Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư amidan là gì? Những điều cần biết về ung thư amidan
Triệu chứng của ung thư amidan rất dễ nhầm lẫn với viêm họng và một số bệnh lý khác khiến người bệnh chủ quan, không đi khám sớm. Đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị. Bài viết dưới đây sẽ giải thích chi tiết hơn về một số triệu chứng điển hình cũng hư mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Tổng quan chung
Ung thư amidan là một loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào trong amidan. Amidan là hai bộ phận có hình bầu dục ở phía sau miệng và là một phần của hệ thống miễn dịch có vai trò tiêu diệt vi sinh vật. Bệnh ung thư amidan xảy ra nhiều nhất ở amidan khẩu cái, nằm ở hai bên cổ họng, bệnh cũng có thể xuất hiện ở amidan họng (còn gọi là sùi vòm họng), nằm ở phía sau khoang mũi hoặc amidan lưỡi nằm ở phía sau của lưỡi. Hầu hết các trường hợp ung thư amidan là ung thư biểu mô tế bào gai, phát sinh từ các mô niêm mạc miệng, bên cạnh đó cũng có thể xuất hiện u lympho amidan (một loại ung thư hệ thống miễn dịch).
Ung thư amidan khẩu cái là một trong những loại ung thư vùng Tai Mũi Họng thường gặp ở Việt Nam. Bệnh chủ yếu của nam giới, độ tuổi 40 – 60, bao gồm các khối u thành hố amidan cũng như trụ trước, trụ sau làm thành một bộ phận giải phẫu học của màn hầu. Trong nhiều trường hợp rất khó xác định điểm xuất phát, không rõ là từ amidan hay là từ các thành hố amidan vì chúng liên quan mật thiết với nhau.
Ung thư amidan có nguy hiểm không?
Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trong số tất cả các chứng bệnh. Chính vì vậy, khi một ai đó không may bị ung thư mọi người sẽ ngay lập tức quan niệm rằng bệnh nhân đó sẽ không sống được bao lâu nữa. Với những người bị ung thư amidan cũng không phải là một ngoại lệ. Ung thư amidan là bệnh không lây, không phải là bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người kia được. Khi bị ung thư amidan nếu phát hiện sớm, kiểm soát được sức khỏe bằng cách đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm thì ung thư amidan chữa được và kiểm soát được.
Triệu chứng
Triệu chứng của ung thư amidan thường xuất hiện không rõ ràng và khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi căn bệnh phát triển, những dấu hiệu sau có thể xuất hiện:
- Đau và khó chịu ở vùng amidan: cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng họng là một trong những triệu chứng sớm nhất của ung thư amidan.
- Thay đổi giọng nói: sự thay đổi trong giọng nói có thể là một dấu hiệu của sự ảnh hưởng của ung thư.
- Khó khăn khi nói và nuốt: những khó khăn khi nói và nuốt có thể làm tăng đau và lo lắng.
- Mệt mỏi không lý do: mệt mỏi không lý do có thể là một triệu chứng tổng quát của nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư amidan.
- Sưng vùng cổ, hạch cổ: sưng và đau ở vùng cổ có thể là một dấu hiệu của sự lây lan của ung thư.
- Khó thở
Nguyên nhân
Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh ung thư amidan, tuy nhiên những nguyên nhân dưới đây được cho là phổ biến nhất:
- Thói quen hút thuốc lá: Phần lớn chúng ta đều biết rằng hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi và các bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, trong khói thuốc lá có chứa hàng nghìn chất độc hại và ngoài những bệnh lý kể trên, thuốc lá còn gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm ung thư amidan. Do đó, người có thói quen hút thuốc là cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
- Nghiện bia rượu: Những loại thức uống chứa cồn này có thể gây ra nhiều loại bệnh tật, trong đó bao gồm tình trạng ung thư amidan.
- Nhiễm virus HPV các chủng 16 và 18 cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
- Do thường xuyên phải tiếp xúc, làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm, có tia bức xạ.
- Không vệ sinh vùng miệng đúng cách: Nếu không vệ sinh vùng miệng sạch sẽ, các loại vi khuẩn, virus sẽ có cơ hội thuận lợi để tấn công nếu vùng miệng của chúng ta. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh về răng miệng, vùng vòm họng, đặc biệt là ung thư amidan.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh ung thư amidan có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nam giới thường dễ bị bệnh ung thư amidan hơn nữ giới. Tuy nhiên, có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Chẩn đoán
Phần lớn sẽ dựa vào kết quả vi thể. Nếu gặp khó khó khăn khi sinh thiết do tổ chức amidan bị loét hoại tử và chảy máu, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên kết quả sinh thiết hạch. Bên cạnh thăm khám trực tiếp, cần sờ vào amidan cùng các vùng lân cận để đánh giá mức độ lây lan rộng của khối u và các hạch đã bị di căn.
Để phục vụ cho việc xét nghiệm, kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi, nhân viên y tế sẽ sử dụng kim nhỏ để chọc hút một lượng nhỏ mô khỏi tổ chức amidan của bệnh nhân.
Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Chụp X-quang
- Chụp cộng hưởng từ
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp phát xạ positron
Nhằm kiểm tra xem ung thư amidan đã tiến triển tới mức độ nào, có 4 giai đoạn bệnh chúng ta cần lưu ý:
- Giai đoạn 1: xuất hiện khối u kích thước nhỏ (dưới 2cm), mới chỉ khu trú ở khu vực amidan, chưa di căn tới các hạch bạch huyết lân cận;
- Giai đoạn 2: khối u đã gia tăng kích thước lên từ 2 – 4cm, nhưng chưa di căn;
- Giai đoạn 3: khối u đã lớn hơn ( > 4cm), tế bào ung thư đã di căn sang một hạch cổ cùng bên với khối u. Các hạch bạch huyết có kích thước 3cm, hoặc là nhỏ hơn;
- Giai đoạn 4: giai đoạn phức tạp và nghiêm trọng nhất, ung thư đã di căn sang các bộ phận khác ngoài phạm vi vùng họng. Do đó việc tiên lượng và chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.
Chẩn đoán phân biệt:
Ở giai đoạn muộn, các dấu hiệu của ung thư đã rõ ràng hơn nên không gặp trở ngại trong việc chẩn đoán. Tuy nhiên đối với trường hợp bệnh nhân thăm khám khi bệnh ở giai đoạn sớm thường có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những thể thâm nhiễm thì cần phải phân biệt với những bệnh lý dưới đây:
- Thương tổn gây loét ở amidan: Phổ biến nhất là thể viêm họng Vincent. Bệnh này thường tiến triển cấp tính, đồng thời đặc điểm loét cũng khác biệt: loét không đều, có lớp giả mạc bao phủ ở đáy loét hoặc đáy loét bẩn nhiễm mủ máu, bờ loét mềm kèm theo hạch viêm ở cổ.
- Một khối u loét thâm nhiễm: Trường hợp này khá hiếm gặp nhưng cũng cần lưu ý để tránh nhầm sang một thể lao loét sùi. Tuy nhiên thương tổn lao thì thường ít khu trú tại tổ chức amidan, ít gây thâm nhiễm xuống phía sâu và xuất hiện phổ biến ở người bệnh bị lao đang tiến triển. Bên cạnh dựa trên kết quả vi thể, cần đánh giá các xét nghiệm về lao và quan sát phản ứng huyết thanh khi chẩn đoán phân biệt.
- Trường hợp một amidan thể thâm nhiễm làm tăng kích thước amidan: Cần chú ý phân biệt giữa việc bản thân amidan to ra và amidan bị các khối u xung quanh đẩy lồi ra giống như khối u tuyến mang tai, u bên họng, hạch cổ to,… hoặc các u mặt sau màn hầu, u vùng vòm, ngã ba họng thanh quản,…
- Loét u hỗn hợp hoặc u trụ vùng màn hầu giai đoạn cuối: Những u này có thể bị loét rồi lan sang amidan, nhưng chúng thường phát triển khá chậm trong thời gian dài, tái lặp nhiều lần nên cũng dễ chẩn đoán. Thực tế điều quan trọng nhất đối với chẩn đoán phân biệt là việc đánh giá chính xác về cấu tạo của các thương tổn. Rất khó để đánh giá vị trí ban đầu của u xuất phát từ amidan hay là ở màn hầu, đồng thời nó cũng không có ý nghĩa lớn trong công tác điều trị. Riêng đối với những trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bắt đầu bằng nổi hạch cổ thì cần phân biệt với chứng viêm hạch cổ mạn tính do ung thư máu hoặc lao.
Phòng ngừa bệnh
Các biện pháp có thể phòng ngừa được nguy cơ ung thư amidan gồm:
- Tiêm vaccine HPV: việc tiêm vaccine HPV là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của virus và giảm nguy cơ mắc ung thư amidan.
- Hạn chế hút thuốc lá: ngừng hút thuốc lá hoặc giảm thiểu tiếp xúc với thuốc lá giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư.
- Bảo vệ khỏi chất độc hại: đeo khẩu trang và sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với chất độc hại có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Sử dụng thực phẩm sạch: sử dụng nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ, không tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và phòng chống ung thư.
Điều trị ung thư amidan như thế nào?
Những năm gần đây đối với ung thư amidan thì điều trị chủ yếu bằng tia xạ kể cả hạch cổ, vì nói chung loại ung thư này đều nhạy cảm với tia xạ. Phẫu thuật chỉ để giải quyết những trường hợp đã tia rồi nhưng u amidan hoặc hạch còn sót lại. Ngoài ra, những trường hợp bị nghi ngờ ung thư amidan nhưng đã sinh thiết nhiều lần vẫn âm tính thì phẫu thuật nhằm hai mục đích: cắt rộng tổ chức amidan và gửi toàn bộ bệnh phẩm làm sinh thiết để tìm tổ chức ung thư.
Ung thư amidan cũng được điều trị chủ yếu bằng 3 phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị như các loại bệnh ung thư khác. Trong đó, phẫu thuật và xạ trị thường được áp dụng ở giai đoạn đầu và giai đoạn phát triển còn hóa trị thường được chỉnh định điều trị ở giai đoạn cuối.
- Phẫu thuật là phương pháp giúp điều trị tận gốc khối u ác tính. Tùy vào kích thước và mức độ ảnh hưởng của khối u mà sẽ có phương pháp phẫu thuật khác nhau. Sau phẫu thuật có một tác dụng phụ rất hay gặp đó là chức năng phát âm sẽ bị ảnh hưởng và giọng nói thường sẽ bị thay đổi.
- Xạ trị: phương pháp này có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật nhằm làm tăng hiệu quả điều trị và tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
- Hóa trị: phương pháp này sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị thường được chỉ định vào giai đoạn cuối của bệnh.
Như vậy, ung thư amidan là bệnh lý thường gặp, nhưng dễ bỏ sót nên khi phát hiện bệnh thường đã di căn xa. Để chủ động phát hiện sớm bệnh, hãy chú ý đi khám ngay khi bạn cảm thấy khó chịu tại họng, hay sờ có hạch cổ bất thường… Và hãy nhớ đến khám tại các cơ sở và chuyên gia uy tín để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất nhé!