Tiêu chảy nguyên nhân do đâu? 7 cách trị tiêu chảy tại nhà
Tiêu chảy là một trong những tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bất kỳ ai. Dù chỉ là triệu chứng tạm thời, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân gây ra tiêu chảy là gì và làm thế nào để khắc phục? Bài viết này sẽ gợi ý 7 phương pháp đơn giản giúp bạn cải thiện tình trạng này một cách nhanh chóng.
Bệnh tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là tình trạng phân lỏng hoặc nước, thường xảy ra từ ba lần trở lên mỗi ngày. Đây là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa và các tình trạng sức khỏe khác.
Mặc dù tiêu chảy có thể tự khỏi trong 1-2 ngày, nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể kéo dài từ 2-4 tuần dẫn đến mất nước và điện giải, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi tình trạng này kéo dài ít nhất 4 tuần hoặc tái phát nhiều lần, nó được gọi là tiêu chảy mãn tính và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý mãn tính khác cần được trị.
Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy
Tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn hoặc virus: Tiêu chảy thường do vi khuẩn như E.coli, Salmonella hoặc virus như Rotavirus gây ra.
- Ngộ độc thực phẩm: Tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hết hạn sử dụng hoặc chứa độc tố có thể gây tiêu chảy cấp tính. Các món ăn tươi sống không được xử lý đúng cách có thể chứa ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa.
- Rối loạn tiêu hóa: Hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh Celiac có thể dẫn đến tiêu chảy mãn tính.
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh, có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.
- Căng thẳng hoặc lo lắng: Stress kéo dài cũng có thể là một yếu tố gây ra tiêu chảy.
- Dị ứng thực phẩm: Những người có dị ứng với sữa hoặc gluten có thể gặp tình trạng tiêu chảy sau khi tiêu thụ các loại thực phẩm này.
- Vệ sinh kém: Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và lây lan nhanh chóng.
Các triệu chứng đi kèm khi bị tiêu chảy
Ngoài việc đi tiêu phân lỏng hoặc nước, tiêu chảy thường đi kèm với các triệu chứng sau:
- Đau bụng hoặc co thắt vùng bụng dưới.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Sốt cao.
- Phân có chất nhầy, có lẫn máu.
- Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước, gây khô miệng, khát nước, tiểu ít.
- Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy?
Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy hơn so với người bình thường, bao gồm:
- Trẻ em và người cao tuổi do có hệ miễn dịch yếu.
- Những người mắc bệnh HIV/AIDS, ung thư hoặc những người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
- Có thói quen ăn uống đồ sống, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Sử dụng phân tươi hoặc phân chưa qua xử lý trong trồng trọt.
- Sinh sống tại nơi có điều kiện vệ sinh kém có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy do thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm.
- Dân cư sống ở những khu vực bị ngập lụt hoặc vừa trải qua ngập lụt.
Các cách trị tiêu chảy nhanh chóng và đơn giản tại nhà
Để điều trị tình trạng tiêu chảy hiệu quả, bạn nên áp dụng một số phương pháp sau đây:
Bù nước và chất điện giải cho cơ thể
Khi bị tiêu chảy, cơ thể mất nước và chất điện giải quan trọng như natri và kali. Việc bù đắp lượng nước và điện giải mất đi là cần thiết để tránh tình trạng mất nước nghiêm trọng.
Người lớn có thể sử dụng dung dịch Oresol, người trái cây pha loãng hoặc tự pha nước muối đường tại nhà để bù nước. Đối với trẻ nhỏ có thể sử dụng các loại thức uống bù nước và điện giải theo chỉ định của bác sĩ.
Bổ sung sữa chua
Sữa chua chứa lợi khuẩn probiotic giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ điều trị tiêu chảy. Các chuyên gia khuyến nghị nên tiêu thụ khoảng 2 hộp sữa chua mỗi ngày.
Bạn có thể kết hợp sữa chua với các loại trái cây giàu chất xơ như chuối. Chuối chứa chất xơ hòa tan pectin giúp hấp thụ lượng chất lỏng dư thừa trong ruột, từ đó giảm tình trạng tiêu chảy và bổ sung các chất điện giải cần thiết cho cơ thể.
Uống trà hoa cúc
Trà hoa cúc có tính chất kháng viêm và giúp làm dịu đường ruột. Uống một tách trà hoa cúc ấm pha với mật ong có thể giảm các triệu chứng khó chịu do tiêu chảy gây ra.
Ăn gừng tươi
Gừng có tính chất kháng viêm và kháng khuẩn, giúp làm giảm triệu chứng buồn nôn và tiêu chảy. Bạn có thể ăn trực tiếp gừng tươi hoặc pha trà gừng để giảm bớt triệu chứng.
Tránh một số loại thực phẩm
Khi bị tiêu chảy, nên tránh ăn những thực phẩm gây kích ứng đường ruột như sữa, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và các loại thức ăn chế biến sẵn. Thay vào đó nên bổ sung các loại thực phẩm mềm và dễ tiêu.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng và chống lại các tác nhân gây bệnh. Hãy đảm bảo bạn được ngủ đủ giấc, thư giãn tinh thần và tránh các hoạt động quá sức trong thời gian bị tiêu chảy.
Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, bạn có thể cần sử dụng thuốc chống tiêu chảy như Loperamide, men vi sinh hoặc thuốc kháng sinh (nếu nguyên nhân là do vi khuẩn). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng đau bụng tiêu chảy
Để phòng ngừa tình trạng đau bụng tiêu chảy, bạn nên tuân thủ theo các biện pháp sau:
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ và nước uống được đun sôi để tránh các tác nhân gây bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh không gian sống sạch sẽ.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh.
- Không uống sữa chưa được tiệt trùng.
- Khi đi du lịch, đặc biệt là đến các khu vực có điều kiện vệ sinh kém, nên cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm và nước uống.
- Áp dụng các biện pháp khử khuẩn và xử lý đúng cách đối với người bị tiêu chảy cấp.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Mặc dù tiêu chảy thường tự khỏi sau vài ngày, nhưng một số trường hợp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện.
- Mất nước nghiêm trọng với các triệu chứng như khô miệng, tiểu ít, chóng mặt.
- Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi.
- Có máu trong phân hoặc phân đen.
- Sốt cao hoặc đau bụng dữ dội không giảm.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có biểu hiện tã không ướt trong hơn 3 giờ, sốt cao, quấy khóc liên tục.
Khi người bệnh có các triệu chứng này, cần đưa đến bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiêu chảy mặc dù là một tình trạng thường gặp nhưng nếu không xử lý kịp thời sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu gặp phải những dấu hiệu bất thường đi kèm, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn sớm nhất.