Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm họng hạt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Viêm họng mạn tính là tình trạng bệnh nhân mắc viêm họng kéo dài, với nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bệnh gây tổn thương cổ họng ảnh hưởng. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Viêm họng hạt là bệnh lý xuất hiện khi vùng niêm mạc tại khoang họng bị viêm nhiễm nguyên nhân chủ yếu từ vi khuẩn có tên là Streptococcus nhóm A (Streptococcus pyogenes) gây ra. Bên trong niêm mạc của chúng ta có chứa lympho với chức năng tiêu diệt các thành phần gây hại như virus, vi khuẩn hay nấm mốc khi chúng tiếp xúc với khoang họng từ đường miệng và đường thở. Và khi cơ thể phải tiếp xúc với môi trường quá độc quá mức, lympho sẽ phải hoạt động với công suất cao hơn dẫn đến tình trạng phát triển thành các hạt trắng to trong cổ họng. Đây chính là lúc viêm họng hạt mạn tính quá phát.
Viêm họng hạt được phân thành 2 loại là viêm họng hạt cấp tính và viêm họng hạt mãn tính.
Triệu chứng viêm họng hạt
Những triệu chứng viêm họng hạt đáng chú ý bao gồm:
- Họng dễ bị khô và có cảm giác ngứa, bệnh nhân thường phải tằng hắng hay khạc nhổ ra để bớt ngứa.
- Lớp niêm mạc ở họng có biểu hiện đỏ bầm và dày lên. Xuất hiện các hạt đỏ hoặc hồng không đều màu ở cổ họng, gồ lên cao hơn so với niêm mạc xung quanh.
- Tổ chức bạch huyết gồ lên thành đám xơ hóa ở họng khiến bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, có cảm giác vướng khi nuốt nước bọt và khi ăn.
- Bệnh nhân ho khan hoặc ho có đờm, thường sẽ phải cố ho khạc để long đờm ra.
- Bệnh nhân có thể sốt, có trường hợp sốt cao trên 38 độ.
- Tiếng có thể khàn nhẹ hoặc bình thường, cổ đau rát rõ nhất khi thức dậy vào buổi sáng.
- Sờ cổ thấy nổi hạch, cứng và ấn vào đau
- Cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, ăn không có cảm giác ngon, mất vị thức ăn.
- Các triệu chứng tăng lên rõ rệt khi bệnh nhân nói nhiều hay uống rượu và hút thuốc lá.
Nguyên nhân gây viêm họng hạt
Bệnh viêm họng hạt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
- Sự tấn công của các tác nhân gây hại: Khoang miệng là nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ tấn công, gây viêm nhiễm. Thông thường, virus sẽ tấn công trước, sau đó vi khuẩn và nấm tiếp tục xâm nhập theo, gây bội nhiễm. Điều này khiến các tế bào lympho tại vùng họng phải làm việc liên tục, quá tải và sưng to.
- Biến chứng bệnh lý: Viêm họng hạt có thể là biến chứng của viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng cấp tái phát nhiều lần, viêm amidan mạn tính hoặc các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược họng thanh quản,…
- Bất thường trong giải phẫu cấu trúc mũi xoang: polyp mũi, lệch vẹo vách ngăn,
- Môi trường sống ô nhiễm: Việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói bụi, khói thuốc lá… hoặc thời tiết thất thường cũng là những yếu tố nguy cơ.
- Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng, vệ sinh răng miệng kém… cũng góp phần kích thích cổ họng và tạo điều kiện để các tác nhân xấu xâm nhập, gây viêm nhiễm.
- Yếu tố cơ địa, di truyền: các yếu tố cơ địa nhạy cảm, một số bệnh di truyền, miễn dịch cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt.
Đối tượng nguy cơ bị bệnh viêm họng hạt
Nguy cơ mắc viêm họng hạt có thể ảnh hưởng đến mọi người, nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao hơn bao gồm:
- Trẻ em và người già: Hệ miễn dịch của trẻ em và người già thường không mạnh mẽ như người trưởng thành, do đó, họ có thể dễ bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm họng hạt.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người đang điều trị bằng hóa trị, thuốc trợ tim, hoặc có các bệnh mãn tính như tiểu đường, AIDS, hoặc bệnh tự miễn dịch, có nguy cơ cao hơn mắc viêm họng hạt.
- Người tiếp xúc gần gũi với người bệnh: Những người sống chung hoặc làm việc gần với những người mắc viêm họng hạt có nguy cơ cao hơn mắc phải bệnh.
- Người thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và virus: Những người làm việc trong môi trường có khả năng tiếp xúc nhiều với vi khuẩn và virus, như nhân viên y tế, giáo viên, hay nhân viên dịch vụ, có nguy cơ cao hơn mắc viêm họng hạt.
- Người hút thuốc: Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc có thể làm kích thích và làm tổn thương niêm mạc họng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus xâm nhập và gây viêm họng hạt.
Chẩn đoán viêm họng hạt
Để chẩn đoán viêm họng hạt, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và thời gian khởi phát bệnh, sau đó sẽ tiến hành khám tai mũi họng của bệnh nhân. Các biểu hiện thực thể của viêm họng hạt tương đối rõ ràng, do đó, bác sĩ có thể xác định được tình trạng bệnh thông qua thăm khám lâm sàng.
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh nội soi thanh quản để quan sát niêm mạc họng chi tiết hơn, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác.
Trường hợp nghi ngờ viêm họng hạt kéo theo các viêm nhiễm thuộc đường hô hấp dưới hoặc ảnh hưởng các cơ quan khác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện chụp X – quang phổi, CT scan, MRI… để xác định chẩn đoán.
Phòng ngừa bệnh viêm họng hạt
Viêm họng hạt là một bệnh lý mạn tính gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số biện pháp sau đây có thể giúp phòng ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này:
Giữ vệ sinh cá nhân
Các biện pháp như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung vật dụng cá nhân,... có thể giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bảo vệ cổ họng
Đeo khẩu trang, giữ ấm cổ họng, tránh hút thuốc lá,... là những biện pháp giúp bảo vệ cổ họng trước các tác nhân gây kích ứng, viêm nhiễm niêm mạc họng.
Duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm trong đó có viêm họng hạt. Để làm được điều này, bạn cần duy trì chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, hạn chế rượu bia, thường xuyên tập thể dục,…
Điều trị các bệnh lý là nguyên nhân gây nên viêm họng hạt
Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan như viêm amidan, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản,… – yếu tố làm tăng nguy cơ viêm họng hạt sẽ giúp phòng ngừa khả năng mắc phải bệnh lý này.
Súc miệng và vệ sinh họng
Súc miệng và vệ sinh họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ vi khuẩn và giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Điều trị bệnh viêm họng hạt như thế nào?
Để điều trị viêm họng hạt dứt điểm cần xác định được bệnh do vi khuẩn hay vi nấm gây ra. Để làm được điều này cần nuôi cấy, phân lập vi khuẩn hoặc vi nấm, làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp nhất cho việc điều trị mầm bệnh. Đồng thời kết hợp điều trị mũi, xoang nếu có viêm nhiễm để quá trình điều trị viêm họng hạt đạt kết quả tối ưu.
Thuốc trị viêm họng hạt được chỉ định bởi bác sĩ thường đem lại hai tác dụng chính:
- Nhóm thứ nhất nhằm điều trị và kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh, gồm các loại thuốc ức chế virus, vi khuẩn hay nấm và thuốc điều trị trào ngược họng thanh quản.
- Nhóm thứ hai có công dụng giảm các triệu chứng khó chịu do viêm họng hạt gây ra, bao gồm các loại thuốc giảm ngứa họng, giảm ho, tiêu đờm, hay loại giảm đau, hạ sốt,…Cùng với đó là các chế phẩm hỗ trợ điều trị như nước súc họng, dung dịch rửa mũi…
Viêm họng hạt là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể được phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Hy vọng, sau những thông tin đã được chia sẻ ở trên, bạn sẽ nhận diện kịp thời để thăm khám và điều trị hiệu quả bệnh lý này.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.