Các biểu hiện của mất nước bao gồm khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc. Đây là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do virus Rota, có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.
- Trẻ sụt cân do mất nước, ăn uống kém.
- Một số trẻ còn có dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi.
Nguyên nhân của tiêu chảy do virus Rota
- Do bình sữa không đảm bảo vệ sinh, nhiễm khuẩn từ môi trường đối với trẻ bú bình, trẻ bú mẹ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.
- Thực phẩm không được bảo quản đúng cách sau khi chế biến.
- Thức ăn bị ô nhiễm trong quá trình chế biến: đặc biệt là đối với các món thịt tươi sống như thịt bò, thịt heo, cá.
- Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và nước chưa đun sôi hoặc để lâu khi trẻ uống sẽ dễ mắc bệnh. Đối với những gia đình sử dụng máy lọc nước trực tiếp từ nguồn nước cũng cần đảm bảo đun sôi trước khi cho trẻ sử dụng.
- Truyền nhiễm từ dụng cụ hoặc tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
- Trẻ có thói quen đưa tay vào miệng khi chơi đùa hoặc khi ăn: cần tập thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cho trẻ.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc tiêu chảy do virus Rota
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại virus này.
Một số yếu các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Tiếp xúc với nguồn bệnh bao gồm tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng, đồ ăn… có nhiễm virus Rota.
- Trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh: Đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo…
- Nguồn nước bị nhiễm virus Rota.
- Xử lý không đúng phân và chất thải có chứa virus Rota.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý phân và chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến, trước khi cho trẻ ăn.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: như tả, thương hàn, E.Coli và một số bệnh tiêu chảy khác: Phân lỏng, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn.
Xét nghiệm
Có 3 nhóm chính:
Phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện vi rút hoặc kháng nguyên
- Loại mẫu bệnh phẩm: lấy bệnh phẩm phân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân.
- Phương pháp xét nghiệm: Dùng kỹ thuật kính hiển vi điện tử, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, miễn dịch phóng xạ, ngưng kết hồng cầu thụ động, ngưng kết hạt latex, điện di, ELISA.
Phương pháp chẩn đoán phát hiện ARN của virus
- Loại mẫu bệnh phẩm: lấy bệnh phẩm phân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng hoặc lấy huyết thanh bệnh nhân.
- Phương pháp xét nghiệm: Dùng kỹ thuật PCR.
Phương pháp chẩn đoán huyết thanh học
- Loại mẫu bệnh phẩm: Lấy máu tĩnh mạch bệnh nhân và chắt lấy huyết thanh.
- Phương pháp xét nghiệm: Chỉ sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu vì tỷ lệ nhiễm virus ở quần thể dân cư khá cao nên chẩn đoán huyết thanh xác định kháng thể kháng virus Rota ít có ý nghĩa chẩn đoán. Dùng các kỹ thuật khuếch tán miễn dịch trên thạch, trung hòa trên tế bào thận khỉ bào thai, ức chế ngưng kết hồng cầu thụ động, miễn dịch phóng xạ, phát hiện IgM xuất hiện sớm đặc hiệu, miễn dịch phóng xạ hoặc phản ứng kết hợp bổ thể để tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.
Bệnh tiêu chảy do virus Rota là bệnh cấp tính, nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do mất nước và điện giải. Vì vậy, chỉ có phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện virus từ bệnh phẩm là có giá trị nhất đối với bệnh nhân.
Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy Rota ở trẻ
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày
- Ăn chín uống sôi là tiêu chí hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy Rota.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn kém vệ sinh.
- Nên tiệt trùng bình sữa, dụng cụ ăn uống của trẻ bằng nước sôi hoặc máy tiệt trùng chuyên dụng trước khi ăn uống.
- Vệ sinh khu vực sinh hoạt, đồ chơi của trẻ thường xuyên để tránh virus Rota có thể bám trên bề mặt.
- Thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất hoặc các loại men vi sinh để tăng đề kháng cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Sử dụng vaccine để phòng bệnh
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên uống dự phòng vắc xin Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Tháng 1/2006, Tổ chức Y tế Thế giới đã phê chuẩn cho sử dụng 2 loại vắc xin Rota (RotaTeq của hãng Meck và Rotarix của hãng Glaxo Smith Kline).
- RotaTeq là vắc xin sống giảm độc lực sử dụng 3 liều. Nó là vắc xin phối hợp giữa chủng Rota của người và bò chứa 5 kháng nguyên G1, G2, G3, G4 và P1.
- Rotarix là vắc xin sống giảm độc lực sử dụng 2 liều, có nguồn gốc từ 1 chủng vi rút Rota người G1P8.
Cách điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus
Với tiêu chảy cấp do virus Rota, điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Nguyên tắc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng.
- Trong giai đoạn đầu người nhà cần cho trẻ bổ sung nhiều nước, chất điện giải bằng cách sử dụng nước đun sôi để nguội, nước khoáng (không gas) và kết hợp với gói điện giải Oresol.
- Dinh dưỡng: Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, không dầu mỡ, dễ tiêu như cháo loãng, nước canh súp, nước canh rau,…
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn.
- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài (chứ không có tác dụng diệt vi rút, nguyên nhân gây nên tiêu chảy).
Khi trẻ có các dấu hiệu của mất nước nghiêm trọng như lòng bàn tay, chân lạnh, mắt trũng sâu, lờ đờ, thở gấp, da xuất hiện đốm đỏ li ti, không phản xạ khi bố mẹ gọi,… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền dịch hồi phục cũng như thực hiện các xét nghiệm điều trị tiêu chảy Rota kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.