Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm đa khớp dạng thấp là gì? Những điều cần biết về viêm đa khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến màng hoạt dịch của khớp, gây sưng đau, từ từ bào mòn xương và dẫn đến biến dạng khớp. Vậy viêm đa khớp dạng thấp là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm đa khớp dạng thấp là gì?
Viêm đa khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh lý phổ biến nhiều ở nữ so với nam, thường ở độ tuổi trung niên, đi kèm với các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng rõ ràng.
Bệnh tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch, vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn/virus, gặp trục trặc và tấn công các mô lành trong cơ thể. Hậu quả là gây viêm bao hoạt dịch, khiến cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau. Người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như mắt, tim, phổi, da, mạch máu…
Bệnh này thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể, chẳng hạn như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối. Đây chính là điểm phân biệt bệnh lý viêm khớp RA với các loại viêm khớp khác. Nếu tình trạng viêm xuất hiện ở nhiều khớp (thông thường từ 4 – 5 vị trí) thì được gọi là viêm đa khớp dạng thấp.
Các giai đoạn của viêm đa khớp dạng thấp
Khi RA tiến triển, cơ thể người bệnh sẽ thay đổi. Một số thay đổi bạn có thể nhìn thấy và cảm nhận được, trong khi những thay đổi khác không gây cho bạn bất cứ cảm giác gì. Mỗi giai đoạn RA sẽ có các mục tiêu điều trị khác nhau.
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác đau khớp, cứng khớp hoặc sưng đỏ vùng khớp bị viêm. Bên cạnh đó là tình trạng viêm bên trong khớp, khiến các mô trong khớp sưng lên. Tuy không có tổn thương xương nhưng màng hoạt dịch của khớp bị tổn thương.
Giai đoạn 2
Lúc này, màng hoạt dịch bị viêm nặng hơn, có thể gây tổn thương sụn khớp. Sụn chính là mô bao phủ phần cuối của xương tại vị trí khớp. Khi sụn bị tổn thương, người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau, đồng thời có thể hạn chế vận động.
Giai đoạn 3
Khi bệnh lý viêm khớp dạng thấp ở người lớn đã tiến triển đến giai đoạn 3, tình trạng bệnh đã nghiêm trọng. Tại thời điểm này, tổn thương không chỉ lan đến sụn mà ảnh hưởng cả xương. Khi lớp sụn giữa các xương bị mòn, xương cọ xát với nhau, khiến người bệnh bị đau và sưng nhiều hơn. Một số người bị yếu cơ và mất hẳn khả năng vận động. Đó là do xương bị tổn thương, thậm chí biến dạng.
Giai đoạn 4
Ở giai đoạn muộn, các khớp đã ngừng hẳn hoạt động, khiến bệnh nhân đau, sưng, cứng khớp và mất khả năng vận động. Nghiêm trọng hơn, các khớp có thể bị hỏng và gây ra chứng dính khớp.
Triệu chứng
Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mạn tính thường gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới. Đây là bệnh tự miễn khá điển hình dưới dạng viêm mãn tính ở nhiều khớp của tay, chân. Viêm đa khớp dạng thấp triệu chứng khá đặc trưng như: sưng khớp, đau khớp, cứng khớp buổi sáng, thường đối xứng hai bên. Các biểu hiện toàn thân đôi có thể gặp như mệt mỏi, xanh xao, sốt, gầy sút, có thể đi kèm với tổn thương các cơ quan khác.
Viêm đa khớp dạng thấp có triệu chứng rất đa dạng, gồm các triệu chứng của viêm khớp, triệu chứng toàn thân, triệu chứng ở các cơ quan khác.
Các triệu chứng của viêm khớp gồm:
- Cứng khớp: Với những người bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài trên một giờ trước khi cảm thấy các khớp mềm ra;
- Sưng khớp: Có thể tụ dịch nhiều hoặc chỉ sưng phù lên;
- Nóng da: Vùng da của khớp bị viêm có thể ấm hơn vùng da xung quanh;
- Đỏ: Da vùng khớp viêm có thể có màu hồng nhạt, đỏ hơn so với vùng da xung quanh;
- Đau: Khi bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng đau là dễ nhận biết nhất. Nguyên nhân là do hiện tượng viêm làm cho các khớp trở nên nhạy cảm hơn, căng hơn, từ đó gây ra đau các khớp bị viêm.
Các triệu chứng toàn thân gồm:
- Mệt mỏi, trì trệ, suy nhược;
- Chán ăn, có thể dẫn đến sụt cân;
- Đau nhức mỏi cơ toàn thân.
Triệu chứng ở các cơ quan khác:
- Xuất hiện nốt thấp (hạt hay cục) nổi gồ lên mặt da, chắc, không đau, không di động, dính vào nền xương ở dưới, đường kính 5 đến 20 mm, ở khớp khuỷu, đôi khi rất đau;
- Trong một số trường hợp, có thể bị viêm màng phổi không triệu chứng. Trong trường hợp nhịp thở ngắn lại thì cần phải điều trị;
- Có thể ảnh hưởng lên thanh quản gây khàn giọng;
- Người bệnh có thể bị viêm màng ngoài tim, thường không có triệu chứng, nhưng khi có triệu chứng sẽ khiến nhịp thở ngắn lại hoặc đau ngực. Người bệnh viêm khớp dạng thấp dễ bị tắc nghẽn động mạch tim, gây đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim;
- Khoảng dưới 5% số người bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng ở mắt bao gồm mắt đỏ, đau mắt hoặc khô mắt.
Nguyên nhân
Viêm đa khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị tấn công synovium – lớp màng của màng bao quanh khớp dẫn đến viêm kết quả làm dày synovium, cuối cùng có thể phá hủy sụn và xương trong khớp. Ngoài ra các gân và dây chằng giữ các khớp với nhau cũng bị giãn và suy yếu khiến cho khớp bị biến dạng và mất tính liên kết.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết được nguyên nhân viêm đa khớp dạng thấp là gì dẫn đến tình trạng rối loạn miễn dịch này. Tuy nhiên, yếu tố di truyền có thể có liên quan vì một số gen mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus nhất định và từ đó có thể làm khởi phát bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Những trường hợp dễ bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp bao gồm:
- Nữ giới có khả năng bị bệnh cao hơn nam giới.
- Người lớn tuổi.
- Phụ nữ chưa từng sinh con.
- Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người thường xuyên hút thuốc lá.
Chẩn đoán
Viêm đa khớp dạng thấp có thể được chẩn đoán qua những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh thường gặp phải. Tuy nhiên, có một vài triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh xương khớp khác nên cần áp dụng các kỹ thuật y khoa để giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI là hai phương pháp giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp. Trong đó, MRI có độ chính xác cao hơn do mang lại hình ảnh rõ nét. Ngoài chẩn đoán tổn thương ở sụn khớp, kỹ thuật này còn giúp đánh giá tình trạng tràn dịch khớp và viêm màng hoạt dịch.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cho kết quả chính xác về những chỉ số bình thường và chỉ số bất thường khi bị bệnh.
Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp đánh giá mức độ thiếu máu khi người bệnh bị viêm khớp dạng thấp kéo dài. Xét nghiệm kháng thể CCP có ý nghĩa trong việc chẩn đoán bệnh học viêm khớp dạng thấp. Thông thường, nếu mẫu bệnh phẩm có anti CCP dương tính thì người đó sẽ bị viêm khớp dạng thấp trong vòng 3 năm sau đó. CCP tăng cao là một yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
Xét nghiệm yếu tố thấp khớp RF
Đây là một xét nghiệm máu đơn giản giúp đo các globulin miễn dịch. Nồng độ kháng thể RF cao được xem là một yếu tố tiên lượng bệnh nặng. Theo nghiên cứu, có đến 50-75% người bị viêm khớp dạng thấp có RF dương tính.
Phòng ngừa bệnh
Một số phương pháp phòng ngừa viêm đa khớp dạng thấp là:
- Đảm bảo uống đủ nước: Trong sụn, nước chiếm hơn 70% thành phần cấu tạo, giúp duy trì sự trơn tru giữa hai đầu xương. Khi sụn mất nước, chức năng sẽ suy giảm, theo thời gian gây thoái hóa, giòn và dễ gãy, dẫn đến tình trạng viêm khớp. Để bảo vệ sức khỏe sụn và ngăn ngừa viêm đa khớp dạng thấp, hãy đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống chống viêm: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát viêm đa khớp dạng thấp. Nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường, chất béo bão hòa, thức ăn nhanh hay các thực phẩm chế biến công nghiệp. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C như ổi, ớt chuông, cải xoăn, bông cải xanh,… vitamin E như hạt hướng dương, hạnh nhân, đậu phộng, bơ,… và canxi như sữa, phô mai, sữa chua…
- Tập thể dục đều đặn: Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn rất tốt cho cơ thể, đồng thời giúp giảm rủi ro mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp cho mọi người, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ cao. Tuy nhiên, lựa chọn hình thức và mức độ tập luyện phù hợp là điều quan trọng. Các bộ môn thể thao được khuyến khích như: đi bộ, bơi lội, yoga…
- Duy trì vóc dáng cân đối: Thừa cân, béo phì là yếu tố làm tăng áp lực tác động lên sụn, dễ dẫn đến tình trạng viêm. Duy trì vóc dáng cân đối thông qua việc ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên là biện pháp hiệu quả giảm bớt áp lực lên sụn và hệ cơ xương khớp.
- Tránh tiếp xúc với không khí lạnh, môi trường ẩm ướt: Để phòng ngừa viêm đa khớp dạng thấp, cần tránh tiếp xúc thường xuyên với không khí lạnh và môi trường ẩm ướt. Những người phải thường xuyên phải làm việc trong môi trường ẩm ướt như nông dân, ngư dân,… có nguy cơ mắc viêm đa khớp dạng thấp gấp đôi so với nhóm còn lại. Ngoài ra, lưu ý mặc ấm khi ra ngoài vào thời tiết lạnh và duy trì môi trường khô ráo cho cơ thể, nhất là bàn tay và bàn chân.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về sức khỏe. Việc phát hiện bệnh sớm giúp tăng cơ hội điều trị dứt điểm và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hoàn toàn, bác sĩ chỉ định điều trị với các phương pháp hỗ trợ nhằm: cải thiện triệu chứng, giảm tổn thương xương khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các nghiên cứu đã chứng minh, điều trị sớm sử dụng thuốc chống thấp khớp đem lại hiệu quả kiểm soát bệnh tốt, người bệnh gặp ít đau đớn và duy trì chức năng khớp tốt hơn.
Tùy vào tình trạng bệnh, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp sau đây được chỉ định:
Điều trị bằng thuốc
Tùy vào mức độ bệnh và triệu chứng mà các thuốc điều trị viêm đa khớp dạng thấp sau được chỉ định:
- Thuốc chống viêm không Steroid NSAID: tác dụng giảm đau, giảm viêm tốt như Naproxen, Ibuprofen,…
- Thuốc Corticosteroid: tác dụng giảm đau, giảm viêm, làm chậm tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp, điển hình như prednisone.
- Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh: tác dụng làm giảm tiến triển của viêm khớp dạng thấp, ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn để duy trì chức năng và hoạt động của khớp.
- Thuốc sinh học: có công dụng sửa đổi phản ứng sinh học, được chỉ định khi các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp trên không có hiệu quả tốt.
Phẫu thuật
Nếu không đáp ứng điều trị tốt với thuốc, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật để khắc phục, sửa chữa lại những tổn thương khớp do viêm đa khớp dạng thấp. Từ đó giúp khôi phục chức năng khớp, giảm đau hiệu quả.
Các phẫu thuật viêm đa khớp dạng thấp bao gồm: Phẫu thuật nội soi loại bỏ lớp lót khớp bị viêm, phẫu thuật chỉnh trục, sửa chữa gân, thay thế toàn bộ khớp,…
Điều trị hỗ trợ
Ngoài hai phương pháp chính điều trị viêm đa khớp dạng thấp, bệnh nhân cũng được hướng dẫn các biện pháp điều trị hỗ trợ sau nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, hạn chế tổn thương như:
- Dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại, giảm gánh nặng cho khớp.
- Bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng xương khớp.
- Tập vận động chống co rút gân, teo cơ, dính khớp.
Như vậy, viêm đa khớp dạng thấp là bệnh lý nguy hiểm, khó điều trị do rối loạn hệ miễn dịch tự tấn công vào màng lót khớp. Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý này cũng chưa được xác định nên rất khó để phòng ngừa, cách tốt nhất là đi khám khi có dấu hiệu bệnh hoặc sàng lọc sớm khi gia đình có người mắc bệnh.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm đa khớp dạng thấp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.