Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm gân là gì? Những điều cần biết về viêm gân
Viêm gân là tình trạng tổn thương gân và/ hoặc bao gân dẫn đến đau, sưng và hạn chế cử động khớp. Viêm gân phổ biến những vận động viên thể thao hay những người chơi thể thao thường xuyên. Đa số tình trạng viêm gân có thể điều trị hiệu quả và hồi phục nhanh chóng bằng cách kết hợp sử dụng thuốc, nghỉ ngơi hợp lý và vật lý trị liệu.
Tổng quan chung
Viêm gân là tình trạng dây chằng bị viêm hoặc kích ứng do một số nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, hiện tượng viêm, kích ứng dây chằng xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, chính vì thế mọi người không nên chủ quan, bỏ qua việc theo dõi cũng như điều trị. Một số vị trí thường bị tổn thương là khuỷu tay, cổ tay hoặc vùng vai do chúng ta thường xuyên vận động.
Hai dạng bệnh thường gặp đó là:
- Cấp tính: Do dây chằng tổn thương sau khi đối mặt với những tác động mạnh bất ngờ. Thời gian điều trị cho người bệnh cấp tính tương đối nhanh, khoảng một vài ngày, lâu hơn là 2 – 3 tuần.
- Mạn tính: Xảy ra khi vận động hàng ngày hoặc chơi thể thao mà dây chằng đứt,… Bệnh cần điều trị kiên trì điều trị ít nhất trong vài 4 – 6 tháng.
Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng, song chúng ta nên chủ động theo dõi và điều trị bệnh sớm. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ đứt gân và không thể sinh hoạt như bình thường.
Triệu chứng
- Đau khu trú ở vị trí gân bị tổn thương, ít lan xa.
- Đau liên tục cả ngày lẫn đêm, đau nhiều khi vận động
- Vị trí gân bị tổn thương sưng đỏ, đau khi ấn vào, đau tăng lên khi làm các động tác co cơ chủ động của gân
Viêm gân gồm các dạng:
- Viêm gân bám tận: Gồm viêm cốt mạc ngoài gân và viêm túi thanh dịch
- Viêm bao gân: Bao gân bị tổn thương gây tổn thương sẽ gây cản trở hoạt động của gân
- Viêm bao gân vùng mỏm trâm quay (bệnh De Quervain): Triệu chứng sưng đau bờ ngoài mỏm châm quay, đau nhiều hơn khi cử động ngón cái và làm các động tác duỗi
- Ngón tay lò xo: Khó khăn như gập ngón tay, ngón tay bật ra như lò xo
- Viêm gân gót Achille: Xảy ra sau khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh gây sưng đau vùng gót chân, ấn vào thấy đau, nổi cục
Hầu hết các trường hợp viêm gân có thể đáp ứng với các biện pháp tự chăm sóc.
Nguyên nhân
Cho đến hiện nay vẫn chưa xác định một cách rõ ràng nguyên nhân dẫn đến viêm gân. Tuy nhiên, tình trạng viêm gân thường xảy ra ở các vận động viên thể thao, những người làm việc nặng và người từ độ tuổi trung niên trở lên,… do các yếu tố sau:
- Tập luyện và hoạt động quá sức sẽ làm cho gân bị tổn thương.
- Tập thể thao không đúng động tác, co cơ quá mức, đột ngột thay đổi tư thế, vận động sai tư thế.
- Chấn thương mạnh hoặc chấn thương lặp đi lặp lại làm căng gân, rách gân, đứt gân
- Những người ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi xuất hiện tình trạng viêm gân do mạch máu nuôi gân bị giảm và còn có thể do các vi chấn thương lặp đi lặp lại, thường xảy ra ở khớp vai, khớp khuỷu, gân gót chân và gan bàn chân.
- Một số loại kháng sinh ví dụ như nhóm Fluoroquinolone (Levofloxacin, Ciprofloxacin) có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng viêm gân và đứt gân.
- Thoái hóa tại gân và/ hoặc lắng đọng canxi trong gân kéo dài nhiều năm dẫn đến viêm gân mãn tính.
- Người mắc các bệnh hệ thống sẽ tăng nguy cơ bị viêm gân, hay gặp nhất là trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, xơ cứng bì hệ thống, bệnh gút và bệnh đái tháo đường.
- Ở người trẻ tuổi bị nhiễm trùng do vi khuẩn lậu, đặc biệt là phụ nữ, có thể gây viêm bao gân cấp tính di trú.
Đối tượng nguy cơ
- Hầu hết bệnh nhân đều là người cao tuổi do quá trình lão hóa diễn ra, họ vận động ít hơn cho nên gân kém linh hoạt so với bình thường.
- Những người có tiền sử mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống càng phải cẩn trọng hơn.
- Các vận động viên thể thao là đối tượng có nguy cơ bị viêm gân trong quá trình luyện tập hoặc thi đấu. Mỗi khi vận động sai tư thế hoặc gặp chấn thương thì khả năng dây chằng bị tổn thương lại càng gia tăng.
- Một số người do đặc thù công việc thường xuyên phải làm việc nặng nhọc hoặc giữ một tư thế trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tương đối cao.
Chẩn đoán
Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tiền sử chấn thương, bệnh sử và thuốc người bệnh đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về triệu chứng, phần cơ thể bị ảnh hưởng, triệu chứng toàn thân.
Một số xét nghiệm chẩn đoán xem bệnh nhân có bị viêm gân không:
- Xét nghiệm máu: Để loại trừ những nguyên nhân gây đau, viêm khác như viêm khớp, gout.
- Chụp X-quang: Quan sát cặn canxi xung quanh gân, điều này có thể giúp quá trình chẩn đoán bệnh.
- Chụp MRI hay siêu âm: Xem xét tình trạng viêm và sưng tại bao gân.
Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Từ đó giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa bệnh
- Hạn chế những hoạt động làm gân bị căng thẳng quá mức, đặc biệt là trong thời gian dài. Nếu cảm thấy đau khi tập, người bệnh cần dừng lại để nghỉ ngơi, tránh tập vì có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Kết hợp những bài tập tăng sự linh hoạt và khả năng chịu đựng của gân. Bạn có thể tập xen kẽ giữa những bài tập như đạp xe, chạy bộ hay bơi lội.
- Cần cải thiện kỹ thuật nhằm tránh kỹ thuật xấu ảnh hưởng tới gân. Bạn có thể trao đổi với huấn luyện viên trước khi bắt đầu tập.
- Luôn khởi động trước khi tập luyện để tăng phạm vi chuyển động của khớp, giảm nguy cơ chấn thương khi thực hiện những động tác lặp lại.
- Áp dụng tư thế đúng tại nơi làm việc như điều chỉnh màn hình máy tính, ghế, bàn phím phù hợp, tránh gây căng thẳng cho gân và khớp
Điều trị như thế nào?
Hiện các phương pháp điều trị viêm gân phổ biến như sau:
Phương pháp điều trị bảo tồn
Các phương pháp điều trị bảo tồn phù hợp với trường hợp viêm gân nhẹ, chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và chức năng của các cơ xương.
- Chườm lạnh là biện pháp hiệu quả để giảm đau và sưng viêm cấp tính. Nên dùng túi nhựa chứa đá vụn hoặc bọc đá trong một chiếc khăn chườm vào vị trí gân bị viêm từ 3 – 4 lần mỗi ngày. Không được chườm đá trực tiếp vì có thể làm bỏng da. Thời gian chườm đá tối đa là 20 phút, không nên chườm đá quá lâu sẽ càng tăng tổn thương viêm gân.
- Chườm ấm thường áp dụng cho các trường hợp viêm gân mãn tính
- Nghỉ ngơi tạm thời sẽ tạo điều kiện cho gân bị viêm có thời gian hồi phục tổn thương. Tùy vào vị trí viêm gân mà sẽ cần hạn chế vận động nhiều hay ít, nhưng cần tránh các cử động mạnh và đột ngột.
- Sau khi tình trạng viêm gân được kiểm soát, người bệnh nên tập các bài tập với mức độ vận động khớp tăng dần vài lần trong ngày, đặc biệt là ở khớp vai vì nếu bất động lâu có thể nhanh chóng gây co thắt bao khớp.
- Các loại thuốc giảm đau và kháng viêm thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm gân trong 7 đến 10 ngày. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau, giảm viêm và sưng. Thuốc kháng viêm dạng gel thoa ngoài da (voltaren, methyl salicylat, profenid) phù hợp với trường hợp viêm gân nông gần bề mặt da.
- Cortisone đường tiêm tác dụng kéo dài (ví dụ betamethasone, triamcinolone, methylprednisolone) đối với các tình trạng viêm gân nghiêm trọng nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng. Thuốc corticoid tiêm vào vị trí gân bị viêm giúp loại bỏ cơn đau nhanh chóng và giảm viêm hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý là không được tiêm vào gân có thể gây yếu hoặc đứt gân. Khớp tiêm nên được nghỉ ngơi trong 24 – 48 giờ để giảm nguy cơ đứt gân.
Vật lý trị liệu
Các thì các phương pháp vật lý trị liệu như bài tập vận động, mát xa, xoa bóp, sóng siêu âm, hồng ngoại, điện di novocain,… sẽ có hiệu quả với các trường hợp viêm gân mãn tính mức độ nhẹ đến trung bình, Mục đích của phương pháp vật lý trị liệu là cải thiện tình trạng viêm, giảm đau và phục hồi khả năng vận động của gân.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng điều trị viêm gân nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn và vật lý trị liệu, thường là gân bị dính làm cản trở hoạt động. Đối với trường hợp viêm gân kéo dài, nhất là trong viêm gân mũ cơ xoay, cần phải tiến hành phẫu thuật để sửa chữa gân hoặc loại bỏ phần canxi lắng đọng, sau đó mới áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu. Đôi khi người bệnh cần phải phẫu thuật để loại bỏ một phần xương gây cọ sát thường xuyên, cắt gân để giảm tình trạng viêm gân mãn tính hoặc loại bỏ các vết sẹo làm giới hạn chức năng khớp. Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị mới, ít xâm lấn và an toàn được nhiều người bệnh lựa chọn.
Viêm gân là bệnh lý phổ biến, thường ảnh hưởng đến các khớp lớn, làm suy giảm tầm vận động của người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ đối mặt với tình trạng rách gân, làm mất chức năng của khớp. Vì thế, khi có dấu hiệu gân bị viêm, bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.