Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Trật khớp gối là gì? Những điều cần biết về trật khớp gối
Trật khớp gối là tình trạng chấn thương ở khớp gối không phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng. Tổn thương gây ra có nguy cơ đe dọa mất chi, vì vậy người bệnh cần nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo trật khớp gối để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời khi bị chấn thương.
Tổng quan chung
Trật khớp gối là tình trạng cấu trúc xương ở đầu gối, cụ thể là khớp xương chày và xương đùi bị sai lệch so với vị trí ban đầu, khiến toàn bộ khớp gối bị trật ra phía sau.
Trật khớp gối là một trong những chấn thương ở gối rất nặng và ít thấy, bởi vì cấu tạo của khớp gối rất vững chắc, các cơ khớp và dây chằng liên kết chặt chẽ với nhau, phải cần một lực rất mạnh đập vào đầu gối trong tình trạng đầu gối đang gập lại, mới có thể gây trật khớp được.
Vì vậy, phần lớn trật khớp gối là chấn thương rất mạnh do tai nạn giao thông hoặc thể thao gây ra. Đôi khi, chấn thương nhẹ hơn như từ trên cao rớt xuống hố, hoặc té ngã cũng có thể khiến khớp gối bị xoắn và trật.
Do đó, trật khớp gối cần được phát hiện sớm và xử trí ngay nhưng phải đúng cách để hạn chế thấp nhất các biến chứng xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, phẫu thuật trật khớp gối rất phức tạp, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật nhiều lần để tái tạo phần cấu trúc nhằm phục hồi lại chức năng của khớp gối.
Triệu chứng
Một vài triệu chứng để nhận biết trật khớp gối phổ biến như:
- Phần khớp gối bị trật sẽ sưng đỏ lên, khớp bị biến dạng và chúng ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
- Phần cẳng chân bị tổn thương sẽ có triệu chứng ngăn hơn, đồng thời chúng cũng bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, có sự khác biệt với chân còn lại.
- Khi hoạt động khớp gối, người bệnh sẽ cảm thấy khu vực này đau dữ dội.
- Có những âm thanh phát ra ở phần khớp gối khi bạn di chuyển.
- Đầu gối bị sưng và bị bầm tím vô cùng nghiêm trọng.
Vậy nên, khi người bệnh nhận thấy phần đầu gối của mình có những triệu chứng sau đây thì bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Trật khớp gối thường là do chấn thương bởi tiếp xúc mạnh như tai nạn giao thông, ngã từ độ cao đáng kể và chấn thương thể thao.
Không nên nhầm lẫn trật khớp gối với sai khớp gối nhẹ – một tình trạng nhẹ hơn với đầu gối “đưa ra” ngoài do dây chằng bị tổn thương. Trật khớp gối nghiêm trọng hơn rất nhiều, các xương bị lệch cần phải được đặt lại đúng vị trí. Trong khi ở trường hợp sai khớp gối nhẹ, các xương có khả năng tự “trượt” về đúng vị trí ban đầu.
Trật khớp gối cũng có khi xảy ra khi bạn xoay, vặn người bất thường. Thực tế, có khoảng 40% trường hợp này không liên quan đến chấn thương có tiếp xúc mạnh.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao bị trật khớp gối bao gồm:
- Vận động viên, đặc biệt là những người chơi các môn thể thao có tính đối kháng cao như bóng đá, bóng rổ.
- Người tham gia các hoạt động thể thao mạo hiểm như trượt tuyết, leo núi.
- Người có tiền sử chấn thương khớp gối.
- Người cao tuổi với xương và khớp yếu dễ bị tổn thương hơn.
Chẩn đoán hình ảnh
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng hay biểu hiện trật khớp gối bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
- Chụp X – quang: Kỹ thuật giúp bác sĩ quan sát được các xương tại khớp gối có bị bật ra khỏi vị trí bình thường hay không và xác định các vấn đề nứt xương, gãy xương.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này cho phép bác sĩ xác định các mô hoặc dây chằng bị tổn thương ở đầu gối.
- Chụp động mạch: Kỹ thuật sử dụng hình ảnh X – quang nhằm xác định lưu lượng máu trong tĩnh mạch người bệnh, thông qua đó bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng tổn thương mạch máu do trật khớp gối.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa trật khớp gối là một phần quan trọng của việc duy trì sức khỏe và sự linh hoạt của khớp gối. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa mà bạn có thể áp dụng:
- Tập thể dục đều đặn: Bài tập như tập yoga, tập luyện cường độ thấp, và tập thể dục cardio như đạp xe hay đi bộ đều giúp tăng cường cơ bắp và linh hoạt cho khớp gối.
- Tăng cường cơ bắp quanh khớp gối: Bài tập tập trung vào cơ đùi và cơ chân giúp củng cố và bảo vệ khớp gối khỏi chấn thương.
- Giữ cân nặng lý tưởng: Cân nặng quá nặng có thể tạo ra áp lực không cần thiết lên khớp gối, tăng nguy cơ trật khớp.
- Chọn giày phù hợp: Đảm bảo bạn chọn giày thể thao hoặc giày đi bộ phù hợp để hỗ trợ và giảm áp lực lên khớp gối.
- Tránh hoạt động gây chấn thương: Tránh các hoạt động có thể gây ra chấn thương cho khớp gối như nhảy cao, chạy bộ trên mặt đất cứng, và xoay cơ thể mạnh mẽ.
- Duy trì tư thế đúng khi ngồi và đứng: Điều này giúp giảm áp lực lên khớp gối và giữ cho chúng ở trong tư thế đúng.
- Thực hiện giãn cơ và tập phòng ngừa chấn thương: Bao gồm các bài tập giãn cơ để tăng cường linh hoạt và tăng sự đàn hồi cho khớp gối.
- Bảo vệ khớp khi thực hiện các hoạt động vận động cao: Sử dụng dụng cụ bảo vệ như đai đỡ hoặc băng gạc để hỗ trợ và giảm áp lực lên khớp gối trong khi tập thể dục hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất.
- Thực hiện các biện pháp giảm đau và giảm viêm nếu cần thiết: Nếu bạn có triệu chứng đau hoặc viêm ở khớp gối, hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra liệu pháp phù hợp như dùng thuốc hoặc điều trị vật lý.
Điều trị như thế nào?
Điều trị trật khớp gối phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và thường bao gồm:
- Nghỉ ngơi và băng cố định: giữ khớp gối cố định và giảm đau.
- Dùng thuốc giảm đau và chống viêm: giảm đau và sưng tấy.
Điều trị trật khớp gối bằng trị liệu
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng lực tay để nắn sai khớp, điều chỉnh, đưa các xương ở khớp gối về vị trí ban đầu. Sau đó, người bị thương được bó bột và bất động đầu gối trong tư thế gập nhẹ khoảng 15 độ (thời gian 1 tuần) và bó ống (thời gian 3 tuần) để chức năng vận động của khớp gối được hồi phục và cắt cơn đau.
Sau thời gian bó bột, người bệnh được hướng dẫn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu ở khớp gối, co duỗi khớp gối để tránh tình trạng bị cứng khớp và giúp tăng cường sức mạnh cơ vùng đầu gối, sớm phục hồi chức năng khớp gối.
Điều trị trật khớp gối bằng phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định nhằm điều chỉnh cấu trúc khớp gối bao gồm xương đùi, xương chày bị sai lệch khỏi vị trí, hoặc trật khớp gối làm gãy xương, dây chằng bị rách, dây thần kinh bị tổn thương. Tùy theo tổn thương, phẫu thuật có thể đóng khung cố định bên ngoài hoặc bên trong xương chày, xương đùi bằng đinh.
Tuy nhiên, dù phẫu thuật được tiến hành là mổ hở hay nội soi, đây không phải là biện pháp thường được lựa chọn để điều trị trật khớp gối bởi tiềm ẩn một số rủi ro như nhiễm trùng, cứng khớp, mất chức năng khớp gối, khớp gối bị biến dạng vĩnh viễn, tổn thương dây thần kinh xung quanh.
Trật khớp gối là chấn thương nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm do tổn thương mạch máu và dây thần kinh. Vậy nên, nếu nghi ngờ khớp gối bị trật, hãy lập tức đến bệnh viện chuyên khoa xương khớp kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn chặn nguy cơ liệt chi hoặc phải cắt chi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.