Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư tụy là gì? Những điều cần biết về ung thư tụy
Tổng quan chung
Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy (khoảng 95%) bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết. Các khối u cũng có thể hình thành trong tuyến tụy nội tiết, nhưng đây là những trường hợp không phổ biến và thường lành tính (không phải ung thư).
Triệu chứng
Các triệu chứng của ung thư tuyến tụy như đau và sụt cân không đặc hiệu, dẫn đến chẩn đoán muộn khi bệnh đã lan rộng. Vào thời điểm chẩn đoán, 90% số bệnh nhân ung thư đã tiến triển tại chỗ, xâm lấn tới các cấu trúc sau phúc mạc, lan đến hạch vùng hoặc di căn đến gan và phổi.
Hầu hết các bệnh nhân đều bị đau bụng trên dữ dội, thường lan ra lưng. Thường sút cân. Ung thư biểu mô tuyến ở đầu tụy gây vàng da tắc mật (có thể gây ngứa) ở 80 đến 90% số bệnh nhân. Ung thư ở thân và đuôi có thể gây tắc nghẽn tĩnh mạch lách, dẫn đến lách to, giãn tĩnh mạch dạ dày và giãn tích mạch thực quản và xuất huyết tiêu hóa.
Ung thư tụy gây ra bệnh tiểu đường ở một nửa số bệnh nhân, dẫn đến các triệu chứng không dung nạp glucose (ví dụ: đái nhiều và khát nhiều). Ung thư tụy cũng có thể gây trở ngại cho việc sản sinh ra các enzym tiêu hóa của tụy (suy tụy ngoại tiết) ở một số bệnh nhân và có khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng (kém hấp thu). Tình trạng kém hấp thu này gây ra chướng bụng và đầy hơi và tiêu chảy ra nước, nhờn và/hoặc có mùi hôi, dẫn đến sụt cân và thiếu hụt vitamin.
Nguyên nhân
Các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư tuyến tụy bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Người lớn tuổi
- Nam giới – Tỷ lệ nam/nữ của ung thư tuyến tụy là 1,3/1
- Viêm tụy mạn: do rượu, sỏi mật…
- Đái tháo đường
- Chế độ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đường, uống nhiều nước ngọt có gas
- Tiền sử gia đình bị ung thư tụy
- Nhóm máu: Theo một nghiên cứu của Viện Ung Thư Quốc Gia Mỹ, những người thuộc nhóm máu A và B có nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư tụy là những người có những yếu tố nguy cơ kể trên.
Chẩn đoán
Các phương pháp nhằm phát hiện sớm ung thư tụy vẫn đang sử dụng phổ biến bao gồm:
- Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán ung thư tụy là mô bệnh học thông qua sinh thiết tổn thương hay giải phẫu bệnh sau mổ khối u.
- Xét nghiệm máu: Chất chỉ điểm khối u được dùng để tầm soát ung thư tuyến tụy là CA19-9. Nồng độ chất kháng nguyên này tăng cao trong 80% trường hợp ung thư tụy.
- Siêu âm nội soi: Trên thực tế, siêu âm tổng quát ổ bụng cũng có thể phát hiện được ung thư tụy thông qua hình ảnh hiển thị. Nhưng phương pháp này lại phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ, kỹ thuật viên. Siêu âm nội soi là phương pháp tích hợp ưu điểm của 2 phương pháp siêu âm và nội soi, bác sĩ vừa có thể quan sát trực tiếp hình ảnh vừa có thể biết thông tin chi tiết về tình trạng bệnh như tổn thương xuất phát từ lớp nào, bệnh có xâm lấn xung quanh hay chưa…
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Phương pháp này sử dụng một máy quét tia X từ nhiều góc độ khác nhau để thu được hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan trên cơ thể. Ngoài việc hỗ trợ chẩn đoán ung thư, chụp CT còn giúp xác định khả năng có thể thực hiện phẫu thuật của bệnh nhân.
- Chụp Cộng hưởng từ (MRI): Đây là một phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán khối u tuỵ, đặc biệt có giá trị trong sàng lọc ung thư thứ phát tại gan, ổ bụng.
- Nội soi đường mật ngược dòng: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm đưa qua miệng, tiến đến gần tuyến tụy nhằm thu thập hình ảnh của tổn thương. Thông thường, phương pháp này sẽ kết hợp cùng sinh thiết kế kiểm tra khối u.
- Sinh thiết kim qua da: Với sự hỗ trợ của chụp X-quang, các kỹ thuật viên sẽ đưa cây kim vào vị trí khối u để hút dịch và các tế bào để kiểm tra, xét nghiệm.
Phòng ngừa bệnh
Không có phương pháp nào giúp ngăn ngừa triệt để ung thư tuyến tụy, nhưng nếu áp dụng những cách sau thì sẽ giúp bạn hạn chế được rủi ro này:
- Thay đổi thực đơn dinh dưỡng hàng ngày: ăn nhiều rau tươi và trái cây, hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo vì sẽ không tốt cho tuyến tụy;
- Duy trì chỉ số cân nặng ở mức hợp lý bằng cách chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao và giảm cân theo chế độ ăn khoa học;
- Bỏ hút thuốc lá và rượu bia;
- Hạn chế nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại. Khi làm việc ở môi trường ô nhiễm cần trang bị bảo hộ đầy đủ;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ và đi khám ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư.
Điều trị như thế nào
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định:
- Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần ung thư xâm lấn, giữ lại các phần và bộ phận không bị khối u tấn công.
- Hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
- Xạ trị: Là biện pháp sử dụng tia X và các tia năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư. – Liệu pháp xâm lấn: Đây là phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư thần kinh nội tiết tuyến tụy đã di căn đến gan hoặc các cơ quan khác.
- Thuyên tắc: Đây là một kỹ thuật được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn sự cung cấp máu cho khối u.
- Phẫu thuật lạnh: Phương pháp này làm đóng băng các tế bào ung thư và các mô xung quanh bằng một đầu dò được đưa vào các mô và chứa đầy nitơ lỏng hoặc carbon dioxide lỏng. Ngoài ra, trong điều trị ung thư tuyến tụy, người bệnh có thể được chỉ định liệu pháp nội tiết, phương pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp dinh dưỡng, cắt bỏ tần số vô tuyến điện.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.