Đi ngoài ra máu là biểu hiện của những bệnh gì? Cần làm gì?
Tình trạng đi ngoài ra máu khá phổ biến và khiến nhiều người lo lắng khi mắc phải, bởi đây có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý. Từ những bệnh thông thường như trĩ, nứt kẽ hậu môn đến những căn bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư đại trực tràng. Vậy, đi ngoài xuất hiện máu là dấu hiệu của bệnh gì và do những nguyên nhân nào? Cùng Pharmacity tìm hiểu ngay sau đây!
Tổng quan về tình trạng đi ngoài ra máu
Tình trạng đi ngoài ra máu biểu hiện qua việc máu xuất hiện trong phân hoặc khi đi tiêu. Cụ thể, bạn có thể nhận thấy máu tươi trên giấy vệ sinh sau khi lau hậu môn, máu trong bồn cầu làm nước bị nhuộm đỏ. Hoặc, máu lẫn trong phân với màu sắc khác nhau như đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đen, màu sắc có thể giúp bạn phát hiện vị trí xuất huyết trong đường tiêu hóa:
- Máu đỏ tươi: Thường xuất hiện khi vị trí chảy máu gần hậu môn, như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn hoặc các tổn thương nhỏ ở trực tràng.
- Máu đỏ sẫm hoặc màu hạt dẻ: Cho thấy vị trí chảy máu có thể ở ruột kết hoặc ruột non.
- Máu đen như hắc ín: Thường liên quan đến xuất huyết ở phần trên đường tiêu hóa, như dạ dày, thực quản. Máu ở đây đã tiếp xúc với dịch vị dạ dày, bị oxy hóa và chuyển sang màu đen.
Việc đi ngoài ra máu thường gây hoang mang, khiến người bệnh lo sợ mắc các bệnh nguy hiểm. Nhưng trên thực tế, tình trạng này có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến như trĩ, táo bón kéo dài và đều có cách điều trị hiệu quả.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng đi ngoài ra máu
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài xuất hiện máu, trong đó phải kể đến một số tình trạng bệnh như sau:
Bệnh trĩ
Đi ngoài ra máu tươi là một trong những dấu hiệu điển hình nhất của bệnh trĩ, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Ban đầu, lượng máu ít, chỉ xuất hiện trên giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, nhiễm trùng, thậm chí là ung thư trực tràng.
Táo bón gây nứt hậu môn
Táo bón kéo dài, với phân cứng, khô khiến việc đi đại tiện trở nên khó khăn và đau đớn, áp lực khi rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài có thể gây ra tình trạng nứt hậu môn. Các vết nứt này thường xuất hiện ở đường viền hậu môn, gây đau rát và đi ngoài ra máu.
Tuy nhiên, hầu hết các vết nứt hậu môn do táo bón sẽ tự lành khi tình trạng táo bón được cải thiện. Để hỗ trợ quá trình lành thương và ngăn ngừa tình trạng tái phát, người bệnh nên uống đủ nước, bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn hàng ngày.
Viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột thường xuất hiện do nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Triệu chứng điển hình là tiêu chảy, đôi khi có thể kèm theo máu hoặc chất nhầy, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, và sốt.
Để điều trị hiệu quả, việc bù nước rất quan trọng, nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 1 – 2 ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh (nếu do vi khuẩn) hoặc thuốc kháng virus (nếu do virus).
Xuất huyết đường tiêu hóa trên
Nếu bạn nhận thấy phân có màu đen như hắc ín, đây có thể là dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa trên. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này là bệnh loét dạ dày tá tràng. Khi các mạch máu tại dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương do loét, máu sẽ chảy ra và trộn lẫn với phân, khiến phân có màu đen đặc trưng. Nếu xuất hiện triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đi ngoài ra máu do bệnh viêm ruột (IBD)
Viêm ruột (IBD) là một tình trạng viêm nhiễm mãn tính ở ruột non hoặc ruột già, có hai dạng viêm ruột chính là bệnh Crohn và viêm đại tràng. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau bụng hay phân có máu. Dẫn đến hiện tượng đi ngoài ra máu tươi, đỏ thẫm hoặc đen, tùy thuộc vào vị trí xuất huyết.
Viêm túi thừa
Viêm túi thừa là một tình trạng xảy ra khi một túi nhỏ trên thành ruột lớn bị viêm nhiễm. Túi thừa hình thành do sự yếu đi của thành ruột, tạo thành những túi nhỏ lồi ra. Khi các túi này bị nhiễm trùng, chúng có thể bị sưng, đỏ và gây đau.
Một trong những biến chứng của viêm túi thừa là chảy máu, chúng có thể trộn lẫn với phân, dẫn đến đi ngoài ra máu có màu sẫm hoặc đỏ tươi. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau bụng dưới, thường bắt đầu ở rốn rồi chuyển xuống phía bên phải, sốt, ớn lạnh, chán ăn,….
Đi ngoài ra máu do Polyp đường ruột
Polyp là những khối u nhỏ mọc trên niêm mạc đường ruột, đặc biệt là đại tràng, dù một số polyp là lành tính. Tuy nhiên một số loại có khả năng chuyển hóa thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đi ngoài ra máu tươi là bệnh gì thì có thể do polyp bị tổn thương hoặc loét, gây chảy máu, khiến phân có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đen. Điều đáng lưu ý là nhiều polyp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu, vì vậy việc tầm soát polyp đường ruột định kỳ, đặc biệt là đối với người trên 50 tuổi, là rất quan trọng để phát hiện và điều trị sớm.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở những người trên 50 tuổi. Một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của căn bệnh này là đi ngoài ra máu. Máu trong phân có thể có nhiều màu sắc khác nhau, từ đỏ tươi đến đỏ thẫm hoặc đen.
Mức độ nguy hiểm của đi ngoài ra máu đỏ tươi, máu đen, máu thẫm
Thông thường, chúng ta thường nghĩ rằng đi ngoài xuất hiện máu tươi sẽ nguy hiểm hơn, nhưng sự thật lại không hoàn toàn như vậy. Màu sắc của máu trong phân phụ thuộc rất nhiều vào vị trí xuất huyết và thời gian máu tiếp xúc với các chất trong đường tiêu hóa.
Máu tươi thường xuất hiện khi vị trí chảy máu ở gần hậu môn hoặc khi lượng máu chảy ra rất nhiều khiến máu di chuyển nhanh, chưa kịp thay đổi màu sắc. Ngược lại, máu đen hoặc máu thẫm thường xuất hiện khi vị trí chảy máu ở xa hơn, hoặc máu chảy ra chậm rãi, có nhiều thời gian tiếp xúc với dịch tiêu hóa.
Điều đáng lưu ý là chính máu đen hoặc máu thẫm mới là dấu hiệu cho thấy khả năng xuất huyết ở đường tiêu hóa trên (như dạ dày, tá tràng) cao hơn. Các bệnh lý nghiêm trọng như loét dạ dày, ung thư đường tiêu hóa thường gây ra tình trạng này.
Khi đi ngoài ra máu thì cần làm gì?
Khi phát hiện có máu lẫn trong phân, điều đầu tiên bạn nên làm là theo dõi kỹ các triệu chứng đi kèm. Mặc dù một số trường hợp đi ngoài xuất hiện máu có thể tự khỏi, nhưng tốt nhất bạn nên cẩn trọng và theo dõi sát sao tình hình. Nếu nghi ngờ nguyên nhân là do táo bón gây nứt hậu môn, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống ngay lập tức.
Hãy tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và uống đủ nước sẽ giúp phân mềm hơn, giảm ma sát và hỗ trợ quá trình đại tiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng dữ dội, sốt, phân đen hoặc có mùi hôi lạ, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Đi ngoài ra máu không phải là vấn đề nên xem nhẹ, dù nhiều trường hợp có thể do những nguyên nhân thông thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho các bệnh lý nghiêm trọng. Vì thế, khi gặp phải tình trạng ra máu kéo dài cùng các dấu hiệu khác, nên đến khám và điều trị kịp thời.